Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ông chủ cảng biển tư nhân đầu tiên của Ấn Độ
09 | 12 | 2008
Bỏ học để bắt đầu công việc kinh doanh từ cách đây 26 năm, Gautam Adani đã gây dựng được một tập đoàn hùng mạnh hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực, từ công nghiệp đến nông nghiệp.
Ngoài ra, Gautam còn là ông chủ của cảng Mundra, cảng biển tư nhân lớn nhất của Ấn Độ.

Gautam Adani thuộc thế hệ người Ấn Độ đầu tiên chịu ảnh hưởng và tiếp cận với công nghiệp hóa, khởi nghiệp với những ước mơ lớn và là hình mẫu tỷ phú đi lên từ nghèo khó. Hiện nay ông là doanh nhân giàu thứ 10 của Ấn Độ với tổng tài sản đạt 3,9 tỷ USD. Ông cũng được xếp thứ 91 trong danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2008 do tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn.

Từ sản xuất nhựa đến xây dựng cảng biển

Đang học dở năm thứ hai khoa kinh tế, Đại học Gujarat, Adani bỏ học và đến Mumbai kiếm sống bằng nghề phân loại kim cương tại Công ty Mahindra Bros. Sau khi làm việc ở đấy 2 năm, Adani, lúc đó 21 tuổi, đã tự thành lập đội môi giới kim cương tại Zeveri Bazaar.

Một năm sau đó, anh trai của Adani là Mansukhbhai đã mua một cơ sở sản xuất nhựa có công suất 15 tấn/tháng, ở Ahmedabad và nhờ Gautam điều hành xưởng. Đây là cột mốc đánh dấu con đường sự nghiệp của Adani bắt đầu bước vào lĩnh vực thương mại quốc tế. Cậu tham gia vào việc nhập khẩu polyvinyl chloride (PVC), một nguyên liệu thô chủ chốt để sản xuất ra nhựa. Nhưng cũng giống như những ngành công nghiệp khác trong những ngày nền kinh tế còn chịu khoanh vùng, Adani phải đấu tranh để giành giật từng kiện hạt nhựa nhập khẩu.

Sau khi cách mạng kinh tế thành công ở Ấn Độ, thuế nhập khẩu của rất nhiều hàng hóa đều được cắt giảm đáng kể và lợi nhuận từ xuất khẩu của Adani cũng như hoạt động của công ty này tăng lên nhanh chóng. Trong khi các doanh nghiệp hàng đầu ở Ấn Độ chọn hướng đi là lấy được giấy phép kinh doanh ngành nghề, rồi mới đầu tư trang thiết bị, xây dựng cơ sở sau đấy lại mất rất nhiều thời gian và công sức để ngăn chặn những đối thủ, thì chiến lược của Gautam đi ngược lại.

Con đường từ sân bay Bhuj vào trung tâm thành phố Mundra sẽ đi qua một khu đất trải rộng ngút tầm mắt và dẫn đến cảng biển của Gautam. Mundra là cảng tư nhân sâu nhất và phát triển nhanh nhất ở Ấn Độ trên một thành phố công nghiệp nhỏ đang ở trong thế rồng bay. Từ năm 1998, khi Chính phủ áp dụng chính sách tự do hóa cảng biển, Mundra là cảng biển đầu tiên được đầu tư xây dựng.

“Lúc đó, không có nhiều người ủng hộ Adani. Không đường giao thông, không đường sắt. Nhưng Gautam Adani, ông chủ của tập đoàn Adani, là người rất có tầm nhìn, ông đã biến vùng đất hoang sơ, cằn cỗi thành nơi sinh lợi lớn”, một quan chức Ấn Độ đã từng nhận xét như vậy về Adani.

Cảng biển này có tuyến đường bộ ngắn nhất từ bất cứ cảng nào đến khu vực nội địa ở cả phía tây và phía bắc của Ấn Độ, hai khu vực có GDP bằng 2/3 của cả nước. Đây cũng là một cửa ngõ lý tưởng để đến các thị trường châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi và nối liền với mạng lưới đường sắt quốc gia.

Cảng biển này có 8 cầu cảng đa mục đích, mớn nước sâu đến 17,5m, có thể bốc dỡ hàng khô, hàng rời và hàng lỏng. Ngoài ra, cảng container quốc tế Mundra của tập đoàn Adani còn có 2 cầu cảng, mớn nước là 17,5m và sức chứa bốc dỡ lên đến 1 triệu TEU (container loại 20 feet).

Năm 2006, Adani đã nhập khẩu khoảng 2,5 triệu tấn than qua cảng Mundra và trở thành nhà nhập khẩu than lớn nhất Ấn Độ. Cảng Mundra ngày nay là một cảng biển tư nhân thịnh vượng ở trung tâm vùng đất cằn cỗi phía bắc Gujarat.

Sự thành công của một cảng tùy thuộc vào khả năng thiết lập các mối liên kết giao thông. Vì vậy, bằng chi phí của riêng mình, Adani đã xây dựng một tuyến đường sắt từ Mundra đến một địa điểm gần với tuyến đường sắt quốc gia của Ấn Độ.

Sau đấy, ông đến cơ quan chủ quản về đường sắt và giải thích cho các quan chức rằng, ông có một cái cảng và một tuyến đường sắt tư nhân dài 65 km và đang cần sự trợ giúp của Chính phủ trong việc xây dựng một chính sách để 2 công trình này có thể đi vào hoạt động trên phạm vi cả nước.

Kết quả là, Chính phủ đã công bố một chính sách cho phép tất cả cảng biển có đường sắt nối với đường sắt quốc gia có thể được hoạt động dưới hình thức đối tác liên kết nhà nước và tư nhân (private-public-partnerships- PPPs). Về sau, chính sách này đã được áp dụng cho tất cả các cảng mới được xây dựng trên khắp đất nước Ấn Độ.

“Cất cánh” trong lĩnh vực công nghiệp

Adani cũng nổi tiếng là người tiên phong trong kinh doanh đặc khu kinh tế (SEZs). Trước khi chính sách về đặc khu kinh tế được ban hành, Adani đã tìm kiếm và mua lại những khu đất đầm lầy và phi nông nghiệp từ chính quyền liên bang với giá cao hơn mức giá phổ biến trên thị trường khoảng 30%. Khi chính sách về đặc khu kinh tế được công bố, Adani đã có trong tay rất nhiều đất đai, con số chính thức được biết đến là 6.266 ha mà không gặp trở ngại gì với những người nông dân và các chủ sở hữu tư nhân.

Khi chính sách này được chính thức áp dụng, ông dễ dàng dành riêng 2.000 ha để xây dựng một đặc khu kinh tế. Để đảm bảo cho khu kinh tế này có thể hoạt động 24/24 giờ, Adani đã xây dựng một nhà máy điện có công suất 2.640 MW tại Mundra. Tuy nhiên, thay vì đến lúc đó mới đặt hàng máy phát điện trong nước với công suất như vậy, Gautam đã đặt hàng từ Trung Quốc trước đấy 2,5 năm với công suất phát điện gấp 5 lần nhu cầu trước mắt.

Kết quả là, ông có thể cung cấp điện với giá rẻ hơn đối thủ cạnh tranh đến 30%. Để đảm bảo thời gian giao hàng, ông đã thành lập văn phòng ở Trung Quốc và để cho các nhân viên là người Trung Quốc giám sát máy phát điện.

Ông cũng từng tham gia vào một số cuộc chơi khá liều lĩnh, và đã từng thua Tập đoàn Tatas trong vụ đấu thầu nhà máy điện siêu công suất 4.000 MW do Chính phủ Ấn Độ làm chủ thầu.

Tuy nhiên, sau thi trượt thầu, thay vì xem Tatas là đối thủ cạnh tranh, Adani thuyết phục họ sử dụng một điểm bốc dỡ than, có thể trở thành một điểm lớn nhất trên thế giới với công suất lên đến 40 triệu tấn/năm. Về sau, công suất này còn được tăng lên nhiều. Để đáp ứng được nhu cầu về than, Tatas cũng đã mua mỏ than ở tận Mozambique và Indonesia.

Gautam Adani cũng đã xây dựng một đường băng tại Mundra, ngày nay, công trình này được sử dụng như một trong những cảng hàng không thương mại lớn nhất Ấn Độ.

Ông cũng đã thuyết phục Chính phủ về việc công bố một chính sách cho phép Ấn Độ được sử dụng những tài sản thuộc sở hữu tư nhân để phục vụ cho các mục đích quốc gia và thiết lập mối liên kết tốt hơn cho thương mại ở Ấn Độ thông qua việc xây dựng các cảng hàng không. Chẳng bao lâu sau, chính sách này đã được áp dụng, và 200 cảng hàng không mới đã được xây dựng trên khắp đất nước Ấn Độ mà ngân khố quốc gia không phải bỏ ra một xu.

“Có hai bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi. Năm 1985, Chính phủ nới rộng hàng rào thương mại, cấp giấy phép phổ thông cho những nhà nhập khẩu bình thường. Tôi bắt đầu nhập khẩu nguyên liệu thô, đó là polymer và thâm nhập vào thế giới thương mại quốc tế. Bước ngoặt thứ hai là năm 1995, khi chúng tôi quyết định tham gia vào lĩnh vực cảng biển”, Adani nhớ lại.

Ngày nay, tập đoàn của ông “phủ cánh” rộng trên các lĩnh vực như dầu ăn, khai thác và buôn bán than, điện, dầu lửa, khai thác gas, xuất nhập khẩu hoa quả và phát triển cảng biển. Tập đoàn đã phát triển theo các trục khác nhau. Về năng lượng, Adani tham gia trên các lĩnh vực buôn bán, khai thác, vận tải, sản xuất và phân phối điện, khai thác dầu và gas, cho thuê kho, và các dịch vụ hậu cần khác.

Trong nông nghiệp, các hoạt động kinh doanh của Adani bao gồm dầu ăn, xuất nhập khẩu nông sản. Một lĩnh vực khác cũng có mặt của Adani, đó là bất động sản với rất nhiều khu thương mại và dân cư thuộc sở hữu của Adani nằm rải rác ở Mumbai, Ahmedabad, Mundra, Cochin và New Delhi.



Nguồn: vneconomy.vn
Báo cáo phân tích thị trường