Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trông chờ "lương thành phố"
09 | 11 | 2008
Sản xuất nông nghiệp không thể nuôi nổi nông dân. Không chỉ có lực lượng lao động chủ lực, tuổi từ 18-35, mà cả những ông bà già và trẻ chưa đủ 18 tuổi cũng lao ra thành phố kiếm sống. Và, nông thôn bây giờ đang sống bằng nguồn thu nhập chính, được coi là “lương thành phố” này.

>> Nông dân đang sống như thế

Không có "lương thành phố" là khó khăn

Đại lý thuốc BVTV xã Diên Hồng, huyện Thanh Miện (Hải Dương) bỗng nhiên ồn ã. Tôi lại gần, ông chủ cửa hàng mắng xơi xơi vào mặt người phụ nữ cúi gập đầu, đeo chiếc bình thuốc sâu bên hông giữa đám đông mua hàng. "Tổng cộng chị nợ tôi cả tiền phân bón lẫn tiền thuốc sâu đã lên tới 340 ngàn đồng rồi. Ai cũng nợ như chị thì tôi còn buôn bán gì nữa!"- chủ cửa hàng quát tháo. Chả là, chị Nguyễn Thị Vân, thôn Diên Hồng (xã Diên Hồng) cố nài nỉ ông chủ bán chịu cho thêm một gói thuốc trị rầy nâu hiệu Bát sa, giá chỉ có 25 ngàn đồng. Và chị hứa, đúng chiều ngày mai, chồng gửi tiền về chị sẽ trả cả nợ cũ lẫn mới. 

Vì miếng cơm manh áo, mọi người bắt buộc phải rời khỏi làng quê, đổ xô ra thành phố

Chị Vân ngậm ngùi: “Những tháng trước, cứ đến cuối tháng, hoặc 1-2 tháng chồng tôi làm thuê ở Hà Nội lại gửi tiền về, gia đình chi tiêu mua thuốc trừ sâu, phân đạm, nộp tiền học cho con bằng tiền đó. Nhưng hai tháng nay, chồng tôi bảo ít việc quá nên tiền về chậm. Như trước đây chăn được mấy con gà, cần đến tiền gấp thì xách ra chợ bán, nay chăn gà chết đằng gà, lợn chết đằng lợn nên nhà chả còn gì bán được. Ở cái làng này, có phải mỗi mình tôi rơi vào cảnh đó đâu, mà ông ấy làm khó với tôi thế”.

Hiện nay, ở nông thôn xã nào ít cũng có 400 lao động ra thành phố kiếm sống, xã  nhiều lên tới 1.000, thậm chí có những xã ở Thái Bình, Hải Dương có đến 1.500 - 2.000 lao động ra thành phố kiếm việc làm, chiếm đến 1/4 dân số của xã. Trung bình, mỗi lao động cung cấp cho nông thôn khoảng 700-800 ngàn đồng/tháng. Tính ra một xã, một tháng được cấp từ 700 triệu – 1,4 tỉ đồng.

* Theo một lãnh đạo huyện Phù Cừ (Hưng Yên), mỗi tháng  huyện này được "bổ sung" khoảng 12 tỉ đồng. Trong đó trên 4 tỉ  rơi vào những đối tượng nguyên và đang là cán bộ, công chức.  Hơn 2 tỉ  trợ cấp xã hội. Còn lại đa phần nông dân trong huyện, sống nhờ khoảng 6 tỉ đồng của người lao động ở thành phố gửi về.

Cũng tại đại lý thuốc BVTV này, tôi nghe được những câu chuyện về những đồng tiền mang về từ thành phố, mà nông dân gọi là “lương thành phố”. “Nó là khoản tiền lớn nhất, quan trọng nhất đối với đa số hộ nông dân ở nông thôn bây giờ. Tiền mua thuốc ở đây có đến 70% là tiền mang về từ thành phố, trong đó 50% của lao động phổ thông, 20% là của những người ở quê ra thành phố thành đạt. Số còn lại là tiền lương hưu của những người hưu trí và tiền do dân ở đây làm ra. Nếu không có nguồn tiền này, thuốc trừ sâu, phân đạm đắt như thế này dân kiếm tiền đâu ra để mua? Chỉ trông vào mấy sào ruộng, rau màu thì dân chết đói mất”- ông chủ đại lý thuốc BVTV phân tích.

Theo tính toán của ông Đặng Minh Dương - Bí thư Đảng uỷ xã Tiền Phong, huyện Thanh Miện (Hải Dương): Bình quân mỗi khẩu ở xã Tiền Phong chưa có nổi một sào ruộng. Trên 200 ha đất nông nghiệp chỉ đảm bảo lương thực cho 5.200 dân của xã ăn trong vòng 5 tháng. Lương thực 7 tháng còn lại người dân phải bỏ tiền ra mua. Tiền bỏ ra mua gạo và chi tiêu hàng ngày trong gia đình, nuôi con cái học hành, chữa bệnh… chủ yếu trông chờ vào số tiền khoảng 1 tỉ đồng/tháng, do gần 1.000 lao động ra thành phố làm gửi về.

Ở Tiền Phong, trung bình gần một hộ có một lao động ra thành phố làm. Và nếu chia 1 tỉ đồng cho trên 5.000 dân Tiền Phong, thì mỗi người được xấp xỉ 200.000 đồng/tháng. Một số nhỏ hộ chăn nuôi (nhưng là chăn nuôi 10 con lợn, 100 con gà trở lên) hoặc những người làm dịch vụ, nghề phụ ở địa phương mới kiếm được tiền tại chỗ để đảm được cuộc sống.

Ông Nguyễn Hữu Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ (Hưng Yên) cho biết: Dù là huyện sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh nhưng trung bình mỗi xã cũng có khoảng 500 lao động bỏ làng ra thành phố. Trồng lúa, hoa màu thì không có lãi, chăn nuôi thì toàn huyện có trên 20 ngàn hộ, nay đã có trên 5.000 hộ dã từ chăn nuôi rồi. 15 ngàn hộ đang chăn nuôi thì chỉ có khoảng vài ngàn hộ là có thu nhập khá thôi. Nếu không có tiền của lao động ra ngoài gửi về hàng tháng, không biết nông thôn sống bằng gì. Theo tính toán, mỗi tháng, trên 2 vạn hộ nông dân huyện Phù Cừ có được trên 6 tỉ đồng do lao động ra thành phố làm "rót"  về.

Trăm khoản tiêu pha

Đi khắp các vùng nông thôn vào thời điểm này, đâu đâu người ta cũng nói đến “lương thành phố” và sự quan trọng của nó. Có một điều chắc chắn rằng, nếu không có những đồng tiền này, nông thôn không biết sẽ sống ra sao. Nhưng có cùng ăn, cùng chi tiêu với nông dân mới hiểu, thực ra, những đồng tiền đó cũng chỉ đủ để nông dân trang trải cuộc sống hàng ngày mà thôi. Ở xã Tiền Phong, huyện Thanh Miện (Hải Dương) người ta thống kê được, chỉ có 20% số người ra thành phố kiếm tiền là có khả năng tích luỹ được một chút, nhưng hoàn toàn không bền vững, chỉ cần một người trong gia đình bị ốm đau, hay chi tiêu một món lớn một chút là đi tong.

Đã là 7 giờ tối, nhưng khắp vùng quê trải dài từ huyện Gia Lộc đến cuối huyện Thanh Miện (Hải Dương) vẫn không một ánh điện. Người dân bảo, họ đã quá quen với cảnh “chị Dậu” rồi. Chị Nguyễn Thị Hiền, thôn 2, xã Tiền Phong cùng cô con gái và người hàng xóm đang mò mẫm khêu từng con ốc ăn… thay cơm giật mình khi tôi xuất hiện đằng sau. Chị Hiền tâm sự: “Chồng tôi đi làm xa đã mấy năm nay, thằng con trai mới 15 tuổi cũng theo cha đi làm. Con thì còn phải vừa làm vừa học việc nên chưa để ra được nhiều, bố nó thì mỗi tháng gửi về cho tôi được gần 1 triệu đồng. Phân, gio, giống má, cỗ bàn và tiền học của con, đến tiền mua mớ rau, lạng thịt hàng ngày đều từ tiền đó hết. Tôi ở nhà, ngoài cấy mấy sào ruộng ra cũng cố mò con cua, con ốc để đỡ phải mua thức ăn. Nhưng cua ốc ở vùng này cũng hiếm lắm rồi, ba hôm nay đi mò, nay mới được một bữa đây.”

Lao động nông nghiệp

Tôi đùa rằng, một tháng chị Hiền có gần 1 triệu đồng, gần bằng lương nhà báo bình thường như tôi rồi, mà ở nông thôn thì có tiêu pha gì? Nhưng chị Hiền bảo, tiền bố cháu gửi về, cũng chỉ đủ chi tiêu hàng ngày thôi. Và chị chứng minh: “Từ đầu năm đến nay tôi đi “ăn cỗ” 23 đám (mà mình còn bỏ nhiều đấy), từ đám ma, đám cưới, đám giỗ, đám học đại học, đám về nhà mới, đám đẻ, đám thăm người ốm, người tai nạn, đám đi nước ngoài…, trung bình mỗi đám 40 ngàn đồng, tổng cộng là 920 ngàn đồng. Mua phân đạm, thuốc BVTV cho 4 sào lúa 2 vụ, 420 ngàn đồng/sào/2 vụ, vị chi hết 1,7 triệu đồng.

Tiền thuê cày bừa 4 sào 2 vụ hết 660 ngàn, phụt lúa hết 200 ngàn, phun thuốc trừ sâu 240 ngàn, tổng cộng hết 1,1 triệu. Những khâu còn lại tôi tự làm. Thức ăn hết 8 ngàn đồng/ngày, một tháng hết 240 ngàn đồng, 10 tháng hết 2,4 triệu đồng. Tiền học của cháu 2 kì hết khoảng 1 triệu đồng. Ngoài ra là các khoản chi tiêu lặt vặt khác, khoảng 100 ngàn/tháng, 10 tháng hết 1 triệu đồng. Cộng tất cả vào, từ đầu năm 2008 đến nay, tôi chi tiêu, dù chỉ cho 2 mẹ con đã hết 8,1 triệu đồng rồi. Chồng và con tôi gửi về mỗi tháng 1 triệu, 10 tháng được 10 triệu, tôi chỉ dành dụm được 1,9 triệu thôi. Nhưng, vừa qua, hai mẹ con ốm  đi viện, hết sạch rồi.”

Vượt qua sông Luộc, tôi tới Thái Bình - mảnh đất có nông dân ra thành phố làm nhiều bậc nhất ĐBSH. Nông dân ở đây cũng chi tiêu tiền từ thành phố gửi về “khin khít” như chị Hiền. Bà Vũ Thị Hoà, xóm 1 xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ bảo: "Dân chúng tôi sống chủ yếu dựa vào tiền chồng con ra thành phố làm gửi về. Ở nhà chúng tôi chỉ lo cấy hạt thóc không phải đong gạo ăn, nuôi vài con gà con vịt, trồng luống rau chồng con về cải thiện thôi. Nhưng nhà nào không hà tiện, hoặc chồng con kiếm ra tiền nhưng muốn “sướng”, vung tay quá trán là hết sạch, thậm chí nghèo vẫn hoàn nghèo.”

Bà Đinh Thị Hoa, thôn Hưng Sơn, xã Minh Tân, huyện Đông Hưng (Thái Bình) dù có hai đứa con đi làm tận TP. Hồ Chí Minh nhưng thu nhập vẫn không nuôi nổi một đứa con và bố mẹ già. Bà Hoa cho hay: “Con trai tôi lấy vợ, chỉ có chồng có ruộng; 1,3 sào không thể nuôi nổi chúng nó. Hai vợ chồng kéo nhau vào Nam kiếm sống. Sinh con trong đó, được hơn một tuổi vứt về cho tôi nuôi. Nó bảo, hai vợ chồng cũng kiếm được trên 2 triệu đồng/ tháng nhưng thuê nhà, ăn uống là hết sạch. Chả tích cóp được gì. Trong khi đó tôi cấy ruộng không có người làm cũng chẳng có tiền thuê, gắng được hạt thóc nào thì được. Thật khổ." (Còn nữa)



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường