Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông sản Việt Nam bất lợi vì tỷ giá
06 | 11 | 2008
Xuất khẩu nông sản Việt Nam đang gặp thách thức rất lớn. Rất nhiều ý kiến cho rằng đó là do ảnh hưởng của biến động thị trường tài chính hay do cung lớn hơn cầu. Các lý giải này có thể hợp lý, nhưng chưa đủ.
Một trong những yếu tố quan trọng khác là tỷ giá hối đoái. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong công tác giám sát thị trường để biết được suy giảm xuất khẩu ở đâu từ đó có những giải pháp thích hợp.

Chưa bao giờ người nông dân Việt Nam phải đối mặt với những thử thách của biến động thị trường như năm 2008. Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đã ảnh hưởng rất mạnh làm giảm giá nhiều ngành hàng nông sản. Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin (AGROINFO) “Triển vọng thị trường trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu”, giá cả phần lớn các mặt hàng nông sản sẽ có xu hướng tăng trở lại trong trung hạn, song khó có thể phục hồi trở lại mức cao trước đây do kinh tế toàn cầu suy giảm.

Tuy nhiên, có một nhân tố khác cũng gây sức ép làm giảm giá nông sản trên thị trường thế giới, đó là tỷ giá giữa đồng đô la và euro.

Mối quan hệ giữa tỷ giá và giá nông sản xuất khẩu đã được chứng minh qua thời gian. Trong vòng một thập kỷ trở lại đây, sự sụt giá đồng đô la so với đồng euro và những đồng tiền chính khác đã kích thích tăng xuất khẩu nông sản.

Do các nước xuất khẩu nông sản chủ yếu giao dịch bằng đồng đô la nên khi đô la giảm giá sẽ kích thích cầu tăng, áp lực đẩy giá lên.

Ngoài ra, đồng đô la giảm làm cho các nhà đầu cơ có xu hướng chuyển đầu tư từ nắm giữ đô la sang nắm giữ các hàng hóa trong đó có nông sản. Những áp lực này đã thúc đẩy tăng cầu, kích thích giá nông sản tăng lên.


Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 6-2008 đồng đô la đã tăng giá mạnh so với đồng euro, dẫn đến một số tác động làm giảm giá hàng nông sản như sau:

• Giá hàng nông sản xuất khẩu tính theo đô la trở nên đắt đỏ hơn, gây áp lực giảm giá xuất khẩu, đặc biệt với các mặt hàng chủ lực của Hoa Kỳ như thịt, lúa mì, dầu ăn, lúa gạo, bông…

• Đồng đô la tăng giá mạnh so với đồng euro làm cho nhu cầu tiêu thụ của các nước châu Âu giảm, gây áp lực giảm giá hàng nhập khẩu vào thị trường châu Âu trong đó có nông sản.

• Các quỹ đầu tư chuyển sang nắm giữ đô la thay vì đầu tư vào hàng hóa trong đó có nông sản cũng gây áp lực giảm giá.

Do đa số các nước xuất khẩu nông sản, trong đó có Việt Nam, đều thu bằng đô la nên giá nông sản tính theo đô la giảm đã ảnh hưởng xấu đến thu nhập xuất khẩu. Tuy nhiên, có một khía cạnh khác của vấn đề tỷ giá ít được nhắc tới, đó là tỷ giá của đồng tiền các nước này so với đô la. Nếu đồng nội tệ mà giảm so với đồng đô la sẽ thúc đẩy xuất khẩu và ngược lại, và tính trên bình diện chung, nước nào giảm giá đồng nội tệ càng nhiều thì càng có ưu thế hơn trong thúc đẩy xuất khẩu. Tất nhiên, việc điều chỉnh tỷ giá còn phụ thuộc vào các cán cân vĩ mô khác chứ không thể tùy ý phá giá chỉ để thúc đẩy xuất khẩu được.

Số liệu cho thấy các nước xuất khẩu nông sản lớn trên thị trường thế giới cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam ở các mặt hàng nông sản mũi nhọn như gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, điều như Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Brazil, Colombia…đều đã giảm giá mạnh đồng tiền so với đồng đô la từ mức 13-33%, trong khi đó con số này với Việt Nam chỉ ở mức 5%.

Như vậy, sự giảm giá đồng tiền đã vô hình trung làm cho các nước này hạn chế thiệt hại gây ra bởi suy giảm giá của thị trường thế giới. Ví dụ, đối với Thái Lan hàng nông sản xuất khẩu có giảm giá đến 17% thì khi quy đổi ra đồng baht vẫn tương đương như mức trước đây. Như vậy hàng xuất khẩu nông sản của Việt Nam ở vào thế khó cạnh tranh hơn.


Tin đã đăng tại:

http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/xuatnhapkhau/11760/



- AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường