Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân choáng váng
04 | 11 | 2008
Cho đến hôm qua 3/11, toàn vùng cây cảnh, cây ăn quả đặc sản trị giá cả trăm tỉ đồng của nông dân huyện Văn Giang (Hưng Yên) vẫn chìm sâu trong nước. Nước sông Hồng cao hơn trong đồng, vì thế dân chỉ còn nước cây nhìn mà khóc…

Hà Nội: Nuôi trồng thuỷ sản trắng tay...
Ngoại thành Hà Nội bán tháo thực phẩm tươi sống
Cây cảnh ở thôn Bến, xã Phụng Công ngập sâu dưới nước
Đứng trên đê sông Hồng nhìn xuống các cánh đồng của Phụng Công, Mễ Sở, Liên Nghĩa, thị trấn Văn Giang, Vĩnh Khúc, Nghĩa Trụ…, màu trắng nhiều hơn màu xanh. Các loại cây cảnh, quất bầu chìm lủng dưới nước chỉ có những cây như cam đường Canh, lộc vừng, cây xanh già cỗi may mắn còn giữ lại được những chòm xanh. Mấy chục năm qua, mảnh đất này là niềm tự hoà của nền nông nghiệp hàng hoá tỉnh Hưng Yên, thế mà bây giờ màu trắng của sự “tang tóc” bao phủ khắp các cánh đồng.

Mỗi bước chân rón rén lội qua các con đường đã biến thành sông ở đây đều bắt gặp những người đàn bà lặn mò những mớ rau muống, rau cần, rau cải trồng xen với các loại cây cảnh, cây ăn quả bán vớt vát cho tư thương mang ra Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Nuôi, thôn Bến, xã Phụng Công xót xa: “Đã từ lâu rồi vùng đất này mới bị ngập nặng như thế. Có chỗ ngập sâu 2m nước. Từ qua đến nay, tuy trời không còn mưa lớn nhưng nước rút rất chậm. Công nghiệp, đô thị bao vây vùng cây cảnh đã làm biến dạng, hoặc lấp đi các dòng chảy mất rồi. 5 sào cây cảnh nhà tôi, dự định cuối năm nay thu 50 triệu đồng, chắc đi tong”.

6 thôn trồng cây cảnh ở Phụng Công với hàng trăm ha cho đến nay vẫn ngập chìm trong nước. Một số người dân nhổ một số loại cây lên làm bầu lại để ở sân nhà, nhưng "ván bài lật ngửa" này xem ra cơ hội thành công là rất thấp. Nhưng dân trồng cây cảnh ở Phụng Công, Mễ Sở vẫn còn may hơn nhiều so với nông dân Liên Nghĩa, thị trấn Văn Giang, Nghĩa Trụ trồng cam, quất, quýt. Vì nếu nước tiếp tục ngập một vài ngày tới, chỉ có một số loại cây cảnh là “ra đi” như cây safia, ngọc lan, trà…còn một số loại cây khác như sung, sanh, lộc vừng thì do cây cao, không bị nước nhấn chìm, vả lại là cây thích nghi được với nước nên dù nước có ngâm đến 1 tháng cũng không thể chết. Như vậy dẫu sao, những người dân trồng các loại cây cảnh này cũng không thể bị mất trắng. Nhưng những nông dân trồng quất, quýt, cam cho đến thời điểm này, cơ hội cứu vãn còn rất mong manh.

Người dân bắt đầu hái cam non bán vớt vát
Con đường dẫn xuống xã Liên Nghĩa, Nghĩa Trụ, Thắng Lợi…vẫn còn rất nhiều chỗ ngập. Nhiều người dân bắt đầu hái cam non bán cho tư thương và khách qua đường. Ông Trần Văn Toán, thôn Phi Liệt, xã Liên Nghĩa bảo: “Nhà tôi có gần 1 mẫu quất thì ½ còn nhìn thấy màu xanh dưới làn nước trắng, nửa còn lại cây nhô được lên khỏi mặt nước nhưng đã bắt đầu héo. Quả thì chưa có nước nên không thể vớt vát được gì. Còn gần 200 gốc cam đường Canh, năm ngoái cho thu 70 triệu đồng đang ngập sâu dưới 1m nước. Những quả to nhất, đẫy nhất bắt đầu nứt toác ra. Hai ngày nay, tôi và nhiều người dân ở đây hái những quả to bán cho tư thương với giá 2- 2.500 đ/kg. Gọi là vớt vát vậy thôi”.

Đến thôn Công Luận, thị trấn Văn Giang, người mặc quần cộc cũng ướt sũng mà người mặc quần dài cũng ướt sũng túm năm tụm ba bàn cách cứu những cây đặc sản . Khi tôi đặt câu hỏi về sự trợ giúp của chính quyền, họ đã gạt phăng đi: “Hơn 2 năm trước, mưa đá làm chúng tôi khuynh gia bại sản nhưng nhà nước chỉ hỗ trợ cho mỗi hộ dân được 300 ngàn đồng và mãi tận đầu năm nay, khi báo chí lên tiếng họ mới đưa tiền hỗ trợ. Đợt này, chúng tôi mất cả quả lẫn gốc cây rồi, còn gì nữa đâu mà các anh hỏi”.

Đến 3/11 toàn huyện có trên 2.900 ha hoa cây cảnh và cây màu bị ngập úng. Riêng cây ăn quả, chủ yếu là cam, quất và cây cảnh khoảng trên 1.300 ha. Phòng NN-PTNT Văn Giang cho biết do hệ thống tiêu kém nên nước rút rất chậm. Trong vòng 1 tuần nữa nước không rút kiệt cộng với có nắng, toàn bộ diện tích này sẽ bị mất trắng. Còn nếu nước rút sớm thì cũng chỉ có thể cứu được gốc cây.

Tôi phải mất vài câu giải thích, những người dân này mới nghe ra. Và để tôi được tận mắt chứng kiến tiền tỉ của họ từ từ hoá giấy trong biển nước mênh mông, anh Đặng Văn Đoàn, thôn Công Luận về lấy thuyền đẩy tôi đi khắp cánh đồng cam. Anh Đoàn cao 1,80m, nhưng lúc nào nước cũng ngập đến thắt lưng, có chỗ ngập đến ngực. Ngồi trên con thuyền nhỏ chòng chành, đi đến vườn nào anh Đoàn cũng gọi họ tên đầy đủ chủ vườn đó. “Cả cái vườn gần 2 mẫu cam Canh này đang héo dần và hôm qua, ông chủ của nó định tìm đến cái chết để thoát nợ ngân hàng. Vay ngân hàng cả trăm triệu đồng, rồi đầu tư công sức vào đây mấy năm, vụ này ông ấy mới bắt đầu được thu hoạch rộ. Mất trắng thì lấy tiền đâu để trả bây giờ? Nhà tôi cũng vậy, 1,2 mẫu cam thương phẩm và cam, quất cảnh, tính bằng giá năm ngoái thôi, Tết này tôi cũng sẽ thu được 350 triệu đồng. Nếu chết cả cây lẫn quả cộng thêm mấy sào cây cảnh, chắc tôi đi tong 600- 700 triệu đồng. Đang có của ăn của để, trở thành con nợ lớn. Nhiều lúc cũng không buồn sống nữa thật”. Nói vậy, rồi Đoàn đẩy mạnh chiếc thuyền chở tôi về phía trước và buông tay ra, tôi giật thót mình, ngoảnh lại thấy nước ngập đến ngực anh Đoàn, hơi rượu dội vào mặt tôi sau tiếng thở dài của anh.

Lúc này, trong khi người dân thủ đô Hà Nội cầu cho nước rút, trời nắng lên thì người nông dân Văn Giang lại cầu cho nước rút trời đừng nắng. Vì nếu trời nắng thì cây cảnh, cây cam, quất, quýt sẽ "lăn" ra chết hết. Nếu mất trắng, hàng ngàn hộ dân Văn Giang sẽ lâm cảnh nợ nần chồng chất.



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường