Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thịt đông lạnh ứ đọng tại Hải Phòng, Quảng Ninh: Cần tiêu hủy, cấm nhập khẩu vào VN
05 | 05 | 2009
Ngày 4-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Hội, phó cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng, cho biết cơ quan hải quan đang thống kê số container hàng đông lạnh gồm thịt, nội tạng động vật của các doanh nghiệp tạm nhập về VN nhưng chưa thể tái xuất đi nước thứ ba.

Do số lượng container quá nhiều và nằm ở hầu hết các cảng, kho bãi nên chưa thể thống kê hết nhưng số container đang “nằm chết” tại cảng và kho bãi Hải Phòng có thể lên đến trên ngàn chiếc.

Tại cảng Đình Vũ (Hải Phòng), bà Đỗ Thị Hạnh, trưởng phòng khai thác kinh doanh Công ty cổ phần đầu tư và phát triển cảng Đình Vũ, cho biết còn trên 300 container hàng đông lạnh đang bị ứ đọng, doanh nghiệp không xuất đi được và gửi lại cảng. Tại cảng Chùa Vẽ, số lượng container ứ đọng lên đến gần 1.000 chiếc. Hầu hết các cảng của Hải Phòng đều quá tải nên doanh nghiệp phải thuê thêm kho bãi ngoài cảng để chứa hàng.

Tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), ông Đỗ Văn Thiêm, chi cục trưởng Hải quan Móng Cái, cho biết còn khoảng 200 container hàng đông lạnh đang bị dồn lại do không xuất được sang Trung Quốc.

Theo ông Thiêm, số hàng trên được doanh nghiệp nhập về từ các nước như Ấn Độ, Đông Âu qua cảng Hải Phòng và xuất sang Trung Quốc theo các hợp đồng với doanh nghiệp nước bạn. Tuy nhiên, do Trung Quốc siết chặt việc nhập khẩu hàng thịt đông lạnh, nội tạng, nhất là trong đợt dịch cúm A/H1N1 hiện nay, khiến lượng hàng tạm nhập về VN không xuất được, tồn đọng tại các cửa khẩu, cảng biển. Với chi phí mỗi ngày lưu kho và tiền điện bảo quản hiện nay lên đến vài trăm ngàn đồng/container thì doanh nghiệp chỉ chịu đựng được tối đa trong vòng hai tháng.

Nếu phía Trung Quốc kiên quyết không cho nhập hàng, số hàng trên buộc phải tiêu hủy hoặc trả lại nước xuất khẩu. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Thiêm, các doanh nghiệp VN chủ yếu thực hiện giao dịch theo phương thức “mua đứt, bán đoạn” nên đã thanh toán đơn hàng. Nếu phía Trung Quốc không nhập thì cũng không có cách nào để xuất trả lại nước xuất khẩu mà buộc phải tiêu hủy và chịu thiệt hại các đơn hàng này.



Nguồn: www.tuoitre.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường