Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm gia cầm trong nước
10 | 12 | 2008
Nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm gia cầm trong nước là vấn đề đã được tập trung thảo luận tại Hội nghị chuyển dịch cơ cấu sản xuất chăn nuôi gia cầm và tuyên dương cơ sở chăn nuôi gia cầm điển hình khu vực phía Bắc tại Bắc Giang, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với tỉnh Bắc Giang tổ chức, ngày 9/12.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Năm 2008, trong nước có nhiều biến động về giá cả, xuất hiện dịch bệnh tai xanh ở lợn và dịch lở mồm long móng ở trâu bò tại một số địa phương, giá cả thức ăn chăn nuôi tăng cao và sự cạnh tranh gay gắt của thị trường ngoại nhập khiến cho ngành chăn nuôi nước ta vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, nhất là trong việc tiêu thụ sản phẩm. Người chăn nuôi phải bán sản phẩm dưới giá thành nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua sản phẩm này với giá cao. Mặc dù, nhà nước đã tăng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm gia cầm ngoại nhập nhưng các sản này vẫn tràn ngập thị trường trong nước. Điều đó đòi hỏi ngành chăn nuôi cần phải có biện pháp mạnh để giảm sức ép giá thành đầu vào, tăng chất lượng sản phẩm gia cầm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm gia cầm trong nước. Để đạt được điều này, ngành chăn nuôi nước ta tập trung tạo bước đột phá về phương thức sản xuất chăn nuôi gia cầm; nâng cao năng suất, hiệu quả và tính cạnh tranh của sản phẩm; gắn sản xuất với giết mổ, chế biến và thị trường tiêu thụ trên cơ sở xây dựng các cơ sở chế biến gia cầm tập trung, công nghiệp và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời, kiểm soát, khống chế thị trường và dịch cụ gia cầm.

Ngành chăn nuôi cũng ưu tiên đầu tư sản xuất đủ con giống, giao nhiệm vụ cho các Trung tâm giống gia cầm của các tỉnh hỗ trợ các tổ chức, cá nhân chọn lọc, cải tạo nâng cao năng suất một số giống gia cầm bản địa để giải quyết một phần nhu cầu giống gia cầm tại chỗ phục vụ mạng lưới chăn nuôi gia cầm bán chăn thả. Bộ NN&PTNT sẽ rà soát 12 cơ sở chăn nuôi gia cầm giống trong cả nước và lựa chọn từ 1-2 cơ sở có đủ điều kiện tập trung đầu tư nghiên cứu phát triển giống gia cầm bản địa với quy mô mỗi cơ sở từ 4000-5000 con để sản xuất từ 140.000-160.000 gà, vịt bố mẹ. Để sản xuất chăn nuôi gia cầm phát triển bền vững, ngành thú y giám sát chặt chẽ bệnh cúm gia cầm, tăng cường các biện pháp an toàn sinh học; giám sát điều kiện chăn nuôi gia cầm, kiểm tra điều kiện thú y của các trang trại chăn nuôi và khâu lưu thông tiêu thụ sản phẩm gia cầm; củng cố lại hệ thống thú y cơ sở, khuyến khích phát triển các hiệp hội chăn nuôi thú y tư nhân để nâng cao năng lực giám sát dịch tễ của các cơ sở chăn nuôi và cán bộ thú y các cấp.

Theo đánh giá của Cục chăn nuôi, năm 2008, bình quân tổng số gia cầm có mặt thường xuyên của cả nước đạt 247,3 triệu con, tăng gần 10% ( 21 triệu con ); riêng đàn gà có 179 triệu con, tăng 13,4% so với năm 2007. Các tỉnh có tổng đàn gà lớn là Hà Tây cũ 13,7 triệu con, Thanh Hoá và Nghệ An mỗi tỉnh có khoảng 12,6 triệu con, Bắc Giang 12,1 triệu con. Thịt gia cầm hơi đạt 417 ngàn tấn, tăng 16% và cao nhất kể từ năm 2003 đến nay; sản lượng trứng đạt 4,94 tỷ quả, tăng 10,6% so với năm 2007. Tuy nhiên, năm nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng hơn 40% trong khi giá gia cầm lại có chiều hướng liên tục giảm so với năm 2007; cả nước đã nhập khẩu 1,2 triệu con giống (gấp 2 lần năm 2007) và 105 tấn thịt gà, nhiều nhất từ trước đến nay.



Nguồn: TTXVN
Báo cáo phân tích thị trường