Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nước tương siêu rẻ : Muốn mấy có mấy !
06 | 05 | 2009
Chỉ cần mua “nguyên liệu” nước tương và biết cách pha chế, người bình thường cũng có thể “sản xuất” nước tương

Trong vai người kinh doanh quán cơm cho công nhân, chúng tôi dạo một vòng quanh các chợ sỉ, lẻ trên địa bàn TPHCM. Không hề giấu giếm, người bán khắp nơi thoải mái tiếp thị nước tương với giá rẻ... như mơ.

Chỉ 2.000 đồng đến 2.500 đồng/lít

Đến chợ Bình Tây, chúng tôi được các sạp gia vị, nước chấm ở khu Lê Tấn Kế giới thiệu hàng loạt thương hiệu nước tương lạ hoắc, giá chỉ khoảng 28.000 đồng/lốc 12 chai (loại 500 ml/chai). Thấy chúng tôi có vẻ chê... mắc, một chị chủ sạp giới thiệu: “Chị có loại bình 5 lít, giá 17.000 đồng/bình. Nếu em mua từ 5 bình trở lên, chị sẽ giao hàng tận nơi”. Theo lời chị này, đây là nước tương có thương hiệu hẳn hoi nhưng sản xuất cho người bình dân, bán với số lượng lớn nên mới có giá mềm.

Quan sát các sạp nước chấm, gia vị gần đó, chúng tôi nhận thấy la liệt can lớn, can nhỏ lấm lem, ngả màu, bên trong chứa thứ nước đen, để trên nền xi măng cáu bẩn, ẩm ướt.

Chúng tôi ghé vào khu vực chợ Cầu Ông Lãnh (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1- TPHCM), “lãnh địa” chính cung cấp nước tương giá sỉ và lẻ cho khu vực nội thành. Trong những con đường hẻm rộng chừng 2 m, hàng tạp hóa bày bán đủ thứ, nhưng nhiều nhất là mặt hàng nước chấm bình dân giá cực rẻ.

Tại quầy hàng của bà B., những bình nước tương đen kịt được xếp hàng dưới đất. Vào những ngày mưa, mọi con hẻm của chợ này biến thành bãi sình lầy. Mặc cho người mua kẻ bán qua lại tấp nập, tất cả những mặt hàng nước chấm cứ để bừa dưới đất, sình văng lấm lem. Chuột, gián thoải mái bò qua bò lại trên thùng nước tương cáu bẩn.

Thấy tôi là khách mới hỏi mua nước tương, bà B. nhiệt tình hỏi mua về làm gì vì theo bà, có nhiều loại nước tương phù hợp với từng người sử dụng. Ví dụ nước tương dùng để ăn bột chiên là có giá 20.000 đồng/10 lít, rẻ nhất vì đã được pha chế sẵn cho lạt bớt, chỉ cần chế vô đồ ăn là dùng được ngay. Nước tương dùng chấm thịt bò hay ăn hủ tiếu thì vị đậm hơn, có giá từ 30.000 đồng đến 35.000 đồng/10 lít.

Cũng theo bà B., chợ này tuyệt đối không có nước tương bán lẻ, ít nhất là thùng 5 lít, 10 lít. Nước tương thùng, còn gọi là nước tương xá, chỉ bán cho những người kinh doanh hàng cơm, hủ tiếu, mì, bột chiên... Sở dĩ giá rẻ vì không có thương hiệu nhãn mác, ăn thua là do tay người pha chế rồi đóng thùng đem bỏ mối.

Pha chế tại chỗ

Chị T., cũng kinh doanh mặt hàng nước chấm tại đây, “bật mí”: Không đi lấy hàng ở đâu cả, chủ yếu là pha chế tại chỗ theo công thức riêng. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên vì trước giờ chỉ nghe nói nước tương nấu bằng xương trâu, bò, chị T. bảo làm gì có.

Theo chị, thời buổi này xương trâu, bò không đủ để giao cho các quán phở, lấy đâu ra mà nấu nước tương. Đấy chỉ là lý thuyết thôi, bây giờ chỉ cần mua một ít tương “xịn” rồi pha chế theo kinh nghiệm là ra thành phẩm hàng loạt. Người mua lẻ để dùng không ai mua nước tương xá vì chỉ cần bỏ ra 2.500 đồng là có chai nước tương “xịn” rồi, nước tương xá chỉ dùng cho những người bán quán mà thôi.

