Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Méo mặt” vì giống rởm
24 | 11 | 2009
Sự hạn chế trong nghiên cứu giống cây trồng dẫn đến khả năng cạnh tranh về phẩm chất nông sản của một số giống cây ăn quả (CĂQ) còn kém. Bên cạnh đó, các giống CĂQ truyền thống như quýt, nhãn, xoài... lại lâm vào tình trạng chất lượng và năng suất đang tụt hậu so với các nước trong khu vực.

Ngay tại các vựa hoa quả lớn của cả nước, nông dân vẫn sử dụng trái cây ngoại như chuyện hằng ngày. Trong khi cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đang được phát động, nhiều người ngao ngán, muốn ăn trái cây Việt bây giờ khó quá, ra chợ, vào siêu thị đâu đâu cũng thấy xoài Thái, mít Thái, nhãn Thái, táo Tầu, nho Mỹ...

 

> BÀI 1: Giống lúa kém, xuất khẩu gạo thua thiệt

 

Chất lượng cây ăn quả Việt Nam yếu

 

Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, bài toán cho chất lượng CĂQ cần phải được khởi đầu từ công tác giống nhằm bảo đảm ổn định gen di truyền, cây chống chịu sâu bệnh tốt, cho năng suất, chất lượng cao và từng bước xây dựng được thương hiệu sản phẩm. Thực tiễn đang đặt ra những đòi hỏi nóng hổi cho ngành nông nghiệp Việt Nam là làm thế nào để có một bộ giống CĂQ

chất lượng?

 

Theo tổng hợp chung của ngành nông nghiệp, trồng CĂQ sẽ mang lại hiệu quả gấp từ 2 đến 6 lần so với trồng lúa. Đối với những nhà vườn biết áp dụng tiến bộ KHKT có thể đạt doanh thu cao hơn, thậm chí gấp 10 lần so với trồng lúa. Tuy nhiên cái yếu và thiếu nhất của các nhà vườn trong cả nước chính là khâu giống. Trồng cây gì cho hiệu quả, năng suất, chất lượng cao nhất, phù hợp với điều kiện, đất đai, thổ nhưỡng là một việc không dễ đối với nông dân. Ngay nhiều nhà vườn "có máu mặt" cũng đã không ít lần phải trả giá vì mua phải các giống chưa bảo đảm chất lượng. Ngay giữa Thủ đô Hà Nội, với rất nhiều trung tâm, viện nghiên cứu… nhiều nông dân vẫn phải "ăn quả đắng" vì mua phải giống rởm.

 

Một cuộc kiểm tra mới đây của ngành nông nghiệp Hà Nội cho thấy, trên địa bàn Thủ đô đang thiếu trầm trọng những "địa chỉ đỏ" cung cấp giống đủ tiêu chuẩn phục vụ sản xuất. Hiện Hà Nội có hơn 14.000ha CĂQ, chiếm gần 10% diện tích đất nông nghiệp. Trong năm 2009, Sở NN&PTNT Hà Nội đã kiểm tra thực trạng phát triển CĂQ trên địa bàn các huyện có diện tích CĂQ lớn như Hoài Đức, Từ Liêm, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Đan Phượng… Kết quả cho thấy, giống CĂQ đang bị thả nổi, mạnh ai nấy làm. Hầu hết các chủ trang trại đều cho biết giống CĂQ họ trồng là mua tự do, không có ai định hướng nên mua giống ở đâu bảo đảm chất lượng. Số người trồng vườn biết các chỉ số kỹ thuật cây giống trên địa bàn TP chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hậu quả là nhiều chủ vườn mua phải giống cây rởm, "tiền mất tật mang".

 

Ngày 9-1-2007, ông Nguyễn Văn H. thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) lên một hộ gia đình ở xã Phú Cát mua giống bưởi Diễn. Được chủ vườn giới thiệu là giống bưởi Diễn chính hiệu, ông H. mua thử 30 cây bưởi Diễn chiết cành với giá 30.000 đồng/cây về trồng. Sau thời gian chăm sóc theo đúng hướng dẫn, cây phát triển tốt nhưng mãi không thấy ra hoa. Sau 3 năm kiên trì chờ đợi, ông H. mới biết mình mua phải giống kém chất lượng nên đã phá bỏ. Ông H. còn cay đắng cho biết thêm: Năm 2005, tham dự hội chợ giống cây trồng huyện Quốc Oai, tin tưởng ông đã mua 2 cây nhót ngọt, 2 cây xoài ngọt và 2 cây bưởi Diễn nhưng sau 4 năm, nhót ngọt, xoài ngọt thành chua, bưởi Diễn thì không ra quả. Khi đã mua phải giống kém chất lượng thì bên cạnh việc thiệt hại về tiền bạc, công chăm sóc, chỉ tính riêng về thời gian, người làm vườn cũng phải trả giá ít nhất là 3 - 5 năm đầu tư.

 

Muốn nâng chất lượng phải kiểm soát

 

Hiện nay, nhu cầu về giống CĂQ của người dân rất lớn nhưng trên địa bàn Hà Nội mới chỉ có 2 cơ sở cung cấp giống được chứng nhận, số lượng giống cây đầu dòng qua bình tuyển ít ỏi, vỏn vẹn có 35 cây bưởi Diễn, 24 cây xoài và 46 cây nhãn muộn. Ông Đào Xuân Thường, Phó Phòng trồng trọt Sở NN&PTNT Hà Nội thừa nhận: Công tác quản lý giống CĂQ đang là một thách thức lớn đối với ngành. Hiện tại, ngành nông nghiệp mới chỉ quản lý được các trại giống CĂQ trực thuộc Sở, còn lại các trang trại, nhà vườn tự nhân giống thì chưa thể với tới được. Trên địa bàn Hà Nội chưa có cơ sở SX giống tư nhân nào được cơ quan có thẩm quyền công nhận đủ điều kiện SX giống CĂQ và thực tế cũng chưa có chủ vườn nào xin ý kiến cơ quan chức năng - Ông Thường cho biết thêm.

 

Để đạt tiêu chuẩn nhân giống, cây trồng phải qua bình tuyển, xét chọn bằng những tiêu chí riêng. Trên cơ sở đó lựa chọn những vườn cây chủ yếu là các giống cây trồng chất lượng cao duy trì làm vườn cây đầu dòng để nhân giống. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở SX giống CĂQ đều thiếu hẳn vườn cây đầu dòng hoặc không có vườn cung cấp mắt ghép được nhân từ cây đầu dòng, do đó độ đúng giống của một lô giống được xuất vườn chất lượng không cao.

 

Nguồn cung cấp giống CĂQ phải được kiểm soát thông qua bình tuyển, nếu không quản lý chặt, người dân sẽ không phân biệt được chất lượng giống dẫn đến những thiệt hại lớn về kinh tế. Để làm được điều này, các địa phương cần phải rà soát lại diện tích CĂQ trên địa bàn, tập trung kiểm tra các địa chỉ đã và đang kinh doanh giống CĂQ; đồng thời các sở NN&PTNT phải thường xuyên tổ chức bình tuyển các cây đạt yêu cầu để đưa vào khai thác giống.



Theo HNM
Báo cáo phân tích thị trường