Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cây ăn quả ở Hà Nội: Tiềm năng để ngỏ
29 | 04 | 2010
Thủ đô Hà Nội được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều sông lớn chảy qua, tạo nên các vùng đất bãi trù phú, màu mỡ. Đây là điều kiện thuận lợi, vừa tạo lá phổi xanh cho Thủ đô, vừa là nơi phát triển nông nghiệp chất lượng cao gắn với du lịch sinh thái. Nhưng để trái ngọt Hà thành nức tiếng gần xa, còn nhiều việc phải làm một cách nghiêm túc.

Cây bản địa chiếm ưu thế

Mặc dù trái cây ngoại tràn ngập các sạp hàng, siêu thị... nhưng ở các trang trại nhà vườn Hà Nội, phần lớn người làm vườn trồng cây bản địa như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn... không chỉ do dễ trồng, dễ mua cây đúng giống, mà sản phẩm cũng dễ bán. Nhiều năm nay, Hà Nội đã trăn trở tìm cách xây dựng được một bộ giống cây ăn quả (CĂQ) ưu việt cho nông dân Thủ đô, nhất là ở các vùng đất bãi ven sông. Thế nhưng sau nhiều năm mày mò, thử nghiệm và cả trả giá, đến nay việc khẳng định bộ giống CĂQ nào tốt nhất cho thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác... của nông dân Thủ đô vẫn là một câu hỏi lớn.

Hà Nội có nhiều loại quả đặc sản như nhãn chín muộn, cam Canh, bưởi Diễn... đã nổi tiếng từ Bắc chí Nam. Đây là những giống ăn quả ngon, chất lượng cao nhưng năng suất không ổn định. Đã 3 năm qua, trên 70% số diện tích cam Canh của thành phố bị thất thu. Điều này có phần do thiên tai, phần do người dân thiếu kiến thức kỹ thuật, thêm nữa nguồn gốc giống chưa bảo đảm. Không chỉ cây cam mà cả nhãn, bưởi, hồng cũng rơi vào cảnh tương tự, năm được mùa lại mất giá, không có thị trường, năm mất mùa, sâu bệnh, cây già cỗi, thoái hóa nhanh.

Chủng loại giống CĂQ bản địa của Hà Nội đang chiếm ưu thế về số lượng cũng như chất lượng đặc trưng, chiếm tới 80-90% diện tích CĂQ. Theo ông Cao Văn Tuyến, Phòng NN&PTNT huyện Hoài Đức, huyện đang đầu tư hàng tỷ đồng để khôi phục các giống cây đặc sản trên địa bàn có nguy cơ mai một như bưởi đường Đông La, Cát Quế... Nếu đầu tư đúng mức thì có thể tuyển chọn được nhiều cây đầu dòng. Vấn đề cấp thiết là xây dựng hệ thống nhân giống đủ để cung cấp cho nông dân, loại trừ giống cây "rởm" trôi nổi trên thị trường.

Được biết, ngoài tiếp tục mở rộng các loại cây đặc sản, thời gian qua, Hà Nội đã xây dựng mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên đất đồi gò khô cằn thuộc xã Kim Quan, huyện Thạch Thất. Mô hình gần 10ha này đã khẳng định cây thanh long hoàn toàn có thể sinh trưởng và phát triển được trên đất Thủ đô. Đáng nói là những diện tích đất đồi gò, bãi ven sông, diện tích cao hạn... được chuyển đổi trồng CĂQ cho giá trị thu nhập cao từ 3-6 lần/ha/năm so với trồng lúa, trồng ngô, đậu, lạc.

Tìm nguồn giống mới

Hiện toàn thành phố có 14.000ha CĂQ. Thời gian qua, công tác nghiên cứu về giống CĂQ ở Hà Nội chủ yếu tập trung vào việc đánh giá nguồn giống bản địa, bình tuyển các giống CĂQ đặc sản ở tất cả các huyện, chọn lọc các dòng ưu việt. Tuy nhiên, công tác tạo chọn giống mới trong cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng rất ít được chú ý, vì vậy đến nay hầu như chưa có giống CĂQ mới nào được tạo chọn và đưa vào sản xuất, trong khi nhu cầu về giống tốt rất lớn, mặt khác trên thị trường số lượng và chủng loại trái cây nhập khẩu có xu hướng ngày càng tăng.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Xuân Việt, trước hết cần quy hoạch vùng sản xuất tập trung trên cơ sở các vùng nông nghiệp ổn định, đặc biệt là các vùng đất bãi nhằm tăng nhanh khối lượng sản phẩm hàng hóa, từng bước sản xuất theo đơn đặt hàng của thị trường. Hiện nay, thành phố đã lập dự án để tập trung đầu tư phát triển các loại CĂQ có giá trị, đồng thời từng bước đưa các loại CĂQ có thời gian thu hoạch kéo dài trong năm như thanh long ruột đỏ, phấn đấu ổn định quy mô vườn theo hướng bền vững đạt giá trị kinh tế cao. Đồng thời, nâng cao trình độ KHKT cho người trồng cây để đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo sản phẩm có giá trị cao.



Theo Hànộimới
Báo cáo phân tích thị trường