Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các tỉnh Tây Nguyên phát triển cây hồ tiêu còn thiếu tính bền vững
20 | 09 | 2007
Đến nay, các hộ gia đình đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên đã tăng diện tích cây hồ tiêu lên trên 15.347 ha, trong đó có 70% diện tích đã đưa vào kinh doanh, với sản lượng mỗi năm đạt trên 32.255 tấn tiêu hạt. Như vậy, tuy mới phát triển cây hồ tiêu trong vòng 15 năm trở lại đây nhưng các tỉnh Tây Nguyên đã nhanh chóng trở thành vùng sản xuất hồ tiêu lớn thứ hai trong cả nước sau các tỉnh miền Đông Nam bộ, trong đó, Đắc Lắc, Gia Lai, Đắc Nông là những địa phương có nhiều diện tích cây hồ tiêu nhất ở khu vực Tây Nguyên.

Phát huy lợi thế về tiềm năng đất đai, khí hậu, đồng bào các dân tộc ở các huyện Chư Sê (Gia Lai), Ea H'Leo, Cư M'Gar (Đắc Lắc), Đắc R'Lấp (Đắc Nông) đã chuyển vườn tạp, nương rẫy gieo trồng cây lúa cạn hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây hồ tiêu mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Đồng bào trồng cây hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên cũng đã đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây hồ tiêu như trồng, chăm sóc, bón phân, tưới nước nên năng suất đạt cao. Tại các vùng trọng điểm trồng cây hồ tiêu của các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông có nhiều hộ gia đình đồng bào các dân tộc đạt năng suất tiêu từ 7 đến 8 tấn tiêu đen/ha. Niên vụ tiêu vừa qua, giá tiêu hạt tăng cao, nhiều hộ gia đình đồng bào các dân tộc trồng tiêu ở Tây Nguyên thu lãi lớn, có gia đình thu trên 1 tỷ đồng. Gia đình anh Bùi Văn Thanh ở thôn 2A, Nguyễn Văn Lực, ở thôn 3A, xã Ea H'Leo, anh Y Nguyên Niê, Nguyễn Văn Mùi, thôn 2, xã Ea Ral, huyện Ea H'Leo (Đắc Lắc) có tổng thu nhập từ vườn tiêu từ 1 đến 1,7 tỷ đồng....

Tuy nhiên, không phải ai trồng tiêu cũng "trúng" cho thu nhập cao. Trong hai năm vừa qua, cây hồ tiêu ở Tây Nguyên cũng trải qua một đợt thiệt hại nghiêm trọng, nhiều vườn tiêu đang xanh tốt, cho quả sum suê, nhưng lại khô gốc, thối rễ chết hàng loạt, nhiều gia đình lâm vào cảnh trắng tay, thậm chí "nợ chồng lên nợ". Anh Nguyễn Văn An, ở xã Ea Ral, có gần 6.000 trụ tiêu kinh doanh cho thu hoạch, nhưng bị dịch bệnh chết hàng loạt, không những thất thu hàng tỷ đồng, trắng tay mà còn nợ thêm ngân hàng hàng chục triệu đồng... Theo Tiến sỹ Tôn Nữ Tiến Nam, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông, Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, cây tiêu rất cần có cây che bóng vĩnh viễn để điều tiết sự ra hoa, kết trái của cây hồ tiêu. Thế nhưng, theo thống kê, gần 95% diện tích cây hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên đều được trồng bằng trụ gỗ chết. Các tỉnh Tây Nguyên phát triển diện tích cây hồ tiêu một cách ồ ạt, không theo qui hoạch, kế hoạch, chủng loại giống lại quá nghèo nàn, một số giống tiêu đã bị thoái hoá, không có sức đề kháng trước các loại dịch bệnh. Cũng do tính bất ổn về sinh thái của các vườn tiêu cũng là một trong những nguyên nhân làm cho năng suất vườn cây kém ổn định, thường bị nhiễm các loại bệnh nguy hiểm, tuổi thọ vườn tiêu ngắn, chóng tàn lụi. Mặt khác, chưa có qui trình cụ thể về các biện pháp kỹ thuật canh tác trên cây hồ tiêu để có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất và bền vững ổn định về môi trường sinh thái, người nông dân chỉ biết lạm dụng nước tưới, phân bón để vườn cây cho năng suất cao. Một số các loại sâu bệnh hại nguy hiểm có thể gây nên sự huỷ diệt cả vườn tiêu như rệp sáp hại rễ, bệnh vàng lá chết chậm do tuyến trùng rễ, bệnh vàng lá chết nhanh do nấm... đang diễn ra khá phổ biến ở Tây Nguyên. Công tác nghiên cứu về giống cây hồ tiêu hầu như bị bỏ ngỏ, chưa có đơn vị, tổ chức nào đứng ra phụ trách...



Nguồn: chebien
Báo cáo phân tích thị trường