Đứng xớ rớ một hồi, chúng tôi gặp anh Hiếu chạy chiếc Honda cũ rích chở 2 can nước tương hai bên. Anh Hiếu cho biết anh làm tiếp phẩm cho quán cơm bình dân ở đường Hai Bà Trưng, quận Phú Nhuận. Cứ 3 ngày anh phải chở nước tương về một lần vì số lượng khách của quán này rất đông.

Theo anh Hiếu, nếu mua nước tương “xịn” thì làm sao đủ sở hụi, vì khách dùng chỉ một chút xíu nước tương nhưng rót ra chén rất nhiều, ăn không hết lại bỏ đi.

1 kg “nước cốt”, ngàn lít nước tương

Theo hướng dẫn của những người chuyên bán nước tương siêu rẻ, chúng tôi đến khu vực bán hóa chất, gia vị ở chợ Kim Biên (quận 5) tìm mua nguyên liệu pha nước tương. Một nhân viên sạp N.N kéo chúng tôi vào bên trong quầy. Ở đây, một phụ nữ khoảng 40 tuổi lấy xuống can nhựa 2 lít màu trắng chỉ ghi độc chữ “Maggi” cho tôi xem và ra giá: Hàng nhập từ Pháp, giá 350.000 đồng/kg.

Tôi hỏi mua 100 g, chị ta lấy 1 chai nhựa nhỏ, để lên bàn cân và bắt đầu chiết. Thứ chất sền sệt màu vàng nâu được rót ra, mùi nước tương xộc vào mũi chúng tôi nồng nặc và tỏa khắp xung quanh. “Nghe nói có vị nước tương dạng bột, dùng loại này hay loại bột đó tốt hơn hả chị?” – chúng tôi hỏi.

Chị ta trả lời lập tức: “Loại bột là tinh bột đậu nành dùng để tạo chất đạm và chất béo, còn loại này để tạo mùi vị. Phải có bột đậu nành thì nước tương mới béo, mới ngon. Hàng ngoại, 85.000 đồng/kg, mỗi bao 20 kg...”. Khi chúng tôi hỏi liều lượng pha chế, chị nhìn chúng tôi đầy nghi ngờ: “Em mua thì phải biết cách sử dụng, tui chỉ bán hàng, không biết cách dùng. Nếu biết cách pha, tui đã nghỉ bán ở nhà mở xưởng làm nước tương...”. Rồi chị ta từ chối bán bột đậu nành cho chúng tôi với lý do: Hết hàng!

Dò hỏi tiểu thương bán hóa chất, phẩm màu gia vị ở đây, chúng tôi được biết vị (còn gọi là nước cốt) nước tương có nhiều loại. Trong đó, loại nhập từ Thụy Sĩ có bao bì nhãn mác bằng tiếng nước ngoài (không có nhãn phụ bằng tiếng Việt) đã hết hàng.

Vì đây là chất siêu tạo mùi nên chỉ cần dùng 0,1 – 0,3 g pha vào 10 lít “nước tương” là đủ dậy mùi. Đơn giản hơn, chỉ cần dùng 1 phần nhỏ muỗng cà phê cốt để pha 10 lít nước tương. Chúng tôi nhẩm tính, với liều lượng này, 1 kg “nước cốt” có thể dùng cho cả ngàn lít nước tương. Quá rẻ!

Anh N., người có nhiều năm hoạt động trong ngành nước tương, tiết lộ: Đa số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước tương đều sử dụng vị nước tương, bột đậu nành trong sản xuất pha với nước tương thu được từ thủy phân khô đậu, nước, đường, bột ngọt và các gia vị khác để ra nước tương thành phẩm.

Còn loại nước tương siêu rẻ, giá 2.000 đồng – 3.000 đồng/lít thì chỉ có nước, muối, đường, bột ngọt, màu, vị và một ít bột đậu nành. Nước tương siêu rẻ chỉ bán được cho người buôn bán hàng ăn bình dân chứ người tiêu dùng thường không mua vì chẳng bổ béo gì, có khi còn mang bệnh vào người.

Cơ quan quản lý chất lượng không biết có quy định về độ đạm?

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo NLĐ ngày 4-5, ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, khẳng định ngành y tế không quản lý về phương pháp sản xuất nước tương mà chỉ quản lý về chất lượng, nhưng riêng về độ đạm trong nước tương thì hiện nay chưa có quy định cụ thể. Ngày 5-5, thông tin từ Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng cho biết: Năm 2008, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố TCVN 1763:2008. Theo đó, đối với sản phẩm nước tương, các chỉ tiêu hóa học phải có độ đạm protein từ 2,5%/100 g trở lên; về cảm quan phải có màu sắc đặc trưng của sản phẩm, chất lỏng trong, không vẩn đục, không lắng cặn; mùi thơm đặc trưng của nước tương, không có mùi lạ, mùi mốc. Vị ngọt đạm, không có vị lạ, đắng, nồng.

PGS-TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế):

Khó kiểm soát vì “nhà nhà làm thực phẩm”

Đánh giá mức độ nguy hại qua việc pha loãng và sử dụng chất tạo mùi trong nước tương là rất khó khăn vì chúng ta không có bằng chứng hoặc có nhưng chứng minh được độ nguy hại trước mắt cũng như lâu dài đối với sản phẩm ấy lại không dễ dàng.

 

Mặc dù thời gian qua Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã khá mạnh tay trong việc xử phạt sai phạm về chất lượng nước tương nhưng thực tế những sản phẩm nước tương sản xuất thiếu công khai hoặc chất lượng kém, pha, nhái vẫn được bày bán khá nhiều trên thị trường. Bộ Y tế đã có những quy định rõ ràng về chất lượng sản phẩm, còn việc cấp phép cho các cơ sở sản xuất và kiểm tra lại thuộc trách nhiệm của UBND các địa phương và Thanh tra Sở Y tế. Chất lượng có thể quản lý được, nhưng với cách làm thiếu đồng bộ và với kiểu kinh doanh “nhà nhà làm thực phẩm” như ở nước ta thì việc những sản phẩm nước tương không an toàn tái xuất hiện cũng là điều dễ hiểu.

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TPHCM:

Sẽ kiểm tra để chấn chỉnh

Từ thông tin về nước tương không an toàn đăng trên Báo NLĐ, sở đã chỉ đạo phòng thanh tra của sở rà soát lại các vấn đề liên quan đến chất lượng nước tương, cũng như các cơ sở chế biến trên địa bàn, lên kế hoạch kiểm tra, kiểm soát để nhanh chóng chấn chỉnh kịp thời.

 

Ông Đinh Minh Hiệp, Phó Phòng Quản lý Khoa học Sở Khoa học- Công nghệ:

Chỉ hỗ trợ công nghệ mới

Sở không quản lý chất lượng nước tương mà do ngành y tế chịu trách nhiệm. Sở Khoa học-Công nghệ cũng không thể can thiệp các cơ sở phải sản xuất theo phương pháp bắt buộc vì mỗi công ty có công nghệ sản xuất riêng. Sở Khoa học-Công nghệ chỉ hỗ trợ cho các cơ sở về công nghệ mới, cũng như chuyển giao công nghệ cho những đơn vị có nhu cầu.

 

Ông Lê Xuân Đài, Chi cục phó Chi cục QLTT TPHCM:

Hàng hóa ghi nhãn đầy đủ thì không thể kiểm tra, xử lý được

Chi cục QLTT vẫn thường xuyên kiểm tra hàng hóa trên thị trường. Sản phẩm không có nhãn mác, vi phạm quy chế ghi nhãn đều bị xử lý. Hàng gian, hàng giả với những dấu hiệu cụ thể cũng bị xử lý theo quy định. Đối với chất lượng hàng hóa thực phẩm nếu có đầy đủ giấy phép kinh doanh, công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, ghi nhãn đầy đủ thì không thể kiểm tra, xử lý được. Sản phẩm có vấn đề chất lượng cần phải có sự phối hợp giữa các ban ngành để cùng tham gia, xử lý. Riêng chi cục không thể nào giải quyết nổi, vì không thuộc lĩnh vực chuyên môn.



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường