Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân đang sống như thế
06 | 11 | 2008
Vấn đề Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nghị quyết "Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn" đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương 7, Khoá X. Nghị quyết xác định rõ "Nông dân là chủ thể của quá trình phát triển". Mục tiêu trong giai đoạn tới là "Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hoà giữa các vùng. Nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới". Với tinh thần đó, phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam đã cùng ăn, cùng ở với người nông dân để thấy đời sống của họ hiện nay ra sao, và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Lẽ dĩ nhiên, chúng tôi không có điều kiện phản ánh mọi nhẽ, đầy đủ về đời sống của người nông dân; ở một phạm vi nào đó, chỉ đưa cái nhìn tương đối...
Phần I: Vùng Đồng bằng sông Hồng

Bài 1: Năm sào ruộng không nuôi nổi một học sinh

Dù năng suất, giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn tăng nhưng đầu vào quá đắt đỏ, lợi nhuận thu được từ diện tích đất nông nghiệp của cả hộ cũng không thể nuôi sống được một người…

Người già làm nông nghiệp

Chúng tôi về vùng quê Thanh Miện (Hải Dương) thấy những cánh đồng lúa bị cháy rầy xơ xác, đổ gập, nước ngập trắng đồng, mà thi thoảng mới có một nông dân già rón rén bó từng cây lúa. Nông dân mình không còn thương cây lúa hạt thóc nữa sao? Nông dân xã Minh Tân trả lời: “Nông nghiệp ngàn đời nay vẫn vậy, thời tiết cho ăn thì được ăn thôi. ”

Lao động nông nghiệp

Ông Nguyễn Văn Tâm, xóm 1, xã Minh Tân, huyện Thanh Miện đúc kết: Nền nông nghiệp bây giờ là “nền nông nghiệp đi thuê”. Ông tính: Một sào ruộng ở đây thu được khoảng 2 tạ thóc/sào/vụ. Quy ra tiền được khoảng 840 ngàn đồng. Nhưng tiền thuê làm để ra được 840 ngàn này đã mất gần một nửa. Thuê cày, bừa mất 70 ngàn; thuê cấy mất 80 ngàn; thuê phun thuốc trừ sâu 5 lượt, mỗi lượt 15 ngàn/sào là 75 ngàn; thuê gặt 80 ngàn; thuê tuốt lúa mất 25 ngàn. Tổng tiền thuê cho một sào ruộng mất 330 ngàn đồng. Đa số nông dân hiện nay phải đi thuê các khâu đó. Chỉ có những gia đình còn phụ nữ hoặc đàn ông trẻ khoẻ (nhưng rất ít) mới không phải thuê phun thuốc trừ sâu hay bớt thuê gặt ,cấy đi thôi.

Người dân bảo, nếu cộng số tiền trên với tiền phân đạm 250 ngàn/sào, giống 30 ngàn/sào, thuốc BVTV 80 ngàn, tổng cộng là 360 ngàn nữa thì một sào với năng suất 2 tạ chỉ còn được lời 150 ngàn. Nhưng nếu phải thuê túm lúa đổ cuối vụ 1 sào 80 ngàn và thêm 2 lượt thuốc trừ sâu, làm cỏ, tiền đóng một số khoản phí như phí dẫn nước, phí BVTV, phí khuyến nông… nữa thì hết sạch. Đấy là tính năng suất trung bình 2 tạ/sào, dưới 2 tạ/sào là lỗ.

Cũng vì thế, khi chúng tôi về Minh Tân,(lại Minh Tân nhưng lần này ở huyện Đông Hưng, Thái Bình), mặc dù lúa đổ, nhưng nhiều người không đi túm gọn tránh lúa ngập mà gặt non. Bà Đinh Thị Mai, xóm Bắc Sơn giải thích: Nhà tôi bị đổ 3 sào mà chỉ có một mình tôi làm được, chồng yếu, con cái đi làm xa hết, túm bao giờ mấy xong? Gặt sớm, cứ cho năng suất giảm 15-20%, thì một sào mình cũng chỉ mất có 30 kg thóc. Quy ra tiền cũng chỉ mất có 126 ngàn đồng. Vào chính vụ mình đi gặt thuê, ngày công 80-90 ngàn/ngày, chưa cần hai ngày đã bù vào được khoản mất 126 ngàn đó. Vậy túm làm gì? Nhiều người dân ở Minh Tân cũng nghĩ như bà Mai, càng sản xuất nông nghiệp càng lỗ, lấy thời gian đó đi làm thuê còn hơn.

Ở Minh Tân, năng suất lúa vụ mùa chỉ đạt trung bình 1,5 tạ/sào. Nếu thuê làm từ đầu đến cuối thì đúng là lỗ nặng. Dân và chính quyền đều khẳng định, nguyên nhân thì có nhiều, nhưng quan trọng là người nông dân không còn mặn mà với đồng ruộng nữa. Hay nói đúng hơn, những người bám ruộng hiện nay chủ yếu là ông bà già - những người đã không còn đủ sức lực và nhiệt huyết, coi sản xuất nông nghiệp là nghề nữa. Ông Nguyễn Văn Đức - Trưởng thôn Hưng Sơn, xã Minh Tân bảo: “Tại sao nhà tôi năng suất lúa vụ nào cũng đạt 2 tạ/sào, cao nhất làng, mà bà con chỉ đạt tạ rưỡi tạ sáu? Ấy là vì tôi còn coi cây lúa là cuộc sống của mình, lăn lộn, trăn trở với ruộng nương. Nhưng những nông dân còn mặn mà với nông nghiệp như tôi, ở làng này chỉ đếm trên đầu ngón tay”

Năm sào ruộng không nuôi nổi một học sinh

Khi tôi có mặt tại Đông Hưng (Thái Bình), huyện này họp triển khai trồng vụ đông 2008. Coi vụ đông là vụ chính và có những chính sách đặc biệt khuyến khích nông dân trồng đậu tương đông - một cây, mà tính ra, dù thuê tất cả các khâu, ít nhất cũng vẫn lãi được 200 ngàn đồng/sào, nhưng họp triển khai xong, chủ nhiệm các HTX ở Đông Hưng bước ra khỏi hội trường, đều lắc đầu nguầy nguậy:

"Huyện giao cho 50 ha, trồng được 10 ha là giỏi lắm rồi. Tại sao? Một chủ nhiệm HTX trả lời: Dân không làm. Sao lãi thế mà không làm? Dân lười không chịu làm… Hỏi dân, dân bảo, làng nước họ có làm đâu, mình làm thì chuột bọ, sâu bệnh phá hết. Một cán bộ ngành nông nghiệp về hưu vỗ vai tôi tiếc nuối: Còn đâu nữa những phong trào sản xuất nông nghiệp sôi động khắp các cánh đồng ngày xưa?"

Ở ĐBSH, trung bình mỗi xã có khoảng 5 - 6.000 ngàn dân, với khoảng 250-300 ha đất canh tác. Trung bình, mỗi nhân khẩu có 500m2 đất nông nghiệp. Như điều tra của chúng tôi ở phần trên, một sào ruộng (tính trên diện đa số tại thời điểm này) chỉ cho lãi khoảng 150 ngàn đồng. Tổng cộng, sản xuất nông nghiệp một năm chỉ lãi được 300 ngàn đồng/sào. Nếu trung bình mỗi hộ có 5 sào ruộng, thì một năm chỉ thu được 1,5 triệu đồng tiền lãi. Số tiền này, nông dân tính ra, không nuôi nổi một học sinh.

Ở nhiều xã thuộc huyện Phù Cừ (Hưng Yên), nông nghiệp vẫn còn được người dân không “bỏ bê” như ở Đông Hưng (Thái Bình), nhưng hạch toán ra, một năm, mỗi sào chỉ cho lãi được 300 ngàn đồng. Chị Nguyễn Thị Hiên, xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ (Hưng Yên) có 5 sào ruộng, dù mình không phải thuê nhiều như người ta nhưng năng suất chỉ được tạ bẩy tạ tám/sào nên cả năm cũng chỉ thu được trên 1,5 triệu. Chị Hiên bảo: “Số tiền này không đủ nuôi con tôi ăn học lớp 9.

Thanh niên nông thôn rời làng quê nhiều khi chỉ vì kiếm miếng ăn

Vào đầu năm học này tôi phải đóng cho cháu gần 500 ngàn, gồm: Tiền học phí, tiền xây dựng nhà trường, tiền vệ sinh, tiền quần áo đồng phục, tiền khuyến học, quỹ đoàn đội, bảo hiểm… Ngoài ra phải mua hết 100 ngàn tiền vở, 100 ngàn tiền sách. Hiện nay, mỗi tuần cháu phải học thêm 3 buổi, mỗi buổi 5.000 đồng, một tuần hết 60 ngàn, một năm (tính 10 tháng thôi) hết 600 ngàn đồng. Tổng chi tiền học hành sách vở cho cháu một năm hết 1,3 triệu đồng. Còn 300 ngàn đồng nữa, một năm cho cháu ăn có đủ không? Chưa kể còn nhiều loại tiền khác, trong đó có cả tiền, mà dân chúng tôi gọi là “tiền ngu” mỗi khi thi cử nữa…

Khái quát về thu nhập từ sản xuất nông nghiệp không thể đảm bảo một phần nhỏ trong tổng chi tiêu của một hộ nông dân hiện nay, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Miện (Hải Dương) Nguyễn Ngọc Nhuần đưa ra một minh chứng tương đối thuyết phục. Ông Nhuần cho hay: Tôi đã có cuộc điều tra trên tất cả các xã thị trấn của huyện Thanh Miện. Trung bình mỗi xã ở huyện này có khoảng 300 cái đám ma chay, cưới hỏi, tảo mộ, về nhà mới, liên hoan… có từ 6-120 mâm cỗ. Tôi tính nhẹ nhàng, trung bình mỗi đám có 6 mâm cỗ, mỗi mâm 500 ngàn, thì 300 đám đã tiêu hết 900 triệu đồng.

Nếu trung bình mỗi xã có 300 ha đất nông nghiệp, mỗi một ha cho lãi khoảng 2,5 triệu thì tổng lãi thu được là 750 triệu. Số tiền này không đủ chi phí cho 300 đám hiếu hỉ trên. Nhưng, chúng ta phải biết rằng, với diện tích ở ĐBSH hiện nay, thóc sản xuất ra chỉ đủ ăn. “Dĩ nhiên là ăn vào miệng mình, nhưng chỉ cần những đám cỗ đó thôi, lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp bây giờ đã không thể bù nổi rồi. Nói gì đến các chi phí học hành, dựng nhà dựng cửa, mua sắm, đầu tư cho con cái học hành, chữa bệnh… nữa?”, ông Nhuần kết luận.

Vậy, nông dân bây giờ đang sống bằng nguồn thu nhập nào?(Còn nữa)



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường