Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lựa chọn tương lai cho hồ tiêu
20 | 04 | 2017
Cho dù không “dập khuôn” theo một tỷ lệ toán học cố định, nhưng thực tế cho thấy, giá hồ tiêu trên thị trường thế giới tăng khi sản lượng giảm, và ngược lại. Theo đó, tuy dài ngắn khác nhau, nhưng việc tăng hoặc giảm đó thường diễn ra liên tục trong nhiều năm theo hai chiều trái ngược nhau mang tính chất chu kỳ rất rõ nét.

Trong điều kiện như vậy, với vai trò đặc biệt quan trọng hiện nay và trong những năm tới, Việt Nam góp phần có ý nghĩa quyết định khiến xu thế “sốt lạnh” giá hồ tiêu thế giới gần như không thể đảo ngược. Thế nhưng, vẫn có thể hy vọng rằng sau “vòng xoáy” tăng phi mã diện tích gần đây, sẽ không diễn ra “nửa vòng xoáy chặt” trong những năm tới.

Cơn sốt lạnh chỉ mới bắt đầu?

Rất đáng tiếc là tới thời điểm này, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hiệp quốc (FAO) mới chỉ công bố số liệu thống kê diện tích và sản lượng hồ tiêu thế giới đến năm 2014, còn Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) chỉ đưa ra số liệu thống kê về thương mại năm 2015 và một phần năm 2016.

Tuy nhiên, gần như đã có đủ cơ sở để khẳng định rằng, năm 2015 đã là đỉnh điểm của cơn sốt nóng giá hồ tiêu thế giới, còn năm 2016 đã bắt đầu tụt dốc và đà này sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm tới. Sở dĩ như vậy là bởi những lẽ chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, nếu như sản lượng hồ tiêu thế giới năm 2006 đạt kỷ lục 467.000 tấn thì những năm tiếp theo hầu như liên tục giảm và chạm đáy vào năm 2012 với 416.000 tấn, còn hai năm tiếp theo tuy liên tục tăng khá, nhưng cũng chỉ đạt 462.000 tấn.

Với lợi thế cạnh tranh đáng nể, đồng thời được sự yểm trợ mạnh mẽ của giá xuất khẩu thấp, Việt Nam có thể khiến các đối thủ cạnh tranh yếu thế càng yếu hơn. Khó khăn mà cây “gia vị vua” này của nước ta phải đối mặt chắc chắn sẽ còn rất lớn, nhưng cơ hội để tự khẳng định mình cũng rất rõ ràng.

Trong điều kiện nguồn cung bị thắt chặt như vậy, giá hồ tiêu thế giới hầu như liên tục tăng, trong đó có một số năm tăng rất mạnh là điều dễ hiểu.

Thứ hai, trong điều kiện nguồn cung vẫn còn hạn hẹp như vậy, việc Việt Nam tuy đạt sản lượng kỷ lục vào năm 2015 (với 177.000 tấn) nhưng lại giảm rất mạnh xuất khẩu (giảm 24.000 tấn) là nguyên nhân rất quan trọng khiến thị trường hồ tiêu thế giới khan hàng và sốt giá lên tới đỉnh điểm.

Nếu như toàn bộ lượng hồ tiêu Việt Nam sản xuất trong năm 2015 được đẩy ra thị trường thế giới như những năm trước đó, thì tổng xuất khẩu của thế giới năm 2015 sẽ không dừng lại ở mức 406.000 tấn - mức tương tự như năm 2014 - mà sẽ là ba năm liên tiếp tăng, cho nên giá không thể đạt kỷ lục mọi thời đại hơn 8.700 đô la Mỹ/tấn (xem biểu đồ).

Thứ ba, trong điều kiện diện tích và sản lượng của 35 quốc gia sản xuất hồ tiêu khác đã ổn định trong hai năm 2013-2014 như đã nói ở trên, chỉ riêng Việt Nam tăng “khủng” cũng đủ làm cho thị trường thế giới bão hòa, mà việc giảm giá năm 2016 cũng như những tháng đầu năm nay chỉ là bước khởi đầu.

Các số liệu thống kê chưa đầy đủ của ITC năm 2016 cho thấy, giá hồ tiêu xuất khẩu bình quân của các quốc gia có số liệu thống kê đã giảm khá mạnh, xuống chỉ còn gần 8.000 đô la Mỹ/tấn, còn giá xuất khẩu ước tính ba tháng đầu năm nay của nước ta giảm mạnh xuống chỉ còn 6.435 đô la Mỹ/tấn.

Trong khi đó, với việc “tăng siêu tốc” hơn gấp đôi diện tích chỉ trong bốn năm gần đây, nếu không có gì đột biến, sản lượng hồ tiêu của nước ta năm nay sẽ vượt ngưỡng 220.000 tấn.

Nếu giả định rằng, tổng sản lượng của 35 quốc gia sản xuất hồ tiêu khác vẫn chỉ “giậm chân tại chỗ” ở mức 310.000 tấn như từ năm 2013, tức là mục tiêu chiến lược tăng năng suất hiện nay của Ấn Độ không thành công, cũng như nỗ lực gia tăng diện tích và sản lượng của một số quốc gia khác như Brazil, Malaysia... cũng không đóng góp được gì thì tổng sản lượng hồ tiêu của thế giới vào cuối thập kỷ này sẽ chạm ngưỡng 600.000 tấn. Điều này có nghĩa là, sản lượng hồ tiêu thế giới từ năm 2012 đến cuối thập kỷ này sẽ tăng khoảng 6%/năm, thấp hơn không nhiều so với giai đoạn sản lượng tăng “sốc”, còn giá thì giảm “siêu tốc” từ 4.660 đô la Mỹ/tấn năm 1998 xuống mức đáy 1.729 đô la Mỹ/tấn vào năm 2004.

Nói cách khác, do được kích thích rất mạnh bởi giá liên tục tăng vì nguồn cung ngày càng hạn chế trong gần 10 năm qua, sản lượng hồ tiêu thế giới đã có dấu hiệu tăng từ năm 2013 và chắc chắn sẽ còn tăng mạnh hơn trong những năm tới, còn giá thì đã bắt đầu giảm từ năm 2016 và chắc chắn sẽ còn giảm mạnh trong nhiều năm tới, ít nhất có lẽ là đến năm 2020. Đó là quy luật không thể cưỡng lại được của thị trường thế giới mà lần này chúng ta đóng vai trò chủ lực.

Vẽ lại bản đồ hồ tiêu thế giới?

Với năng suất cao gấp khoảng 2,5 lần so với năng suất bình quân của thế giới và diện tích hơn một phân tư diện tích hồ tiêu của thế giới, nếu Việt Nam giảm mạnh diện tích hoàn toàn có thể làm thay đổi rất nhanh tình trạng bão hòa của thị trường hồ tiêu thế giới như đã nói ở trên.

Tuy nhiên, có thể dựa vào những căn cứ chủ yếu sau đây để kịch bản này không xảy ra:

Thứ nhất, với lợi thế cạnh tranh đáng nể của mình, đồng thời lại được sự yểm trợ mạnh mẽ của giá xuất khẩu thấp, Việt Nam có thể khiến các đối thủ cạnh tranh yếu thế càng yếu hơn.

Trong 36 quốc gia trồng hồ tiêu năm 2014 thì có tới 22 quốc gia chiếm 70% diện tích hồ tiêu của thế giới chỉ có năng suất dưới 1 tấn/héc ta. Trong đó, hai “người khổng lồ” số 1 và số 2 là Indonesia và Ấn Độ, với 163.000 héc ta và 124.000 héc ta (chiếm gần 60%), nhưng năng suất lại chỉ đạt hơn 5 tạ/héc ta và hơn 4 tạ/héc ta. Xu hướng giá tiếp tục giảm mạnh trong những năm tới sẽ tạo ra sức ép lớn hơn rất nhiều khiến nhiều vùng có năng suất thấp hơn nữa ở những nước này phải xóa sổ hồ tiêu.

Trong khi đó, với việc giá hồ tiêu trong nước đã giảm hơn một nửa so với mức đỉnh trong tháng 3 vừa qua, với năng suất vượt trội, theo đánh giá của một số nông dân trồng hồ tiêu nước ta, cây trồng này vẫn mang lại lợi nhuận mà cây cà phê hay cao su không thể sánh kịp.

Thứ hai, trong điều kiện như vậy, những người nông dân trồng hồ tiêu nước ta có thể tự bảo vệ mình bằng hai cách. Trước hết, thay vì “ép” hồ tiêu cho năng suất và sản lượng tối đa như trong những năm vừa qua, sắp tới là những giải pháp ngược lại. Bên cạnh đó, với tiềm lực kinh tế sẵn có, găm hàng chờ giá, chọn thời điểm thuận lợi để xả hàng như lâu nay, cũng là giải pháp hữu ích.

Thứ ba, trong điều kiện khó khăn, các giải pháp tổng hợp như tăng cường liên kết để sản xuất hồ tiêu sạch, chuyển sang những mặt hàng mới, tăng cường công nghiệp chế biến... chắc chắn cũng giúp cho cây hồ tiêu nước ta trụ vững trong thời đoạn khó khăn. 



Theo kinhtesaigon
Báo cáo phân tích thị trường