2 năm mất trên 3,6 tỉ đồng
Ngay sau khi thu hồi, người ta đã cho phá trắng toàn bộ 47ha càphê, san ủi mặt bằng, sau đó tổ chức lễ khai trương cụm công nghiệp này khá rầm rộ. Nhưng từ đó đến nay mới chỉ thu hút được 2 cơ sở sản xuất, tái chế sắt thép và sản xuất gạch. Cơ sở tái chế sắt thép thì đã hoạt động, nhưng "bữa đực, bữa cái". Còn cơ sở sản xuất gạch thì... chưa khai trương. Trên 90% diện tích còn lại hiện vẫn bỏ hoang.
Với 47ha, bình quân mỗi hécta ở khu vực này mỗi năm thu 2 - 2,2 tấn nhân, người lao động sẽ thu được không dưới 100 tấn nhân càphê. Lấy giá bình quân là 18 triệu đồng/tấn thì hai vụ càphê vừa qua người lao động ở đây đã thất thu trên 3,6 tỉ đồng. Chưa kể hàng trăm người dân ở đây (gồm cả lao động chính và phụ) sau khi bị thu hồi đất làm cụm công nghiệp đều thiếu việc làm.
Đua theo phong trào
Đây là điều đã và đang diễn ra ở Đắc Lắc. Đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh đã có tới 4 khu, cụm công nghiệp. Khu, cụm công nghiệp nhỏ nhất cũng trên 50ha, nơi lớn tới trên 200ha.
Nhưng tất cả các khu, cụm công nghiệp của tỉnh đều chỉ dừng ở mức... dang dở: Đền bù, giải phóng mặt bằng xong, làm được một vài con đường ngang dọc, xuất hiện một vài nhà đầu tư "hứa nhiều nhưng làm ít", rồi sau đó mặc sức cho... cỏ mọc. Đây là biểu hiện rất rõ của lối làm "công nghiệp phong trào", làm để báo cáo, lấy thành tích, còn hiệu quả... tính sau.
Nhiều nhà kinh tế ở Tây Nguyên cho rằng: trong khi Đắc Lắc đã có 2 khu, cụm công nghiệp lớn nhất của tỉnh là khu công nghiệp Hoà Phú và cụm công nghiệp TP.Buôn Ma Thuột, hiện vẫn đang bỏ hoang nhiều diện tích mà lại cho mở thêm nhiều khu, cụm công nghiệp ở các huyện là một sai lầm. Không nên thu hồi san ủi đồng loạt rồi bỏ hoang, khiến hàng trăm người dân bị thu hồi đất lâm vào cảnh sống bấp bênh, cơ nhỡ cả một đời.