Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hơn 30.000 tấn thực phẩm đông lạnh "om dưa" ngoài cảng: DN “bỏ của chạy lấy người”?
07 | 05 | 2009
Theo Cục Hải quan Hải Phòng, đến chiều qua (6/5) cảng Hải Phòng còn hơn 1.000 container chứa trên 30.000 tấn hàng thực phẩm đông lạnh gồm các loại nội tạng trâu bò, dạ dày lợn, thịt bò, chân đùi gà… thuộc hàng tạm nhập để tái xuất vẫn nằm “bất di bất dịch”.

Được biết, các loại thực phẩm trên có xuất xứ từ rất nhiều nước trên thế giới và được DN VN đem vào cảng theo hình thức tạm nhập về cảng Hải Phòng để tái xuất sang một nước thứ ba. Số lượng hàng đông lạnh trị giá hàng trăm tỷ đồng bỗng trở thành hàng “vô chủ” bởi khá nhiều DN nhập khẩu đã “bỏ của chạy lấy người”. Theo quy định, hàng tạm nhập tái xuất sẽ được lưu tại lãnh thổ VN khoảng 6 tháng. Nếu quá thời hạn trên, DN không đến nhận, toàn bộ số hàng tồn sẽ được đem xử lý hoặc tiêu hủy.

Từ năm 2008, thịt ngoại đã ồ ạt vào VN do Bộ Tài chính “mở cửa” sớm so với lộ trình cam kết cắt giảm thuế của WTO. Bộ NN-PTNT đã kiến nghị Bộ Tài chính tăng thuế suất NK thịt ngoại trở lại với mức thêm 2%. Tuy nhiên, lượng thịt ngoại vẫn tiếp tục được nhập mạnh khiến ngành chăn nuôi trong nước bị ảnh hưởng.

Tại Quảng Ninh, ông Đỗ Văn Thiêm - Chi cục trưởng Hải quan Móng Cái cho biết, hiện còn khoảng 200 container hàng đông lạnh bị ùn ứ do DN không xuất được sang bên kia biên giới. Với chi phí mỗi ngày lưu kho và tiền điện bảo quản từ 800.000 - 1 triệu đồng/container thì DN chỉ chịu đựng được tối đa trong vòng 2 tháng. Trong khi đó, lượng container chở thực phẩm đông lạnh vẫn tiếp tục đổ bộ về cảng. Theo ông Thiêm, các DN chủ yếu thực hiện giao dịch theo phương thức “mua đứt, bán đoạn” nên đã thanh toán đơn hàng. Nếu khách hàng bên kia biên giới không nhập thì cũng không có cách nào xuất trả lại nước XK mà buộc phải tiêu hủy và chịu thiệt hại các đơn hàng này.

Ông Nguyễn Ngọc Hồng, GĐ Cty CP Đầu tư phát triển cảng Đình Vũ (Hải Phòng) cho biết: Do hàng không xuất được nên sức chứa của cảng đã gấp 5 lần công suất thiết kế, vì vậy hàng hóa không dám nhận về nữa mà tập trung lo giải quyết số tồn đọng. Cái khổ của hàng đông lạnh là phải cắm điện thường xuyên nên chi phí thuê máy phát điện tốn kém kinh khủng. “Sự ách tắc này khiến các DN “ngồi trên đống lửa” vì nước thứ ba ngừng NK, đơn vị XK bỏ mặc họ tự xoay xở thì tổn thất rất lớn”- ông Hồng nói. Đặc biệt biết được tình trạng cả ngàn "công" thực phẩm "dầu mưa giãi nắng", các DNNK của nước thứ ba càng không chịu nhập hàng để ép giá.

GĐ Xí nghiệp xếp dỡ Vũ Nam Thắng (cảng Hải Phòng) cho biết: Nếu như trước đây, mỗi ngày có cả trăm container được thông quan thì nay con số ấy chỉ đếm trên đầu ngón tay, có ngày không giải quyết được một “sọt” nào. Khách hàng cứ gọi điện đến xin hoãn nhận. Trong khi một số DN khác lại tiếp tục xin cho nhập về VN.

+ Ông Trần Văn Hội, Phó Cục trưởng Hải quan Hải Phòng: Để giúp tháo gỡ khó khăn cho DN, chúng tôi đề xuất phương án cho phép DN được đưa một phần lượng hàng đông lạnh đang tồn đọng về bảo quản tại các XN thuỷ sản hoặc địa điểm kiểm tra ngoài cửa khẩu có đủ bảo quản hàng đông lạnh nếu có yêu cầu.

+ Lãnh đạo Vụ Giám sát (Tổng cục Hải quan): Vụ đã yêu cầu Hải quan các tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN giải tỏa hàng hóa bằng cách đưa các container vào kho lạnh. Tuy nhiên chi phí điện dùng cho bảo quản lạnh rất tốn kém.

Cũng theo cán bộ này, số hàng trên bị “om dưa” ở cảng đã hơn một tháng, chưa kể thời gian lênh đênh trên tàu vận chuyển về. Nhận định có thể trong vài tuần tới, toàn bộ số lục phủ ngũ tạng gia súc đông lạnh trở thành hàng quá đát, bốc mùi hôi thối và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để tiêu hủy số hàng trên đòi hỏi một khoản chi phí rất lớn. Thông thường chi phí tiêu hủy sẽ do Cty nhập khẩu chi trả, nếu không xác minh được danh tính DN thì trách nhiệm sẽ bị quy cho chủ tàu (!) Song phạt chủ tàu là điều rất khó vì hầu hết họ không chấp nhận. Hiện Cục Hải quan Hải Phòng đã có văn bản xin ý kiến Tổng cục Hải quan cho các phương án xử lý.

Trao đổi với NNVN chiều qua (6/5), Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN - PTNT) Hoàng Văn Năm cho rằng: “Chúng tôi mới được biết thông tin trên qua báo chí. Đến nay vẫn chưa có đơn vị, cá nhân nào kiến nghị lên Cục Thú y đề nghị can thiệp để giải quyết số hàng tồn. Nếu như DN “bỏ của chạy lấy người” thì người quản lý kho bãi, cụ thể là Cục Hải quan Hải Phòng phải chịu trách nhiệm xử lí số hàng tồn”. Cũng theo ông Năm, toàn bộ số hàng đông lạnh bị ách ở cảng, không hề ảnh hưởng đến thị trường tiêu dùng trong nước bởi đây là số hàng tạm nhập để tái xuất.

Các cảng phía Nam không “tắc” thịt NK

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, PGĐ Trung tâm Thú y vùng VI, do thuế NK thịt tăng lên, nên từ đầu năm đến nay, lượng thịt NK về các cảng phía Nam đã giảm mạnh. Mặt khác, NK thịt vào khu vực phía Nam chủ yếu phục vụ tiêu dùng nội địa chứ không phải để “tạm nhập tái xuất” như ở các cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, do đó các container thịt NK về đã sớm được giải phóng, không có tình trạng bị “tắc” ở ngoài cảng.



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường