Chợ ế ẩm
Bà Mành, tiểu thương chợ Bà Chiểu, cho biết khách chỉ đông chừng hơn 1 giờ đồng hồ buổi sáng ở dãy hàng thực phẩm, sau đó cả chợ lặng lẽ. Những sạp bán thịt, cá trước đây đông khách quen, giờ cũng chỉ bán được chừng 50% so với trước.
Tình cảnh cũng khá hiu hắt ở chợ Thị Nghè. Ban quản lý chợ cho biết, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt cá bán khá chậm, lượng hàng về chợ trong tuần giảm 15% so với tháng trước.
Các chợ Bến Thành, Tân Định cũng lâm vào tình trạng tương tự. Khách mua đông vào khoảng 8 – 9h sáng, sau đó các dãy hàng thực phẩm đều vắng hoe.
Đã vậy, các trung tâm thương mại, siêu thị không ngừng tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do giá cả tăng, nên người dân chắt chiu trong việc mua sắm.
Siêu thị cũng chẳng khá hơn
Không khá hơn chợ, sức mua ở siêu thị và các trung tâm mua sắm cũng giảm hẳn.
Tại siêu thị, không còn cảnh khách chen nhau xếp hàng chờ ở quầy tính tiền như trước, cho dù đó là những ngày cuối tuần ở Metro, Co.opmart, Maximark…
Trên các quảng cáo của các trung tâm điện máy như Thiên Hoà, Nguyễn Kim, Chợ Lớn, Ideas… hay các nhãn hàng máy tính, điện thoại di động trong mấy ngày trở lại đây có thể thấy hầu hết thông điệp quảng cáo đều nhấn mạnh: Giá rẻ nhất, khuyến mãi hấp dẫn nhất...
Ông Hòa, nhà ở Q.3, cho hay, cả gia đình ông "mê" ti vi LCD từ rất lâu, nay dù giá khuyến mãi giảm còn 10 triệu đồng, phù hợp với túi tiền, nhưng ông Hòa chưa muốn mua. Ông Hòa giải thích, với số tiền đó, còn nhiều thứ cần thiết hơn để mua.
Ông Huỳnh Hữu Tuấn, quản lý Citimart Chu Văn An, Q. Bình Thạnh, cho biết theo dõi hóa đơn mua sắm của khách hàng, người tiêu dùng ngày càng căn ke, so sánh giá nhiều hơn. Họ không còn mua sắm theo ý thích mà bó chặt chi tiêu vào những mặt hàng thiết yếu nhất. So với thời điểm Tết, sức mua hiện đã giảm đến 30%.
Đại diện hệ thống siêu thị Intimex tính toán, một khách hàng vào siêu thị trước đây có thể mua sắm phổ biến ở mức 200.000 đồng/lần, con số này hiện tại chỉ vào khoảng hơn 100.000 đồng.
Tại hệ thống Co.op Mart, sau vài đợt tăng giá xăng, giá hàng hóa cũng tăng từ 10%-15% (tùy mặt hàng). Bà Phạm Thị Thanh Tuyền, Giám đốc tiếp thị hệ thống Co.opmart, cho biết hoá đơn từ khách mua hàng chỉ rõ mức chi bình quân trên mỗi hoá đơn đã giảm khoảng 30%. Tạm tính sức mua giảm trên 10%.
Sức mua giảm sút khiến các hệ thống siêu thị lớn đang tập trung đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn nhằm thu hút, kích thích mua sắm.
Tuy nhiên, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc trung tâm BSA nhận xét, để kích cầu không chỉ tăng khuyến mãi mà cần phải thay đổi hình thức khuyến mãi.
Chuyển các giá trị quà tặng bằng sản phẩm hay dịch vụ vào giá là một trong những cách đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng.
Bởi người tiêu dùng đang rất nhạy cảm với giá, nên nhà kinh doanh nào chia sẻ được với nỗi lo cơm áo gạo tiền của từng gia đình, thì sẽ bán tốt hơn.