Sáng tạo công nghệ
Khi mới về làm Phó Giám đốc Xí nghiệp Vật liệu Xây dựng Sông Đà (nay là Công ty CP Gạch ngói Quỳnh Lâm) trực tiếp phụ trách sản xuất, phải chứng kiến cảnh những lò gạch hàng chục vạn viên khi đưa vào nung nổ “bồm bộp” hư hao đến 50 đến 60% ông Chuyển không khỏi xót xa. Biết bao nhiêu mồ hôi, công sức của người lao động mới làm ra được viên gạch mộc, thế mà sản phẩm thu được chẳng đáng là bao.
Những trăn trở này ngay lập tức được ông Chuyển cụ thể hoá bằng việc tìm biện pháp khắc phục và đề tài: Chống kích nổ nung đốt gạch đã được ông bắt tay vào nghiên cứu. Công trình được thử nghiệm qua nhiều lần và mỗi lần như vậy tiếng nổ đã thưa và nhỏ dần, tỷ lệ gạch ra lò hư hao thấp dần, giảm xuống chỉ còn 10 đến 15%, đem lại lợi nhuận hàng năm cho Công ty hàng trăm triệu đồng.
Đó là đề tài lần thứ nhất mà Giám đốc Phạm Ngọc Chuyển nghiên cứu thành công áp dụng vào sản xuất. Đề tài đã được Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo. Năm 2005, với đề tài khoa học: “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nung gạch kiểu đứng hiệu suất cao để nhân diện rộng với cơ giới hoá và tự động hoá” cùng các nhà khoa học của Viện Khoa học – Công nghệ nhiệt lạnh Trường Đại học Bách khoa Hà Nội mà ông là chủ đề tài tạo sự “đột phá” về giảm thiểu khí CO2 đến 98% trong nung đốt gạch. Với công nghệ này thì sức đầu tư ban đầu chỉ bằng 20% so với công nghệ cùng công suất kiểu nung gạch tuynel “kiểu nằm” của Bộ Xây dựng trước đây gây ô nhiễm môi trường rất nặng nề. Nếu như theo định mức cũ cho 1 nghìn viên gạch tiêu tốn 220 kg than đốt trực tiếp thì nay công nghệ nung gạch kiểu đứng chỉ mất 80 kg than, trong đó số lượng than trộn với đất bùn là 90% và chỉ còn đốt trực tiếp từ 10 -15 kg than/1 nghìn viên sản phẩm. Do đó làm giảm tới 98% khí thải gây ô nhiễm môi trường. Một tính năng của công nghệ nung gạch kiểu đứng đã thay thế hoàn toàn kiểu đốt củi truyền thống bằng điện năng, chỉ cần 1 kW điện/1 nghìn viên gạch. Nếu trước đây 10 triệu viên gạch phải sử dụng đến 2200 tấn than và trên 500 tấn củi, thì nay số lượng than dùng chỉ còn 800 tấn, trong đó đốt trực tiếp còn 100 tấn/năm. Công nghệ cho phép không còn chất xỉ rắn, bảo vệ được môi trường sinh thái, cải thiện cơ bản điều kiện làm việc của người công nhân, không phải tiếp xúc với bụi bặm, chất lượng sản phẩm ổn định, số hư hao thấp từ 3-5%.
Những đề tài nghiên cứu khoa học của ông Chuyển được Hội đồng Khoa học tỉnh Hoà Bình và Trung ương đánh giá rất cao và được cấp Bằng Sáng tạo độc quyền, giải Nhì Vifotec năm 2004 (không có giải nhất). Cho đến nay đã có hàng trăm đoàn từ rất nhiều tỉnh thành về tham quan và học tập kinh nghiệm công nghệ nung đốt gạch kiểu đứng của Công ty gạch ngói Quỳnh Lâm, đồng thời Công ty cũng đã chuyển giao được công nghệ cho nhiều tỉnh thành trong cả nước và tại Lào đều đạt hiệu quả kinh tế và xã hội rất cao.
Sự quyết đoán
Nhằm phục vụ cho dự án xây dựng Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, Xí nghiệp Vật liệu Xây dựng Sông Đà được đầu tư khá quy mô, công suất thiết kế 15 triệu viên/năm. Tuy nhiên sau khi ra đời hiệu quả mang lại rất thấp. Vào thời điểm công trình nhà máy thuỷ điện đầu tiên của đất nước thi công gấp rút, xí nghiệp không đáp ứng đủ gạch cho công trường xây dựng, chỉ đáp được khoảng 3 triệu viên/năm. Có nhiều nguyên nhân được rút ra, nhưng khâu mấu chốt vẫn là công tác quản lý yếu kém, vận hành theo chế độ bao cấp dẫn đến sự đình trệ sản xuất trong thời gian dài hàng thập kỷ. Năm 1991 tỉnh Hoà Bình tái lập, ông Chuyển được điều từ Công ty xây dựng miền Tây Hà Sơn Bình về làm Bí thư Đảng uỷ - Phó Giám đốc Xí nghiệp Vật liệu xây dựng Sông Đà.
