Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường bán lẻ sẽ khởi sắc?
25 | 11 | 2009
Thị trường bán lẻ nước ta đang có xu hướng "nóng" trở lại với việc người tiêu dùng (NTD) đã phần nào "giải tỏa" tâm lý "thắt lưng, buộc bụng" trong suốt thời kỳ khủng hoảng vừa qua. Bên cạnh đó, triển vọng về gói kích cầu thứ hai được xem là "liều thuốc" tăng hưng phấn cho nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng. Đây là những yếu tố đáng khích lệ báo hiệu sự khởi sắc của thị trường bán lẻ trong thời gian tới.

Từ đầu năm đến nay, Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam đã thực hiện hai cuộc khảo sát về niềm tin của NTD toàn cầu và kết quả cho thấy, NTD đã cân nhắc hơn khi lựa chọn sản phẩm, họ hướng tới những sản phẩm được khuyến mãi, rẻ tiền hơn và NTD trong nước cũng trong xu thế đó. Trong đó NTD quan tâm nhiều hơn đến những sản phẩm có lợi cho sức khỏe, sản phẩm chăm sóc gia đình. Điều đó thể hiện rõ qua trào lưu hàng tiêu dùng nhanh ở Việt Nam. Nếu năm 2007, ngành hàng đồ uống không cồn, nước ngọt có ga dẫn đầu thị trường đồ uống, đến năm 2009 trà uống liền vươn lên đứng đầu. Vì vậy, các nhà sản xuất đang nỗ lực đưa ra những sản phẩm mới có những hoạt chất, thành phần tốt cho sức khỏe nhằm giành được sự ủng hộ tích cực của NTD. Đó sẽ là yếu tố quyết định đến chiến lược của các nhà sản xuất trong tương lai và người được hưởng lợi sẽ là NTD. Đặc biệt, ở thị trường trong nước hiện nay, liên tục đưa ra những chương trình khuyến mại để thu hút NTD, tuy nhiên họ phải cân nhắc, vì không phải chương trình khuyến mại nào cũng phù hợp. Chẳng hạn, trong khi NTD ở TP Hồ Chí Minh rất thích các hình thức khuyến mại như tặng kèm hàng, tăng trọng lượng sản phẩm, thì NTD Hà Nội chỉ thích hình thức giảm giá. Do đó, các nhà sản xuất cần nắm rõ tâm lý của NTD để tạo ra những chương trình khuyến mại cho phù hợp. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cần phải phân khúc thị trường: phát triển thị trường cao cấp nhằm phục vụ nhu cầu của một bộ phận NTD có thu nhập cao và các DN cũng cần chú trọng thị trường bình dân, nhất là khu vực nông thôn vốn có sức mua rất lớn.

Được biết, kênh bán lẻ hiện đại hiện mới chỉ chiếm 18-20% trong tổng cơ cấu của thị trường bán lẻ ở nước ta. So với mức 34% tại Thái Lan, 60% tại Ma-lai-xi-a và 90% tại Xin-ga-po, thị trường Việt Nam vẫn còn rất nhiều khoảng trống cho các nhà đầu tư. Theo những nghiên cứu về thị hiếu mua sắm của NTD do Công ty Nielsen thực hiện nhiều năm qua cho thấy, tần suất mua sắm tại các cửa hàng, siêu thị ngày càng tăng. Tuy nhiên, chợ truyền thống vẫn có tần suất mua bán cao, do đây là nơi tập trung nhiều sản phẩm tươi sống. Trong khi chi tiêu của NTD cho mặt hàng tươi sống chiếm  62% tổng chi tiêu của người dân. Do đó, để thu hút được NTD, các siêu thị, cửa hàng tiện ích cần đầu tư nhiều hơn cho góc thực phẩm tươi sống.

Hiện nay, hầu hết các nhà sản xuất, nhà bán lẻ đều đánh giá thị trường trong nước bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc. Trong tương lai gần, sức mua của người dân sẽ phục hồi, vì vậy các nhà sản xuất sẽ tập trung đầu tư tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, giá hợp lý để thu hút NTD. Theo điều tra của Công ty Nielsen, hơn 70% các nhà sản xuất tại Việt Nam đều cho biết, họ dự đoán tăng trưởng kinh doanh sẽ đạt hai con số (tương đương 10%). Với kỳ vọng lạc quan như vậy chúng ta hy vọng tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tăng 20-25% trong thời gian tới.



Theo www.hanoimoi.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường