Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp đang "tự bơi" bằng mọi giá?
22 | 09 | 2008
Ngân hàng "ghẻ lạnh" hạn chế rót vốn, giá các nguyên liệu đầu vào không có dấu hiệu giảm, chậm trả lương lao động bỏ việc… đó là tình cảnh khốn khó của hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện nay. Để cầm cự được đến hết năm nay, không ít chủ doanh nghiệp đã chấp nhận vay "nóng" từ các "quĩ đen" với lãi suất cao ngất ngưởng, thậm chí chiếm dụng vốn từ đối tác…

Vay được còn hơn không

Tình trạng khó khăn về vốn tín dụng của các doanh nghiệp bắt đầu từ giữa quí I/2008, khi chính sách tiền tệ bị thắt chặt, các ngân hàng thương mại (NHTM) áp dụng mức tín dụng theo yêu cầu kiềm chế lạm phát và đảm bảo an toàn hoạt động. Hạn mức tín dụng năm 2008 được đưa ra là tăng trưởng dư nợ cho vay không quá 30% so với cuối năm 2007. Một số NHTM cổ phần đến nay đã đạt được đến "ngưỡng" này, họ hầu như không cho vay mới, một số NHTM có qui mô lớn dù chưa đạt mức tăng dư nợ 30% nhưng vì lo ngại rủi ro nên đã "hãm phanh" việc cho vay ra. Doanh nghiệp muốn vayphải là khách hàng "thân thuộc" hoặc có "qui mô, uy tín" thì mới được duyệt, cửa vay cho các DNNVV vì thế chỉ còn là "khe hẹp".

Dù "thắt lưng buộc bụng", thu hẹp qui mô thì doanh nghiệp vẫn cần vốn để cầm cự đến hết quí IV năm nay. Cửa vay của ngân hàng hẹp nên các chủ doanh nghiệp chỉ có thể trông chờ vào các cửa "ngầm", đó là "quĩ đen" của một số cá nhân, tổ chức, dù lãi suất cho vay cao ngất ngưởng tới 3,5%/tháng, thậm chí 5%/tháng.

Nhờ bạn bè giới thiệu, anh Phạm Thành Minh, giám đốc một công ty tư vấn phát triển dự án (Hà Nội) đã tìm được cửa vay cho một dự án đang thiếu 1 tỷ đồng với lãi suất 3,5%/tháng. Tính ra mỗi tháng công ty phải trả lãi 35 triệu đồng, nếu dự án "đầu xuôi đuôi lọt" thì công ty vẫn đủ trả lương nhân viên và lãi ra được chút ít. Lãi cao gấp đôi các nhà băng (trung bình NHTM cho vay nội tệ với lãi suất 1,6% - 1,65%/tháng) nhưng "vay được còn hơn không, vì thiếu vốn thì công ty "chết dí" vì hợp đồng dở dang không thanh toán được, máy móc, nhân công đã thuê cả…" - anh Minh bộc bạch.

Trường hợp như công ty trên phổ biến tới mức một chủ nợ chuyên cho vay nặng lãi nói rằng chưa bao giờ chị ta "đắt khách" là các doanh nghiệp như lúc này. Có chủ kinh doanh vật liệu xây dựng (đường Trường Chinh, Hà Nội) đã phải vay "nóng" với lãi suất… lên tới 2,5%/ngày để có vốn nhập hàng về. Những người đi vay đều hiểu rằng, chấp nhận vay "nóng" không chỉ là chấp nhận lãi suất cao mà còn phải đối mặt với nguy cơ bị chủ nợ "xử lí" theo luật ngầm nếu không thanh toán nợ đúng hạn. Khó khăn trăm bề nhưng đã đâm lao thì phải theo lao, không vay được thì chỉ có nước đóng cửa vì không nhập được hàng. "Trước đây, chúng tôi chỉ phải thanh toán tiền hàng sau khi bán hết nhưng giờ thì "tiền trao cháo mới múc"" - chị N.T.Hoa, chủ cửa hàng kinh doanh đá mài (phố Lê Trọng Tấn, Hà Nội) tâm sự.

Những kiểu xoay xở tạm bợ khác

Theo điều tra của Hiệp hội DNNVV Việt Nam, trong bối cảnh lạm phát hiện nay, đã có hơn 20% số doanh nghiệp dừng hẳn sản xuất kinh doanh, 60% khác đang cố gắng cầm cự và chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp có khả năng thích ứng và vươn lên. Vay "nóng", vay với lãi suất cao để duy trì hoạt động chỉ là một trong vô vàn những kiểu xoay sở của doanh nghiệp trong thời điểm này. Cách làm nhất thời của không ít doanh nghiệp là chiếm dụng vốn của đối tác, trây ỳ công nợ với bạn hàng… Ông N.Đ.Giản, giám đốc một công ty chuyên sản xuất bánh đậu xanh (TP Hải Dương) cho hay, công ty của ông đang trong tình trạng "dở khóc dở cười" vì… "cả nể"một bạn hàng lâu năm, ông chấp nhận cho họ lấy hàng trước thanh toán sau rồi lại cho khất nợ hơn 3 tháng. Nếu cộng số tiền vay nợ với lãi suất nhà băng cũng xấp xỉ gần 1 tỷ đồng. Nhưng tình cờ ông Giản mới biết: "Hoá ra họ có tiền nhưng không chịu trả mình mà đem vốn đó cho vay nặng lãi". Không đòi được tiền hàng, công ty bị thiếu vốn mua nguyên liệu phục vụ sản xuất, chậm trả lương cho công nhân nên đã có một số người bỏ việc…

Vẫn biết doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV rất giỏi xoay sở, TS. Nguyễn Quang A (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển IDS) còn nhận xét rằng: "Khi thị trường khó khăn thì DNNVV mới là "anh" giỏi xoay sở nhất" nhưng xoay theo kiểu "giật gấu vá vai" như trên thì chỉ có thể là giải pháp tạm thời, không những thế còn tiềm ẩn hậu hoạ và ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp khác. Chuyên giá kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cảnh báo, sẽ có doanh nghiệp bị "chết oan" do hiệu ứng domino từ những doanh nghiệp yếu kém khác. Họ cần những chiếc phao tín dụng từ Nhà nước để không bị "đuối sức" trong thời điểm cuối năm. Do đó có thể coi việc nới lỏng tín dụng thời gian gần đây chính là phao cứu trợ cần thiết và hợp lý để tránh sự "chết đuối" hàng loạt của DNNVV có thể gây ra cơn sốc cho nền kinh tế.

 



Nguồn: Kinh Tế Đô Thị
Báo cáo phân tích thị trường