Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá thịt tăng cao, vẫn không thể mở rộng chăn nuôi
09 | 08 | 2011
Giá thịt liên tục tăng. Nghịch lý là nhiều chủ trang trại bên cạnh nỗi lo rủi ro dịch bệnh, việc lãi suất quá cao và khó vay đã khiến họ không thể mở rộng đầu tư.

Ông Lê Quang Thành, chủ tịch hội đồng quản trị công ty thức ăn chăn nuôi Thái Dương đang méo mặt vì lãi suất ngân hàng. Công ty của ông Thành hiện có bốn trang trại nuôi heo quy mô lớn nhất miền Bắc. Trang trại lớn nhất hiện có 3.000 con heo nái còn ba trang trại còn lại có từ 1.000 – 2.000 con heo thịt. Kể từ đầu năm tới nay, lãi suất liên tục tăng khiến cho khoản vay ngân hàng của ông Thành cũng phải tăng tiền lãi.

“Tôi nói thật là dù giá thịt tăng nhưng tôi đang phải làm không công cho ngân hàng”, ông Thành nói. Hiện tại, dù thấy giá thịt tăng nhưng ông Thành vẫn phải thu hẹp lại đàn nuôi vì không có vốn. Cho dù thức ăn chăn nuôi tự sản xuất được nhưng tính toán kinh tế, với lãi suất tăng cao và không tiếp cận được vốn vay, ông Thành quyết định thu hẹp lại một chút để qua giai đoạn khó khăn này.

Chị Nguyễn Thị Thuỷ ở huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình cũng là chủ một trang trại với quy mô nhỏ hơn, khoảng vài chục con heo và 300 con gà. Thấy giá thịt thời gian qua tăng nhanh, chị Thuỷ đã tìm nhiều cách để tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng nhưng lãi suất quá cao với mức gần 2%/tháng khiến chị Thuỷ e ngại. “Vay lãi suất cao, nuôi đến khi bán giá nó lại hạ thì lấy công làm lãi cũng chẳng được”, chị Thuỷ nói. Chỉ cần có dịch bệnh thì coi như lỗ nặng không biết trông chờ vào đâu để trả nợ ngân hàng. Cuối cùng, chị Thuỷ và gia đình quyết định có ít tiền tích luỹ thì bỏ ra mua giống, thức ăn… nuôi với quy mô nhỏ.

Giá các loại thịt tăng như thời gian qua khiến nhiều chủ trang trại muốn mở rộng đàn nuôi nhưng lại gặp khó khăn về vốn. Không phát triển thêm đàn mới hoặc thu hẹp lại chăn nuôi sẽ khiến cho nguồn cung thịt tiếp tục khan hiếm và khó có chuyện giá thịt giảm trong bối cảnh này. Tại cuộc họp mới đây được tổ chức về bình ổn giá thực phẩm, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thừa nhận, một trong các nguyên nhân khiến nhiều chủ trang trại bỏ đàn, thu hẹp quy mô chăn nuôi là do tiếp cận vốn khó, lãi suất quá cao, số lượng vay hạn chế. Theo cục Chăn nuôi, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, với lãi suất từ 22 – 25%/năm, các chủ trang trại không dám vay để nuôi trở lại hoặc mở rộng đàn nuôi.

Cục Chăn nuôi đã kiến nghị có chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất cho chăn nuôi. Ông Nguyễn Trí Ngọc, cục trưởng cục Chăn nuôi cho rằng trước mắt cần khoanh nợ, giãn nợ cho các chủ trang trại, người dân chăn nuôi gặp rủi ro thời gian qua để họ được tiếp tục vay vốn, và hỗ trợ 50% lãi suất cho người chăn nuôi vay để tái đàn hoặc mở rộng đàn nuôi.

Về lâu dài, ông Ngọc kiến nghị cần cho phép các trang trại, hợp tác xã chăn nuôi và các mô hình chế biến sản phẩm chăn nuôi được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư. Hiện nghị định 61/2010 ngày 4.6.2010 đưa ra các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nhưng các trang trại lại không thuộc đối tượng điều chỉnh của nghị định này.

Theo SGTT



Báo cáo phân tích thị trường