Thời điểm đó xí nghiệp có hơn 300 lao động, do việc khai thác không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đông người mà sản xuất không đảm bảo được kế hoạch. Trong khi đó đời sống công nhân chỉ trông chờ vào phụ cấp về gạo, tem phiếu, nhưng lao động sản xuất thì ì ạch. “Khi tôi được điều về đây có rất nhiều rào cản, đặc biệt khó khăn, các bộ phận làm gián tiếp chỉ đến ngồi chơi rồi cuối tháng lĩnh lương, người trực tiếp chỉ đạo sản xuất không có, thiết bị đầy đủ nhưng công nhân không chịu làm việc” - Ông Chuyển nhớ lại những ngày đầu về xí nghiệp. Ông Chuyển như ngồi trên đống lửa bởi số thiết bị máy móc tiền tỷ kia không thể trở thành đống sắt vụn được, công nhân không thể “thích thì làm, không thích thì nghỉ”. Vì vậy, một quy chế ông Chuyển soạn thảo được phổ biến đến từng tổ đội và các phòng ban để củng cố lại sản xuất. Những ai không đáp ứng được dây chuyền sản xuất, Ban Giám đốc tạo điều kiện cho về nghỉ chế độ, những ai thích chuyển công tác tạo điều kiện cho chuyển, còn những ai ở lại làm việc phải hoàn thành đúng định mức theo quy định Sau khi quy chế ban ra, ai cũng đều ý thức xem xí nghiệp như “mái nhà chung”, tạo guồng máy hoạt động đồng bộ. Thêm vào đó, cơ chế khoán sản phẩm nhanh chóng được áp dụng, sản phẩm làm ra đến đâu sẽ thanh toán đến đó tạo được phấn khởi cho người lao động.
Chỉ sau thời gian ngắn, xí nghiệp không còn diễn ra tình trạng làm việc đánh trống ghi tên như trước. Quy chế mới đã phát huy tác dụng tạo được sự tiến bộ rõ rệt, sức bật mạnh mẽ trong thi đua sản xuất. Từ chỗ chưa đạt 3 triệu viên/ năm đã tăng lên 4,5 triệu viên, 5 triệu viên/năm và cho đến nay số lượng tăng gần 20 triệu viên/năm, tốc độ phát triển của Công ty luôn đạt 107 đến trên 110% và trong 3 năm gần đây Công ty luôn là đơn vị kinh tế tiêu biểu của tỉnh Hoà Bình.
Với những thành tích nói trên, năm 2007, Công ty cổ phần Gạch ngói Quỳnh Lâm được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai và hạng Ba cho cá nhân Giám đốc Phạm Ngọc Chuyển. Cúp Thánh Gióng - Doanh nhân Tiêu biểu 2008 do VCCI trao tặng chính là sự ghi nhận những nỗ lực của Giám đốc Phạm Ngọc Chuyển trong việc năng động chèo lái doanh nghiệp vượt qua thách thức, đóng góp xứng đáng vào việc phát triển doanh nghiệp cũng như góp phần vào sự phát triển của tỉnh Hoà Bình.
Năm 1964 chàng trai trẻ Phạm Ngọc Chuyển tốt nghiệp cấp 3 và rời quê hương đồng chiêm trũng, nơi có phong trào “Hai tốt” (xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) ra vùng mỏ Quảng Ninh học Trung cấp cơ khí Cẩm Phả và công tác tại đoàn xe vận tải Mỏ than Đèo Nai. Sau đó anh được bổ nhiệm giữ trọng trách Tổ trưởng sản xuất và kiêm luôn Phó bí thư đoàn thanh niên. Năm 1970, anh được điều về Công ty Xây dựng miền Tây tỉnh Hà Sơn Bình (nay là Công ty Xây dựng Hòa Bình) và giữ trọng trách Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Công ty cho đến năm 1988 về công tác tại Công ty Vật liệu Sông Đà. Hiện tại ông là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành của Công ty CP Gạch ngói Quỳnh Lâm. |