Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Vua khoai lang” Ba Hạo
10 | 11 | 2008
Từ tay trắng, đến nay Ba Hạo đã có một trang trại khoai 100 ha với sản lượng bình quân 2.500 tấn/năm. Khoai lang của ông đã có mặt khắp cả nước và còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Singapore, Nhật...

Biết ông đã lâu, nhiều lần gặp ông trong các cuộc hội thảo lớn tại TPHCM, nhưng chỉ khi phát hiện một trang web có tên “khoai lang Ba Hạo” tại địa chỉ khoailangbahao.com, tôi mới thật sự bị cuốn hút bởi việc làm của người nông dân ấy. Ông là người đã đưa những củ khoai lang vốn là thực phẩm của người nghèo sang tận Trung Quốc, Singapore, Nhật... Tên ông là Đỗ Quý Hạo (Ba Hạo) nhưng nhiều người vẫn gọi đùa ông là “vua khoai lang” của miền Tây.

Thất bại vì thiếu kiến thức

Sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, nhưng một lần đến thăm người chị sống ở Hòn Đất- Kiên Giang, thấy đất đai nơi đây trù phú, có thể trồng trọt, canh tác dễ dàng, Ba Hạo quyết tâm chọn nơi này để lập nghiệp. Đó là vào năm 1980. Ông Ba Hạo kể: “Những ngày đầu đến Kiên Giang, tôi xin vào làm cho một gia đình nông dân trồng dưa hấu, vừa làm vừa học nghề. Nhờ siêng năng, chăm chỉ, tôi được chủ thương và trả công rất hậu hĩ”. Sau hai mùa, tích cóp được vài chỉ vàng, Ba Hạo xin chủ tách ra riêng. Đó là năm đầu tiên ông trồng dưa hấu. Những ruộng dưa xanh rờn không phụ công ông khi cho ra đời những quả dưa căng tròn, chín mọng.

Thừa thắng, mùa vụ năm sau, Ba Hạo tiếp tục thuê đất, mở rộng diện tích gieo trồng. “Không ngờ, năm ấy ruộng dưa bị sâu phá tanh bành. Ba cây vàng vốn liếng của cả gia đình dành dụm suốt mấy năm coi như mất hết. Nhìn ruộng dưa héo vàng, lòng tôi đau như cắt. Tôi tự hỏi, sao không học để làm “bác sĩ trị bệnh cho cây”- Ba Hạo tâm sự.

Mở phòng thí nghiệm để trồng khoai

Vài tháng sau, Ba Hạo lần tìm đến các trung tâm khuyến nông, thư viện, tìm mua sách về đọc, học hỏi kinh nghiệm. Bà Trương Thị Phượng, vợ ông, nhớ lại: “Có bao nhiêu tiền, ông ấy đều mua sách. Lúc đó, ban ngày ra đồng, tối đến ông ấy thắp đèn dầu trong mùng nằm đọc sách. Nhiều người trong vùng còn cho rằng ông ấy khùng, không cam phận làm nông”. Nhờ đọc sách mà cơ duyên đã đưa ông đến với nghiệp trồng khoai lang. Ông Ba Hạo nói: “Đó là lần tôi đọc quyển sách Kỹ thuật thâm canh khoai lang của giáo sư Đinh Thế Lộc. Lúc ấy, tôi không khỏi trăn trở về việc trồng khoai trên vùng đất bị nhiễm phèn mà ít ai canh tác nơi đây”.

Năm 1984, ông trồng thử nghiệm khoai lang trên 1 ha đất. Vụ mùa đầu tiên, ông thắng lớn. Năm sau, ông tiếp tục nhân giống trồng thêm. Thêm nhiều sách vở cũng như những giống khoai mới được ông sưu tầm về; trong đó có khoai Nhật, khoai bí đường xanh, khoai mật, khoai lang nghệ... được ông trồng trên vùng đất nhiễm phèn.

Thành công rồi, ông lại thấy ham và muốn đầu tư cho việc trồng khoai theo hướng chuyên nghiệp. Lặn lội đến các trường ĐH Cần Thơ, An Giang, Nông Lâm... Ba Hạo học hỏi thêm kỹ thuật hiện đại. Trở về quê, ông mở... phòng thí nghiệm, nghiên cứu về các loại dịch bệnh và phương pháp canh tác cho năng suất cao. Và việc dùng bẫy dẫn dụ bọ hà, kỹ thuật trồng khoai trên đất phèn... được ông ứng dụng thành công. Nhờ thế, ruộng khoai của Ba Hạo năng suất ngày càng cao. Tự tin, ông quyết định xây dựng trang trại chuyên canh khoai lang trên vùng đất tưởng như không thể cải tạo được.

Thương hiệu “Khoai lang Ba Hạo”

Từ tay trắng, đến nay ông Ba Hạo đã có một trang trại khoai 100 ha với sản lượng bình quân 2.500 tấn/năm. Khoai lang của ông đã có mặt khắp cả nước và còn được xuất khẩu. Và người nông dân chân chất ngày nào giờ đã thành ông chủ DNTN Ba Hạo (ấp Hiệp Lợi, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất- Kiên Giang). Tại TPHCM, một chi nhánh của doanh nghiệp cũng đã được mở tại quận 2- TPHCM. Giờ đây, thương hiệu “Khoai lang Ba Hạo” đã trở nên nổi tiếng và trở thành nơi cung cấp nguyên liệu cho nhiều doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm trong và ngoài nước.

Không dừng lại với thành công đó, mới đây, ông đã mở xưởng cơ khí, nâng cấp máy móc để ứng dụng cơ khí vào canh tác. Chị Đỗ Thị Mai, con gái ông, tự hào: “Học hỏi không ngừng chính là tố chất của ba tôi. Ông luôn muốn ứng dụng khoa học vào ruộng đồng để nông dân bớt cơ cực. Đó cũng là lý do khiến ông không bao giờ chịu đầu hàng trước những khó khăn”.

Ông Ba Hạo cho rằng trong giai đoạn hội nhập hiện nay, việc canh tác đơn lẻ sẽ khiến nông dân khó tồn tại với sản phẩm của mình. Tôi mong các nông dân liên kết với nhau để tạo ra sản phẩm tốt nhất và nguồn hàng phong phú cung cấp cho các doanh nghiệp. Muốn thế, nông dân cần biết ứng dụng khoa học cũng như công nghệ để giới thiệu sản phẩm của mình ra thế giới.



Nguồn: Doanhnghiep24g.vn
Báo cáo phân tích thị trường