Không lều quán, quầy hàng, không mái che, bàn ghế, thịt ở đây được bày bán ê hề ngay trên nền đất lề đường bẩn thỉu. Kiểm tra thịt bằng... mũi, không cần mặc cả, từng đống thịt nhanh chóng được tuồn vào bì tải mang đi, để sau đó chễm chệ ngon lành trên đĩa phục vụ thực khách...“Vương quốc” thịt ế
|
Xen lẫn giữa các hàng thịt là những bọc rác dân sinh bắt đầu phân hủy. |
11h30 phút ngày 16/3/2010, đôi vợ chồng “đồ tể” tay xách, nách mang ì ạch dừng xe giữa chợ. Vừa lia cặp mắt đầy cảnh giác, chị vợ vừa oằn mình bê chiếc làn lớn ném phệt ra lề đường. Chưa kịp dọn hàng ra nền đất, sau lưng họ, một cặp “đồ tể” khác cũng dừng bánh, hỏi vọng: “Hôm nay thế nào, hàng họ ra sao?”. Chị hàng thịt quay lưng thở dài: “Ôi giời! Ế lắm! Còn bao nhiêu đây này!”. Dứt lời, chị ta tìm một mảnh đất trống nham nhở đất cát, quẳng tấm bìa đen quánh dính đầy thứ hỗn hợp máu-mỡ-đất cát làm “quầy” bán thịt. Từ trong chiếc làn cáu bẩn, từng mảnh thịt lớn nhỏ đủ loại được lôi ra vứt ngổn ngang trên tấm bìa. Sau vài phút, những tảng thịt trắng bệch, tái nhợt, thâm đen dần khỏa lấp màu máu khô trên tấm bìa cáu bẩn rộng chừng nửa mét vuông kia.
Cạnh đó, người phụ nữ đến sau cũng ì ạch bê túi hàng bọc trong vỏ bao xi măng vứt bịch xuống nền đất ướt át, sền sệt. Kéo vội chiếc khẩu trang che kín mũi, chị này cũng lần mở túi xi măng dúm dó và lôi ra từng tảng thịt ế quắt queo, xám xịt. Chỉ một loáng sau, đám ruồi nhặng lưu cữu ở đây đã đánh hơi được, kéo đến bám lố nhố trên những mảnh thịt được bày ra. Chúng mặc sức tung hoành, trong khi cô chủ hàng đang ngáp ngắn ngáp dài chờ khách đến “thanh lý” nên cũng chẳng còn tâm trí để ý xua đuổi. Những khuôn mặt rầu rĩ vì ế hàng, con mắt thiếu ngủ chừng muốn díp lại nhưng vẫn phải chống lên để săn khách và cảnh giới tổ dân phòng phường sở tại. Chưa đầy 30 phút, bãi đất trống ven đường đã trở thành một chợ thịt trải dài, tấp nập kẻ vào người ra. Cách đó không xa, mảnh đất trước cửa một cơ quan hành chính cấp quận đã biến thành bãi đỗ đến cả trăm chiếc xe của các chủ hàng thịt ế.
|
Những mảng bì tải nhớp nháp được trưng dụng để bày thịt ế. |
Người dân xung quanh không lạ với những hình ảnh trên. Họ cho biết, phiên chợ này bắt đầu họp cách đây chừng 1 năm. Nhiều người gọi đây là chợ thịt ế, hay chợ thịt “thối”. Thịt bày bán tại đây được tuồn về từ hàng trăm chợ cóc lớn bé trên khắp các ngõ ngách nội thành Hà Nội. “Chợ thịt ế chỉ bắt đầu họp khi toàn bộ chợ cóc ở nội thành Hà Nội đã đóng cửa” – một người dân quanh chợ khẳng định. Nói về gốc gác, bà hàng nước có thâm niên gần chục năm cắm chốt trước cổng chợ cho biết: “Mỗi ngày có bao nhiêu hàng thịt từ Hà Tây cũ đổ vào nội thành thì có ngần ấy hàng mang thịt thừa ra đây bày bán. Ngày trước, họ tập kết quanh chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân), nay lại tràn đến đây. Đến giờ cao điểm, cứ vài ba phút lại có một tốp “đồ tể” kéo về, chỉ trong chốc lát cả bãi đất cả trăm mét này đã chật kín hàng thịt ế”.
Cách đó chừng 1km, trên hè đường lớn, một chợ thịt ế khác cũng nhanh chóng được hình thành trong vài tiếng buổi trưa. Cách thức bày hàng, nguồn hàng cũng tương tự chợ thịt lập trên bãi đất lổn nhổn nọ.
Biến khu phố thành... bãi rác
Trưa 23/3, như mọi ngày, chợ thịt “thối” bắt đầu họp. Vì “tọa” ngay trước cửa một cơ quan hành chính nên điệp khúc xua đuổi, chửi rủa, xin xỏ giữa đám hàng thịt với bảo vệ lại tiếp diễn. Ít phút sau, không “đấu” lại với hàng chục tay “đồ tể”, bảo vệ cơ quan nọ chán nản nói với PV Báo GĐ&XH: “Trưa nào cũng thế, hàng trăm xe máy dựng chiếm hết cổng cơ quan, lộn xộn, nhộn nhạo không tả hết. Ngày nắng, thịt bốc mùi tanh nồng, theo gió phát tán đến váng cả đầu”. Cuộc đụng độ lên cao trào khi những hàng thịt ế “lấn sân” những quầy hàng giò chả, thực phẩm vốn buôn bán cố định tại đây. Các chủ hàng thịt cố định ở đây tay lăm lăm dao bầu sắc lẹm lượn ra, lượn vào, ánh mắt gườm gườm khi bị các chủ hàng thịt ế từ nơi khác đến lăm le... chiếm đất.
|
Một góc bãi để xe của các hàng thịt ế. |
Không căng thẳng, ồn ào, các chủ hàng ăn, hàng nước lại đon đả mời chào, thậm chí còn sẵn sàng “nhường đất” để các chủ hàng thịt bày hàng. Chả là từ ngày xuất hiện chợ thịt ế, hàng quán quanh đây làm ăn khấm khá hẳn lên. Hàng bún, phở, cháo... đều đắt hàng bởi khách phần lớn là chủ các hàng thịt ế đang bày bán la liệt tại đây.
Chợ thịt ế về đây đem theo “lộc” cho các hàng quán nhưng cũng mang theo cái nhếch nhác, bẩn thỉu cho cả cái chợ cố định và cư dân quanh đó. Xen lẫn giữa các hàng thịt là những bọc rác dân sinh đã bắt đầu phân hủy, bốc mùi xú uế đến ngột ngạt. Thậm chí, có cả những mảnh thịt thừa “dính làn” được các chủ hàng sẵn tay vứt ra lòng đường. Cuối phiên chợ, những mảnh bìa bày thịt ế để bán lại được vứt ngổn ngang. Khi đội quân hàng thịt ế “tan chợ”, cả khu đất rộng lại biến thành bãi rác. Người tham gia giao thông bất bình vì bị chiếm đường, người dân sống quanh chợ ngán ngẩm vì mùi tanh hôi nồng nặc của thịt thiu. Ngày cao điểm, lượng chủ hàng thịt đổ về nhiều, đội dân phòng khu phố cùng công an phường sở tại lại đem quân ra đây xua đuổi. Tuy nhiên, chỉ náo loạn khu chợ được một lúc, khi tổ dân phòng, công an phường rút quân, chợ thịt ế lại họp đông... như cũ.
Mua thịt bằng... mũi
Không chỉ bẩn thỉu, nhớp nháp, tanh hôi... chợ thịt ế còn có nhiều cái “độc nhất vô nhị” khác. Hành động của chủ hàng, khách hàng đến cách thức mua bán đều... “khác người”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những chủ nhân hàng chục quầy thịt ế đang bày bán tại đây đều cùng “một thổ”. Bà chủ hàng ăn gần chợ cho biết: “Phần lớn họ đều từ Ba Thá (Mỹ Đức, Hà Nội) về. Cùng làng nên tránh được cảnh tranh đất, “cướp” chỗ, chứ nếu là dân tứ chiếng thì mảnh đất này có nguy cơ thành chiến địa mất”. Phương thức bán hàng của hàng thịt, cách mua hàng của khách không giống với bất kỳ phiên chợ nào. Không quầy sạp, không mặc cả dài dòng, không săm soi chê bai, sau vài lời trả giá, từng mảnh thịt nhăn nheo, nham nhở đã tái xám, thâm đen, thậm chí bốc mùi được chủ hàng nhặt vội từ các tấm bìa bẩn thỉu dưới nền đất nhớp nháp, tống vào bao tải đưa cho khách.
Thịt ở đây có giá thuộc hàng... siêu rẻ, chỉ giao động từ 25.000 đồng đến 40.000 đồng/kg. So sánh giá thịt cùng loại bán vào buổi sáng, giá thịt ế chỉ bằng phân nửa. Với những khách hàng mua số lượng lớn, các chủ hàng sẵn sàng áp giá... ưu đãi. Thịt ba chỉ có giá từ 25.000 – 28.000 đồng/kg, các loại thịt ngon hơn giá 30.000 – 35.000 đồng/kg, loại đắt nhất cũng chỉ có mức giá 40.000 đồng/kg. Thịt mỡ được bán với giá 8.000 đồng/kg, mua nhiều còn được hạ giá, mua thường xuyên có khi chỉ 5.000 đồng/kg. Vào những ngày nắng nóng, thịt ế nhiều hơn thì giá cao nhất ở chợ này cũng chỉ 30.000 đồng/kg thịt “loại 1”. Các loại thịt khác cũng mất giá tương tự do hàng ế nhiều, chất lượng kém.
Cách mua thịt của khách hàng tại phiên chợ này cũng khác thường. Sờ, cầm, nắm chưa đủ, khách hàng buộc phải “nếm” bằng... mũi. Những miếng thịt dù đã trắng bệch hay thâm đen đều được các “thực khách” đưa lên mũi ngửi một vài lần trước khi mua. Từng túi mỡ lớn được người mua cho tay vào khoắng hết một lượt, đảo từ trên xuống dưới rồi... đưa lên mũi hít hà. Túi thịt, túi mỡ nào bốc mùi “thối” ít được bán với giá cao, còn túi nào đã bốc mùi nặng hơn thì cũng được tuồn đi nhưng với giá rẻ hơn. Đầu giờ chiều 16/3, khi nhóm PV Báo GĐ&XH trà trộn đóng giả khách đi chợ tiếp cận các hàng thịt để tìm hiểu về cách mua hàng “đặc biệt” này thì một khách hàng đã phân bua: “Có gì lạ đâu. Thịt ở đây miếng nào chả thâm bầm, nhăn nheo giống nhau. Không kiểm tra bằng mũi thì vớ phải thịt “thối” như bỡn. Cái nào hôi ít thì chọn, đừng tham rẻ quá mà mang hoạ, giá ở đây thấp “hết đát” rồi”.
Tại hàng chục phiên chợ thịt ế mà chúng tôi bám sát gần 1 tháng trời, trong số hàng ngàn người mua thịt ế xuất hiện những khách hàng đặc biệt. Không bỏ sót một phiên nào, đi chợ rất đúng giờ, mua thịt ế với khối lượng lớn, không mặc cả dài dòng là đặc trưng của nhóm khách hàng này.