Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xúc tiến xuất nhập khẩu trong lĩnh vực lương thực - thực phẩm
07 | 11 | 2008
Đó là chủ đề cuộc hội thảo vừa diễn ra sáng 6/11 tại Hà Nội do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Ông Phạm Gia Túc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VCCI cho biết, 8 tháng năm 2008, xuất khẩu lương thực - thực phẩm đạt 11,2 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Sau 2 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thị trường xuất khẩu nói chung, trong đó có xuất khẩu lương thực - thực phẩm được mở rộng. Các sản phẩm, mặt hàng của Việt Nam đã có mặt tại hầu hết các thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp còn hạn chế trong tiếp cận thị trường, yếu trong phát triển thương hiệu, hàng hóa xuất khẩu chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế…

Để hạn chế các yếu kém trên, ông Phạm Gia Túc cho rằng, doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến gia tăng chất lượng hàng hóa, chủ động đẩy mạnh khai thác thị trường, xây dựng thương hiệu.

Trưởng đại diện tổ chức Nông Lương tại Việt Nam (FAO) - ông Andrew Speedy lưu ý vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng trong các mặt hàng lương thực, thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Theo ông Andrew Speedy, đảm bảo an toàn thực phẩm luôn là mối quan tâm số một của các thị trường nhập khẩu, đặc biệt với những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... Để tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra, Việt Nam cần có cơ chế giám sát về vấn đề này ngay từ khâu sản xuất, nuôi trồng để đến khi đã trở thành hàng hóa đưa vào hệ thống bán lẻ hay xuất khẩu thì các sản phẩm “made in Vietnam” đã có được lòng tin của khách hàng.

Đại diện doanh nghiệp xuất nhập khẩu, ông Trần Mạnh Cảnh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) nêu quan ngại: Mặc dù xuất nhập khẩu lương thực thực phẩm rất được Chính phủ và doanh nghiệp quan tâm, đẩy mạnh trong thời gian vừa qua nhưng chưa có nền móng lâu dài, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, hạn chế.

Cụ thể, theo ông Trần Mạnh Cảnh, quy hoạch của ngành nông nghiệp tuy đã có sự quan tâm nhưng vẫn còn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu bền vững. Điều này sẽ gây khó khăn trong xuất khẩu lương thực, thực phẩm về lâu dài. Trong khi đó, ngân sách đầu tư cho phát triển nông nghiệp còn hạn chế, đặc biệt là đầu tư cho ứng dụng công nghệ trong phát triển nông nghiệp vẫn đang thấp, sự kết hợp giữa 3 nhà “Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà nông” còn lỏng lẻo… “Những yếu tố này đã ảnh hưởng rất lớn đến sự bền vững trong hoạt động xuất nhập khẩu lương thực, thực phẩm”, ông Cảnh nói.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng bàn về: Các yêu cầu chung và yêu cầu đặc thù của mỗi thị trường đối với hàng lương thực thực phẩm; Đóng gói và nhãn hàng; Luật pháp và các quy định liên quan.



Nguồn: vovnews
Báo cáo phân tích thị trường