* Các hội nghề nghiệp cần thể hiện vai trò và trách nhiệm
Vài năm trở lại đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX-KD) phân bón giả, kém chất lượng có xu hướng gia tăng. Theo ông, bất cập lớn nhất hiện nay trong việc quản lý SX-KD phân bón là gì?
Cần khẳng định, không phải chỉ riêng phân bón mà hầu hết các mặt hàng vật tư nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi đều tồn tại nhiều bất cập ở khâu quản lý. Có những bất cập thuộc về phía Nhà nước, chính quyền địa phương (văn bản luật, chỉ đạo thanh - kiểm tra), có những bất cập thuộc về doanh nghiệp (đạo đức kinh doanh, trình độ công nghệ), có những bất cập thuộc về các tổ chức đoàn thể (đùn đẩy trách nhiệm), cũng có những bất cập thuộc về chính nông dân (thiếu am hiểu về luật, thiếu vốn đầu tư phải mua chịu từ đại lý)...
Đơn cử như bất cập về văn bản pháp lý, có thể thấy, những doanh nghiệp bị phát hiện làm giả phân bón rất ít nhưng DN sản xuất phân bón kém chất lượng lại rất nhiều. Tại sao lại như thế? Đơn giản vì trong các văn bản luật của chúng ta chưa quy định rõ ràng thế nào là giả, thế nào là kém chất lượng. Sản phẩm sai số 10% là kém chất lượng nhưng sai số tới hơn 30% mà vẫn coi là kém chất lượng thì không thể chấp nhận được.
Nghị định 15/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức phạt hành chính lên tới 150 triệu đồng đối với những cơ sở SX-KD phân bón vi phạm. Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai, số lượng các DN SX-KD phân bón rởm vẫn không giảm. Ông có nhận xét gì về thực tế này?
Có thể nói, việc ban hành Nghị định 15/2010/NĐ- CP thể hiện quyết tâm cao của Nhà nước đối với việc quản lý hoạt động SX- KD phân bón. Tuy nhiên, để những nội dung, quy định trong văn bản này được thực thi một cách nghiêm túc và hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan, ban ngành. Hiện nay nếu chỉ dựa vào phạt nặng thôi thì chưa thể hạn chế được tình trạng SX- KD phân bón kém chất lượng vì lợi nhuận từ việc làm này rất lớn. Nếu một DN làm hàng giả, hàng kém chất lượng mỗi năm thu về cả chục tỷ đồng thì việc bị phạt vài ba lần, mỗi lần vài chục đến 100 triệu đồng chẳng bõ bèn gì. Bởi thế, theo tôi, nguyên tắc đầu tiên là phải khách quan. Việc quản lý SX-KD phân bón nên bắt đầu từ phía cơ sở sản xuất chứ không nên quản lý theo danh mục được cấp phép như hiện nay. Quản lý từ cơ sở sản xuất nghĩa là chỉ cấp phép SX-KD cho những DN, những cơ sở nào đạt tiêu chuẩn, đủ điều kiện để làm tốt sản phẩm. Các đại lý kinh doanh cũng cần có những tiêu chuẩn riêng chứ không thể bán phân bón như bán xà bông, bột ngọt.
Ngoài ra, tôi nghĩ việc công bố trên các phương tiện truyền thông cũng cần phải được chú ý. Hiện nay có một thực tế là các DN bị phát hiện ít bị công bố lên báo chí và các website tin cậy. Bà con nông dân gần như không biết thật giả thế nào. Nếu có những quy định bắt buộc phải nêu tên DN làm ăn phạm pháp, tái phạm nhiều lần lên các phương tiện thông tin đại chúng thì chắc chắn các DN làm ăn không đàng hoàng cũng sẽ giảm đi phần nào.
Từ trước đến nay sự thiệt thòi đều thuộc về phía nông dân khi mua phải phân bón rởm. Theo ông, các tổ chức sát cánh cùng với họ như Hội Nông dân, Hội Làm vườn, các hiệp hội ngành nghề có vai trò như thế nào trong trường hợp này?
Đầu tiên phải xét đến nông dân. Do thiếu vốn, thiếu kiến thức nên hầu hết người dân làm ăn theo kinh nghiệm, mua bán cũng dựa vào sự quen biết chứ ít ai để ý tới việc làm hợp đồng, xuất hoá đơn này nọ. Thực tế ít có nông dân nào giữ lại khoảng 1kg phân mẫu và bao bì để sau này nhỡ có xảy ra chuyện gì thì làm đối chứng để kiện tụng. Đó là cái khó do thói quen làm ăn nhỏ lẻ.
Thực tế, hiện nay các tổ chức đoàn thể gần gũi với người nông dân nhưng chưa bám sát quyền lợi của họ. Theo tôi, các tổ chức như Hội Nông dân, Hội Làm vườn, hay các hiệp hội ngành nghề ở các địa phương cần thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm đứng về phía người dân, hướng dẫn họ đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình. Khi người dân có chuyện, cán bộ Hội phải là người đầu tiên tìm đến và Hội phải đứng ra với tư cách tập thể để giúp người dân lấy lại công bằng, giảm bớt thiệt hại.
Xin cảm ơn ông !
Theo KTNT