Xu hướng phát triển
Thế giới đã sửng sốt trước sự tăng trưởng và tốc độ công nghiệp hoá cực kỳ nhanh chóng của các nền kinh tế quanh khu vực Thái Bình Dương trong những thập kỷ qua. Cung, cầu và xuất, nhập khẩu của khu vực rộng lớn này đã ảnh hưởng tới thị trường thực phẩm toàn cầu. Nếu như trước đây điều người ta chú ý nhiều nhất là sự chuyển đổi thị trường thực phẩm về mặt cung do cuộc Cách Mạng Xanh mang lại, thì bây giờ, đó lại là làn sóng chuyển đổi sâu sắc xuất phát từ phía cầu, được tạo ra bởi bùng nổ của siêu thị.
Bùng nổ siêu thị ở khu vực Thái Bình Dương.
Tại khu vực Thái Bình Dương cũng như các khu vực khác, thị trường thực phẩm truyền thống chủ yếu là các cửa hiệu nhỏ, chợ ngoài trời và các khu chợ trung tâm. Siêu thị, mặc dù xuất hiện từ những năm 1980 và thậm chí là sớm hơn, lúc đó chỉ chiếm một phần nhỏ, nhiều nhất cũng chỉ từ 5 đến 10% thị phần bán lẻ, và chủ yếu phục vụ cho tầng lớp thượng lưu ở một vài thành phố lớn. Tuy nhiên, bắt đầu những năm 1990, và đặc biệt vào giữa và cuối thập kỷ này, thị trường thực phẩm đã chuyển đổi mạnh mẽ với sự phát triển nhanh chóng của siêu thị.
Người ta thấy có ba làn sóng phát triển của siêu thị tại các nền kinh tế thị trường mới nổi khu vực Thái Bình Dương.
Làn sóng thứ nhất có Nam Mỹ, Đông Á trừ Trung Quốc (tiêu biểu gồm Achentina, Braxin, Chile, Hàn Quốc và Đài Loan), tại đây thị phần của siêu thị trong lĩnh vực bán lẻ đã tăng từ 10-20% vào khoảng những năm 1990 lên 50-60% vào đầu những năm 2000.
Làn sóng thứ hai có Đông Nam Á, Trung Mỹ và Mehico (tiêu biểu gồm Mehico, Colombia, Costa Rica, Guatemala, Thái Lan và Philipin), tại đây thị phần của siêu thị đã tăng từ 5-10% vào những năm 1990 lên 30-50% vào đầu những năm 2000.
Làn sóng thứ ba có một số nước ở Trung và Nam Mỹ (như Nicaragua và Peru), Đông Nam Á (như Việt Nam), và Trung Quốc, nơi mà siêu thị gần như không tồn tại vào năm 1990, thì vào đầu những năm 2000 nó đã có được 10-20% thị phần bán lẻ thực phẩm.
Sự chuyển đổi các hệ thống thu mua của siêu thị.
Hướng tới tập trung hoá và khu vực hoá.
Số lượng cửa hàng trong mạng lưới siêu thị ngày càng tăng đã tạo ra xu hướng tập trung hoá khâu thu mua. Các trung tâm phân phối được hình thành và mỗi trung tâm này sẽ chịu trách nhiệm phục vụ một số lượng cửa hàng nhất định trong một vùng, tỉnh, quốc gia hoặc một khu vực (bao gồm nhiều nước). Tiếp theo đó là một hệ thống các trung tâm phân phối mang tính khu vực sẽ cho phép điều phối khâu thu mua đối với một loạt các nước. Điều này được dự đoán là sẽ làm tăng thương mại xuyên khu vực và hội nhập kinh tế trong các tiểu vùng, giữa các tiểu vùng và toàn bộ khu vực Thái Bình Dương trong những thập kỷ tới.
Tập trung hoá làm tăng hiệu quả thu mua nhờ giảm chi phí điều phối và các chi phí giao dịch khác, mặc dù nó có thể làm tăng chi phí vận chuyển giữa các vùng. Nhưng cuối cùng khoản tiết kiệm được vẫn là khá lớn, thực tế có thể lên tới 40%, như trong trường hợp của tập đoàn China Resources Enterprises khi nó thiết lập hai trung tâm phân phối lớn ở miền nam Trung Quốc.
Khu vực hoá khâu thu mua mới bắt đầu gần đây do các mạng lưới siêu thị đa quốc gia hướng tới việc chuyên môn hoá nguồn cung cấp theo lợi thế cạnh tranh của từng nước và dùng những nguồn cung cấp này để đáp ứng nhu cầu cho toàn bộ mạng lưới siêu thị ở nhiều nước khác nhau.
Hướng tới sử dụng các hãng logistics và các nhà buôn chuyên phục vụ siêu thị.
Các siêu thị ngày càng tăng cường làm ăn với các nhà buôn chuyên môn hoá vào một số loại sản phẩm nhất định, những người có khả năng và tập trung đáp ứng những nhu cầu cụ thể của siêu thị. Các nhà buôn này giúp giảm chi phí giao dịch và tìm kiếm, đồng thời thay mặt siêu thị buộc các nhà sản xuất thực hiện hợp đồng và tuân theo các tiêu chuẩn riêng.
Hướng tới hệ thống nhà cung cấp ưu tiên
Hiện nay rất nhiều mạng lưới siêu thị đang thực hiện những cải tổ về cách thức hoạt động bằng cách lập ra một hệ thống các nhà cung cấp ưu tiên. Hợp đồng với nhà cung cấp được lập khi mạng lưới siêu thị đưa một nhà cung cấp vào danh sách của mình. Những hợp đồng này sẽ khuyến khích các nhà cung cấp gắn bó với siêu thị và tiến hành đầu tư đáp ứng những quy cách về sản phẩm mà siêu thị đặt ra.
Các hợp đồng đôi khi còn quy định cả những hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của siêu thị để các nông trại đầu tư vào nhân lực, quản lý, chất lượng đầu vào và những thiết bị cơ bản. Trong một số trường hợp các siêu thị còn chấp nhận là người bảo trợ cho các khoản vay của các nông trại. Điều này là rất có ý nghĩa đối với các nông trại nhỏ khi mà việc tiếp cận tín dụng của họ là vô cùng khó khăn ở các nước đang phát triển.
Gia tăng các tiêu chuẩn riêng
Các nhà bán lẻ truyền thống trong vùng trước đây, hoạt động trong thị trường không chính thức, chẳng mấy khi dùng đến các loại giấy chứng nhận cũng như các tiêu chuẩn chất lượng, trong khi các siêu thị cũng như các nhà sản xuất thực phẩm hiện nay ngày càng ưa sử dụng các tiêu chuẩn riêng. Nhìn chung các tiêu chuẩn được dùng làm công cụ phân loại hàng hoá và điều phối mạng lưới cung cấp bằng cách chuẩn hoá các yêu cầu về sản phẩm đối với các nhà sản xuất. Các tiêu chuẩn này thống nhất quy định về sản phẩm và cách thức giao hàng nhờ đó giúp tăng hiệu quả và giảm chi phí giao dịch.
Nhân tố quyết định sự phát triển của siêu thị
Nói chung các làn sóng phát triển của siêu thị đều tương quan với đặc điểm kinh tế xã hội của các vùng. Ngoài các nhân tố về mặt cầu thì các nhân tố về mặt cùng cũng cực kỳ quan trọng để giải thích cho sự phát triển nhanh chóng của siêu thị trong những năm 1990 và 2000 ở những nước này. Các nhân tố về mặt cung gồm có:
Đầu tiên là các dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài quy mô lớn vào lĩnh vực bán lẻ (và đầu tư cạnh tranh của các siêu thị trong nước) vào giữa những năm 1990 ở các nước theo làn sóng thứ nhất và thứ hai, và vào cuối những năm 1990 cho tới đầu những năm 2000 ở các nước theo làn sóng thứ ba. Sự bắt đầu của các dòng đầu tư này gắn liền với tự do hoá đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ cuối những năm 1980, đầu những năm 1990. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của các công ty đa quốc gia có trụ sở tại Tây Âu, Mỹ, Nhật Bản, và khu vực đổ dồn vào lĩnh vực bán lẻ là do sự cạnh tranh khốc liệt và sự bão hoà ở các thị trường bản địa - nhân tố đẩy, và lợi nhuận cao hơn từ các thị trường đang phát triển do cạnh tranh thấp và lợi thế của người đi trước - nhân tố kéo. Ví dụ như, Carrefour đã kiếm được lợi nhuận cao gấp ba lần ở Achentina so với ở Pháp vào những năm 1990.
Giờ đây người ta cho rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài đang có một tác động, còn lớn hơn cả tác động của tự do hoá thương mại, lên nền kinh tế thực phẩm nông nghiệp trong khu vực . Nếu như sự bùng nổ xuất khẩu rau quả của Châu Mỹ Latinh đã gây nhiều chú ý, thì hệ thống siêu thị giờ đây còn mua của nông dân địa phương nhiều gấp hai lần lượng xuất khẩu của khu vực. Đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư cạnh tranh tại địa phương đã dẫn đến sự thống nhất và đa quốc gia hoá nhanh chóng khu vực siêu thị suốt thập kỷ qua.
Hơn nữa, tốc độ phát triển của siêu thị còn được giải thích bởi nhân tố chính sách; ví dụ như, trong khi tốc độ công nghiệp hoá và đô thị hoá tại Trung Quốc và Việt Nam không khác là mấy so với Guatemala, đồ thị tăng trưởng của siêu thị ở hai nước này lại thuộc làn sóng thứ ba vì những cải cách chính sách tự do hoá đi sau Guatemala rất nhiều. Khi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán lẻ ngày càng được tự do hoá ở Trung Quốc thì đầu tư từ khắp nơi trên thế giới đã đổ vào Trung Quốc với một tốc độ chóng mặt vào cuối những năm 1990, đầu những năm 2000 và vẫn đang phát triển với tốc độ 30-40%/năm.
Thứ hai là việc thực hiện các cải tổ trong hệ thống thu mua. Những cải tổ này được thực hiện chủ yếu vào nửa cuối thập kỷ 90 hoặc vào những năm 2000, và đã giảm được đáng kể chi phí thu mua của các nhà kinh doanh bán lẻ ở các thị trường này. Chi phí giảm cộng với cạnh tranh công bằng đã cho phép cũng như thúc đẩy các hệ thống bán lẻ hàng đầu chuyển từ các thành phố lớn tới các thành phố cấp hai và thậm chí tới cả các thị trấn nhỏ hơn, đồng chuyển từ tầng lớp thượng lưu đến tầng lớp trung lưu và cả những tầng lớp có thu nhập thấp. Hình ảnh chung của các siêu thị hiện nay là các sản phẩm giá rẻ nhằm vào tầng lớp lao động nghèo, hay những thị trấn vừa và nhỏ. Hình ảnh này đối nghịch hoàn toàn với hình ảnh truyền thống là nhằm vào một bộ phận nhỏ tầng lớp tiêu dùng xa xỉ ở các thành phố lớn.
Sự cạnh tranh giữa siêu thị và chợ ngày càng trở nên công bằng hơn. ở những thành phố lớn của Mehico, hay Trung Quốc giá của các sản phẩm chế biến trong siêu thị và ngoài chợ không khác nhau là mấy, thường là bằng nhau đối với những sản phẩm thông dụng. Trong một nghiên cứu gần đây của ACNielsen đối với 15000 người tiêu dùng ở khu vực Châu á - Thái Bình Dương, đã cho thấy siêu thị đang làm sói mòn thị phần của chợ trong lĩnh vực bán lẻ bằng cách cố gắng tạo ra một bản sao của các chợ truyền thống đồng thời giảm giá để cạnh tranh trực tiếp.
Các hàm ý về thương mại và phát triển
Siêu thị hoá cùng các xu hướng phát triển của hệ thống thu mua đã mang lại sự hội nhập quốc gia và khu vực. Lực lượng hội nhập này cũng mạnh chẳng kém gì các quyết sách về hội nhập khu vực và hội nhập thương mại. Nó làm tăng khả năng tiếp cận các thị trường lớn và nhờ đó làm tăng cơ hội xuất khẩu của khu vực. Hơn nữa, quá trình siêu thị hoá nhanh chóng mà kết quả là sự xuất hiện của các mạng lưới siêu thị đa quốc gia hoặc đa tiểu vùng đồng thời với quá trình khu vực hoá các hệ thống thu mua sẽ tạo điều kiện để phát triển các kênh thương mại quốc tế hiệu quả. Thậm chí, kiểu thương mại siêu thị này đang dần thay thế kiểu thương mại truyền thống. Điều này sẽ tạo ra sự thay đổi về bản chất, thành phần và khối lượng giao thương trong khu vực Thái Bình Dương những thập kỷ tới.
Quá trình siêu thị hoá nhanh chóng mang lại cả cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của khu vực. Siêu thị phát triển tạo điều kiện mở rộng và đa dạng hoá thị trường thực phẩm. Điều này mang lại cơ hội cho các nhà sản xuất. Ngoài ra, những thay đổi trong hệ thống thu mua cũng như các tiêu chuẩn riêng về sản phẩm do các siêu thị đặt ra đòi hỏi các nhà sản xuât phải có những cải cách và tăng cường đầu tư. Tuy nhiên, không phải nhà sản xuất nào cũng có thể đáp ứng được những khoản đầu tư vô cùng tốn kém này và không ít các nông trại và hãng nhỏ đã bị loại khỏi cuộc chơi. Nhưng một khi đã thực hiện được những cải cách này thì một thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn thông qua các mạng lưới siêu thị khổng lồ sẽ mở ra với các nhà sản xuất . Một nhà cung cấp tầm cỡ địa phương sẽ có cơ hội để trở thành một nhà cung cấp tầm cỡ quốc gia, khu vực, thậm chí là toàn cầu. Hơn nữa, cải cách sẽ làm tăng hiệu quả hoạt động và do đó tăng lợi nhuận của các hãng cộng với nhu cầu thị trường tăng lên sẽ bù đắp chi phí đầu tư.
Quy chế đào thải trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi các mạng lưới siêu thị không ngừng nỗ lực giảm rủi ro và chi phí – và đương nhiên là họ chỉ lựa chọn những nông trại hoạt động hiệu quả nhất. Hơn nữa, sức ép cạnh tranh không cho phép họ tăng giá để bù đắp chi phí trong trường hợp họ muốn hỗ trợ những khoản đầu tư cần thiết cho các nông trại. Điều đó có nghĩa là các nông trại đang và sẽ phải chịu các gánh nặng tài chính. Đây sẽ là một thách thức lớn vì các nông trại nhỏ ít có cơ hội tiếp cận các khoản tín dụng. Đồng thời đó cũng là thách thức đối với các chương trình phát triển trong việc giúp đỡ các nông trại nhỏ chuyển đổi để nắm bắt cơ hội mà cuộc cách mạng siêu thị tạo ra.