Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thịt "bẩn" vào VN: Siết nhưng vẫn lỏng
27 | 10 | 2009
Thịt đông lạnh nhập khẩu bắt buộc phải có giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm của nước sở tại. Về cảng VN còn khâu kiểm tra, kiểm soát chất lượng... Trên thực tế, những quy định này được thực hiện đến đâu?

Bám theo các khâu kiểm tra, kiểm soát hàng thực phẩm đông lạnh, chúng tôi ghi nhận được những bất thường trong các khâu “gác cửa” này.

Lấy mẫu 5 phút

"Do các chế tài hiện nay đối với việc cố ý làm trái các quy định về kiểm soát thịt nhập khẩu đối với các DN còn quá nhẹ nên các DN sẵn sàng chịu nộp phạt để bán hàng. Trường hợp chủ phủ nhận quyền sở hữu đối với lô hàng kém vệ sinh để né tránh trách nhiệm, các cơ quan chức năng vẫn chưa có cách giải quyết rốt ráo"

Ông Phan Xuân Thảo

9g sáng một ngày giữa tháng 10-2009, chúng tôi có mặt tại cảng Cát Lái (Q.2, TP.HCM). Sau một thời gian chờ cơ quan thú y, doanh nghiệp (DN), nhân viên điều độ cảng, cán bộ hải quan... có mặt đông đủ mở container lấy mẫu thịt đông lạnh để đem kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, lúc đó gần 11g30. Người đại diện công ty A sốt sắng nhờ vả cán bộ thú y lấy mẫu nhanh vì sợ dây dưa sang buổi chiều.

Cửa container vừa mở hé ra một bên, một vài thùng thịt gà nằm ở phía ngoài sụt xuống. Một cán bộ thú y bước vào, giẫm chân lên các thùng thịt rơi ra, nằm ngổn ngang phía ngoài. Cán bộ thú y lấy vài thùng thịt nằm ngay phía trên, ở cửa container và chuyển các thùng thịt này ra ngoài. Cửa container đóng lại. Khâu này chỉ kéo dài chừng năm phút.

Theo quy định về lấy mẫu đối với mặt hàng thịt đông lạnh, để đảm bảo tính khách quan, mẫu kiểm nghiệm phải được chọn ngẫu nhiên ở ba điểm: phía đầu, giữa và cuối container. Tuy nhiên, mẫu đem kiểm nghiệm chỉ được lấy ngay ở mặt ngoài cửa container.

Theo đại diện Cơ quan Thú y vùng 6, sở dĩ chỉ lấy mẫu ở phía ngoài cửa container vì sợ nếu lấy ở phía trong container sẽ phải dỡ hàng ra. Khi không được bảo quản ở nhiệt độ tiêu chuẩn -180C sẽ làm hư thịt của DN. Trong khi đó, đại diện một đầu mối nhập khẩu thịt đông lạnh có thâm niên tại TP.HCM khẳng định chắc nịch: hoàn toàn có thể lấy mẫu ở bất kỳ điểm nào trong container mà không ảnh hưởng đến chất lượng thịt.

Giám đốc DN này cho hay do thịt luôn được bảo quản ở nhiệt độ -180C nên thịt đã đông đá cứng. Khi dỡ ra lấy mẫu, thời gian rất nhanh chóng (chỉ 15-20 phút), lại vẫn được để trong môi trường lạnh (chỉ mở cửa, xếp hàng ra phía ngoài cửa container), thịt vẫn chưa bị tan đá, hoàn toàn không ảnh hưởng.

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Bình - giám đốc Cơ quan Thú y vùng 6 - khẳng định: khâu lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu chất lượng được chấn chỉnh đúng quy trình là phải lấy mẫu ở ba vị trí khác nhau trong mỗi lô hàng (tại cửa, giữa và cuối container). “Về lý thuyết, quy trình này khá chặt chẽ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều lỗ hổng, các DN tận dụng lách luật” - ông Bình thừa nhận.

Vẫn theo ông Bình, hiện lực lượng cán bộ kiểm tra, giám sát việc lấy mẫu tại cảng cũng như ở kho lạnh của đơn vị này chỉ có bốn người, trong khi mặt hàng thực phẩm nhập khẩu mỗi tháng về hàng trăm container. Mỗi container có cả ngàn thùng nhỏ nên việc lấy ra để kiểm tra phía trong rất khó. Vì vậy, đa số nhân viên thú y đều lấy ba mẫu ở khu vực cửa container.

Nhiều chân gà có mủ xanh khi bị phát hiện - Ảnh: CTV

Vẫn tẩu tán được thịt “bẩn”

Thời gian qua, cơ quan chức năng cho biết một số lô thịt “bẩn” để tại kho lạnh bỗng dưng không cánh mà bay. Đại diện một DN chuyên nhập khẩu thịt đông lạnh ở TP.HCM khẳng định có thể lý giải được vấn đề này. Theo đó, khi DN lấy hàng ra khỏi kho lạnh (đặc biệt là những lần lấy hàng vào ban đêm), nhiều lần không có nhân viên thú y. Do đó, DN có thể lấy 10 tấn, nhưng sau đó khai báo lấy 5 tấn, thú y cũng không hay biết.

Ông này cho rằng: “Sơ hở như vậy quá dễ dàng cho các đơn vị gian dối tẩu tán hàng kém chất lượng ra thị trường. Đành rằng nhân lực có hạn, không thể canh gác 100% các lô hàng được. Nhưng phải có cách nào đó để kiểm soát chặt hơn.

Ví dụ, các chủ kho lạnh luôn nắm được lượng hàng của từng DN nằm trong kho, mỗi lần xuất bán, số lượng mà DN lấy ra là bao nhiêu (để tính chi phí thuê kho lạnh). Do đó, cứ “túm tóc” các chủ kho. Nếu DN nào tuồn hàng đi vượt quá số lượng khai báo, bị thú y phát hiện, lần sau không cho phép mang về kho lạnh đó bảo quản nữa. Như thế, nếu kho lạnh dễ dãi cho DN thì sẽ mất dần khách hàng”.

Theo ông Phan Xuân Thảo - chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, TP có gần 50 kho lạnh nằm rải rác ở nhiều quận huyện, chưa kể còn có các “kho ma” nên việc kiểm soát chất lượng thịt đông lạnh tại các kho này rất khó khăn. Trong đó, mỗi kho có khối lượng hàng trăm ngàn tấn, chứa nhiều loại hàng hóa, nhiệt độ trong kho lại quá lạnh nên lực lượng thú y địa phương ít khi vào kho để kiểm tra.



Theo Tuổi Trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường