Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Siêu thị tự chọn hàng IT: Xem nhiều hơn mua?
14 | 08 | 2007
Nhu cầu sử dụng các sản phẩm công nghệ cao IT gia tăng mạnh mẽ tạo ra một thị trường phân phối hấp dẫn với nhiều DN tham gia. Cạnh tranh gay gắt trên thị trường này đã khiến dịch vụ phân phối liên tục đứng trước sức ép nâng cao chất lượng...
Từ "chợ trời" đến siêu thị tự chọn

Theo những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực phân phối thiết bị công nghệ cao như máy vi tính, linh kiện, máy kỹ thuật số, máy văn phòng… ở Hà Nội, thị trường này hiện đã phát triển qua nhiều giai đoạn. Đầu tiên là sự ra đời của hàng loạt công ty, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát. Những năm 90, các cửa hàng rải rác đã tập trung phát triển thành một khu vực nổi tiếng: chợ IT Lý Nam Đế và về sau phát triển thêm ở các phố Lê Thanh Nghị, Thái Hà… Điểm dễ nhận ra tại các "chợ" công nghệ IT này là quy mô buôn bán nhỏ lẻ, cái gì cũng có, giá nào cũng chiều và điều dĩ nhiên là chất lượng thì thật khó kiểm soát.

Ngắn vốn, quy mô buôn bán nhỏ lẻ, nguồn hàng không đảm bảo trong khi giá cả lại ngang ngửa hàng chính hãng, các dịch vụ đi kèm bảo hành sản phẩm, chăm sóc khách hàng vì thế không được quan tâm đúng mức… Đã có một thời, người Hà Nội có thói quen khi muốn ra chợ mua thiết bị IT thể nào cũng cậy nhờ cho được một người có hiểu biết đi cùng cho yên tâm, nếu không cũng phải "qua cầu" để mua được chỗ quen biết.

Khắc phục được điều đó, một số công ty đã tổ chức lại với quy mô lớn hơn đủ sức làm đại lý phân phối cho nhiều hãng lớn, mở cửa hàng bán ở những phố đẹp, cung cấp thêm các dịch vụ đi kèm. Trong xu hướng đó, mấy năm gần đây, thị trường phân phối hàng IT tại Hà Nội nổi lên những tên tuổi Công ty Trần Anh, Phúc Anh, Mai Hoàng, Thế giới số, Hà Nội Computer, Ngọc Hà… Bên cạnh chất lượng, giá cả, cải tiến chất lượng dịch vụ, phục vụ đang là yếu tố được các trung tâm lớn rất coi trọng nhằm thu hút khách hàng.

Bên cạnh những "chiêu" khuyến mại, tặng quà cho khách khi mua sản phẩm, một số trung tâm còn đưa ra những chính sách như: Bảo hành trong trường hợp IC cháy, nổ; Hoàn tiền khi có biến động giá; Mở phòng khám máy tính không thu phí cho ngay cả các thiết bị không do trung tâm cung cấp…

Chị Dương Thị Đức, nhân viên cửa hàng LCD tại phố Lê Thanh Nghị cho hay, các sản phẩm máy tính, linh kiện… của các hãng đang trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt. Sự phát triển “chóng mặt” của công nghệ khiến các sản phẩm liên tục được thay thế trong thời gian ngắn. Một số model, chỉ sau vài ba tháng được bày bán trên thị trường, đã không còn xuất hiện, thậm chí không còn tìm mua được nữa. Cũng theo chị Đức, tại các trung tâm lớn, tốc độ thay thế này cao hơn gấp đôi so với những cửa hàng nhỏ bởi lượng hàng bán ra tại đó rất lớn...

Siêu thị quy mô ớn luôn hấp dẫn khách hàng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Giờ đây tham khảo, chọn mua các sản phẩm IT tại các trung tâm, đại lý lớn đã là thói quen phổ biến đối với khách hàng. Tuy nhiên, người mua dù được các nhân viên giới thiệu, tư vấn khá kỹ nhưng vẫn có cảm giác “thiêu thiếu” cái gì đó. Thực tế, ngoài vấn đề chất lượng, nhiều khách hàng rất quan tâm đến hình thức sản phẩm. Bởi đối với hàng IT, dù thông số kỹ thuật có như nhau nhưng giá cả giữa các sản phẩm vẫn có thể chênh lệch tới tiền triệu do hình thức, mẫu mã khác nhau. Đây cũng là điểm còn hạn chế mà nhiều trung tâm, cửa hàng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người mua.

Ngay cả một số trung tâm máy tính lớn tuy đã có những sản phẩm trưng bày nhưng số lượng rất hạn chế và khách hàng rất ít khi được tận tay lựa chọn bởi chúng luôn được đặt trong những tủ kính cao, khoá chặt. Muốn tìm hiểu cũng chỉ qua lời giới thiệu của nhân viên hay qua những tập báo giá ít thông tin. Có ý định mua mới được xem hàng, điều này gây tâm lý thiếu thoải mái cho khách hàng. Mặc dù, cũng có thể thông cảm với người bán vì không dễ để bày ra những món hàng IT đắt tiền để ai cũng có thể chọn, thử mà không chắc là mua hay không.

Siêu thị tự chọn hàng IT, văn hóa tiêu dùng mới?

Vượt qua hạn chế này, trên thị trường Hà Nội mới đây đã xuất hiện mô hình siêu thị IT tự chọn. Mô hình siêu thị tự chọn tại Việt Nam được áp dụng phổ biến đối với hàng tiêu dùng. Tại TP.HCM, siêu thị điện máy Nguyễn Kim đã rất thành công với mô hình này. Còn tại Hà Nội, việc phát triển hệ thống siêu thị bán lẻ các sản phẩm IT, viễn thông đang trở thành một xu hướng mới trong phân phối.

So với các trung tâm máy tính hiện nay, những siêu thị mới mở có ưu thế hơn về quy mô, sự phong phú của sản phẩm do chính hãng xuất bảo hành. Tại đây, khách được trực tiếp lựa chọn cái mình cần, được tư vấn bởi đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp.

Bà Kim Oanh - Phụ trách Marketing của siêu thị IT Đăng Khoa cho biết, dù mới đi vào kinh doanh nhưng trung bình mỗi ngày siêu thị đã thu hút khoảng 200 lượt khách tham quan.

Tuy nhiên, theo đánh giá của anh Nguyễn Văn Phóng, Giám đốc Công ty máy tính Bách Phương chuyên về sản phẩm laptop thì mô hình siêu thị IT của Đăng Khoa hiện mới chỉ lạc quan được 40%, lúc này chưa thể khẳng định được thành công hay không. Bởi lẽ, chi phí hoạt động của mô hình siêu thị khá tốn kém khiến giá cả không cạnh tranh. Trong khi đó, đối với ngành IT tại Hà Nội, hơn 60% người dùng vẫn quan tâm đến giá cả nhiều hơn.

Anh Phóng cũng nhận định, riêng về mặt hàng máy tính xách tay, chất lượng hàng trưng bày chắc chắn không thể bằng hàng nguyên đai, nguyên kiện. Cộng với tâm lý lựa chọn kỹ càng của người Hà Nội và với giá thành cao có thể khiến khách hàng đến siêu thị chỉ để… ngắm, còn sẽ đến các công ty khác để mua!

Cũng tán đồng với ý kiến trên, anh Nguyễn Minh Dũng, phụ trách phân phối của Acer VN, khẳng định: "Đây sẽ là mô hình kinh doanh của tương lai, sẽ phát triển mạnh trong những năm tới. Tuy nhiên, siêu thị phải tiếp tục làm gì để thu hút khách. Nếu tạo được sự tin cậy toàn diện về chất lượng, mô hình này thành công sẽ góp phần làm thay đổi thói quen tiêu dùng "khó tính" của dân Bắc, tạo ra 1 văn hoá tiêu dùng mới. Người mua sẽ ngày càng chủ động hơn…"

Có thể thấy rõ rằng, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên lĩnh vực phân phối hàng IT đã làm thị trường này ngày càng phát triển đa dạng. Việc không ngừng mở rộng quy mô, gia tăng chất lượng dịch vụ, phục vụ đi kèm với chất lượng sản phẩm tại các công ty, trung tâm lớn sẽ ngày càng đem lại lợi ích cho người tiêu dùng.



Theo VNN
Báo cáo phân tích thị trường