Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, nếu như năm 1986, các tỉnh Tây Nguyên chỉ có vài ngàn ha tiêu thì đến năm 2014 tăng lên trên 50.000 ha và hiện nay đã có trên 71.000 ha (thực tế còn cao hơn nhiều), vượt gấp nhiều lần so với quy hoạch năm 2020; trong đó, Đắk Lắk là địa phương có diện tích tiêu nhiều nhất, với trên 28.000 ha, vượt trên 12.500 ha, kế đến là Đắk Nông có gần 25.000 ha, vượt 14.000 ha, Gia Lai có 16.000 ha, vượt 10.000 ha….
Tuy nhiên, do bất chấp khuyến cáo của các đơn vị chức năng, tự phát trồng cây tiêu ồ ạt, chạy theo phong trào, không những làm phá vỡ quy hoạch cây trồng của từng địa phương vùng Tây Nguyên mà đồng bào còn không chú trọng đến việc cải tạo đất, đưa cây tiêu vào trồng ở những chân đất không thích hợp, sử dụng các giống tiêu không rõ nguồn gốc…dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là gây nên tình trạng cung vượt cầu, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu gây thiệt hại lớn cho đồng bào các dân tộc.
Theo báo cáo của 3 tỉnh trọng điểm cây hồ tiêu của Tây Nguyên là Đắk Lắk, Gia Lai và Đắk Nông, hàng năm, mỗi tỉnh đều có vài ngàn ha tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng rễ, rệp sáp…Tỉnh Gia Lai năm 2016 đã có trên 6.155 ha tiêu bị nhiễm bệnh làm thiệt hại cho các gia đình trồng tiêu cả ngàn tỷ đồng…
Gia đình anh Đào Xuân Hùng, ở thôn 2 xã vùng sâu Ea Ô, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) đã đầu tư vốn liến chuyển 1 ha cà phê sang trồng 700 trụ tiêu nhưng do vùng đất trũng đợt mưa vừa qua toàn bộ diện tích tiêu đều bị ngập úng chết gần hết.
Cũng đối diện với nguy cơ mất trắng cả cơ nghiệp vì thấy xung quanh hàng xóm phát triển cây tiêu làm giàu, chị Nguyễn Thị Tâm ở thôn 1, xã vùng sâu Ea Lai, huyện M’Đrắk (Đắk Lắk) đã thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vay ngân hàng 500 triệu đồng đầu tư phát triển 800 trụ tiêu. Thế nhưng, do vùng đất không thích hợp, vườn tiêu chết dần…
Mặt khác, cũng chính do chạy theo phong trào, các gia đình trồng tiêu ở Tây Nguyên cũng không thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật thâm canh cây tiêu mà chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm truyền miệng học hỏi lẫn nhau từ khâu trồng đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại…
Ông Trần Văn Vinh, ở thôn 10, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song (Đắk Nông) trồng gần 1,5 ha tiêu. Vườn tiêu của gia đình ông cho thu hoạch hơn 6 niên vụ, nhưng mỗi năm để phòng trừ các loại sâu bệnh hại như tuyến trùng, rệp sáp…, gia đình lại áp dụng mỗi năm một khác.
Ông Vinh cho biết, để có vườn tiêu thành công là cả một quá trình không những tốn công sức, tiền của mà lúc nào cũng lo nơm nớp, không biết làm thế nào để cho vườn tiêu tránh được dịch bệnh tấn công, thực tế, hiện nay, nông dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa.
Theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, việc phát triển “nóng” cây hồ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian qua là vượt tầm kiểm soát của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn. Do vậy, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị các tỉnh Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm tiến hành quy hoạch, ổn định diện tích cây hồ tiêu ở Tây Nguyên.
Đối với các tỉnh Tây Nguyên cần phải quản lý chặt quy hoạch, định hình các vùng chuyên canh cây hồ tiêu ở những nơi có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp, chỉ rõ những vùng đất điều kiện sinh thái không thích hợp với cây hồ tiêu vận động đồng bào các dân tộc chuyển đổi sang các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Thường trực Ban Chỉ đạo Tây nguyên cũng đề nghị các đơn vị chức năng sớm nghiên cứu để có bộ giống tốt, quy trình kỹ thuật thâm canh đồng bộ cũng như các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại phổ biến, hướng dẫn đến người trồng tiêu để áp dụng có hiệu quả.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, đơn vị trồng tiêu tổ chức liên kết sản xuất hình thành các nhóm hộ, nhóm hộ nông dân với các doanh nghiệp để đảm đảm bảo cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra, đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu hồ tiêu cho từng vùng, từng địa phương nhằm góp phần phát triển bền vững cây hồ tiêu trên địa bàn Tây Nguyên./.