Tìm hiểu về nội dung và cơ chế hoạt động của các mô hình đã qua chuyển đổi, chúng tôi lên tỉnh miền núi Tuyên Quang được biết: Trước khi chuyển đổi, tỉnh này có chín đơn vị NLTQD gồm sáu LT và ba công ty chè trực thuộc tỉnh quản lý.
Ðến nay, có năm LT (Chiêm Hóa, Tuyên Bình, Nguyễn Văn Trỗi, Yên Sơn, Sơn Dương) chuyển thành Cty LN, còn lại LT Na Hang chuyển thành BQLR Na Hang. Tuyên Quang giữ nguyên ba công ty chè gồm Công ty chè Tân Trào, Công ty chè Mỹ Lâm và Công ty chè Sông Lô để tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Cả ba công ty chè đang khẩn trương xây dựng Ðề án cổ phần hóa cơ sở công nghiệp chế biến chè và cơ sở hoạt động dịch vụ thương mại để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Từ cách làm của Tuyên Quang, kết hợp thực tế ở nhiều địa phương khác cho thấy: Chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của các mô hình doanh nghiệp sau chuyển đổi rất khác nhau. Nếu trước đây, các NLTQD hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thì nay, các Cty NN, Cty LN và các NLTQD được giữ lại làm nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh là chính sẽ hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, những LT chuyển thành BQLR hoạt động công ích là chính được thực hiện theo cơ chế của đơn vị sự nghiệp có thu, theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Ðối với các NLTQD hoặc các Cty NN, Cty LN được Nhà nước giao vừa làm nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, vừa đảm nhận một phần chức năng xã hội, an ninh, quốc phòng tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng có điều kiện về kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, v.v. được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư do Thủ tướng Chính phủ quy định. Các NLT được giữ lại và các Cty NN, Cty LN... được tự chủ lựa chọn các hình thức khoán đất nông, lâm nghiệp, rừng cho các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư, gia đình và cá nhân theo quy định Nghị định số 135/2005/NÐ-CP của Chính phủ về khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các NLTQD.
Sau sắp xếp, các NLTQD và các Cty NN, Cty LN, các BQLR đã hoàn thành việc rà soát lực lượng lao động và xây dựng phương án tổ chức, quản lý, sử dụng lao động theo yêu cầu phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình. Ðơn vị nào cũng xác định rõ số lao động cần giữ lại, cần tuyển dụng thêm, số lao động cần phải đào tạo lại về kiến thức quản lý kinh tế, kỹ thuật, đào tạo nâng cao tay nghề, bậc thợ; xác định số lao động dôi dư, không bố trí được việc làm, được hưởng chế độ theo nội dung Nghị định số 41/2002/NÐ-CP và Nghị định số 155/2004/NÐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước.
Việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của từng loại doanh nghiệp trên lĩnh vực cụ thể và việc xác định rõ nguồn nhân lực, có chính sách thỏa đáng với từng đối tượng lao động của từng đơn vị, v.v. là một trong các yếu tố góp phần tạo thế và lực mới thúc đẩy các đơn vị phát huy tính chủ động để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Phải chăng đó là kết quả bước đầu, rõ nét nhất của quá trình thực hiện SX, ÐM, PT NLTQD trong thời gian vừa qua?
Một số khuyết điểm cần sớm khắc phục
Sau gần ba năm thực hiện SX, ÐM, PT NLTQD, tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng trong thực tế còn một số vướng mắc, tồn tại, bất cập, làm cho tiến độ thực hiện Ðề án sau khi được phê duyệt vừa chậm, vừa chưa đáp ứng yêu cầu.
Nổi cộm nhất là những yếu kém trong quản lý, sử dụng đất đai. Thứ đến là vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh của các NLTQD cũng không kém phần bức xúc.
Qua thực tế ở các tỉnh Tuyên Quang, Nghệ An, Gia Lai và Ðác Lắc, chúng tôi thấy một nghịch lý tồn tại quá lâu là: Quy mô về diện tích đất nông, lâm nghiệp, rừng giao cho mỗi đơn vị NLTQD quản lý, sử dụng khá lớn; trong khi đó, quy mô vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh của từng NLT rất eo hẹp.
Tính đến nay, mức bình quân vốn Nhà nước cho mỗi NT hơn 7,2 tỷ đồng; mỗi LT hơn 5,4 tỷ đồng. Hầu hết các NLTQD thiếu vốn nên có tình trạng phổ biến là phải vay mượn hoặc chiếm dụng vốn của các thành phần kinh tế khác để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Ðơn vị nào cũng có khoản nợ phải trả rất lớn.
Chúng tôi được biết, tỉnh Tuyên Quang có 17 đơn vị doanh nghiệp nhà nước; trong đó có tới chín đơn vị là các LT và các công ty chè. Năm 2006, tổng giá trị tài sản của 17 đơn vị này khoảng hơn 507,6 tỷ đồng, nhưng giá trị tài sản của các doanh nghiệp chỉ có hơn 104,5 tỷ đồng, chiếm 20,59%; trong khi đó, nợ phải trả hơn 403 tỷ đồng, chiếm hơn 79,4% so với tổng số vốn hiện có.
Ở tỉnh này có một số đơn vị có tỷ lệ số nợ phải trả trên tổng số vốn sở hữu đã vượt 90% (Công ty chè Sông Lô 93,3%, Công ty chè Mỹ Lâm 97,9%). Phần lớn số vốn vay được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm thiết bị máy móc. Ðến nay, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, máy móc, thiết bị cũ và lạc hậu...
Một số đơn vị do sản xuất, kinh doanh chậm phát triển, thua lỗ kéo dài, nợ đọng lớn dẫn đến tình hình tài chính xấu, phải giải thể. Khi tiến hành SX, ÐM, PT, các đơn vị đều đã xác định vốn điều lệ nhưng nguồn ngân sách Nhà nước và địa phương có hạn, nên doanh nghiệp chưa hoặc không được bổ sung.
Việc xác định vốn của doanh nghiệp hiện nay mới chỉ căn cứ vào giá trị tài sản cố định là cơ sở hạ tầng, nhà kho, sân phơi, máy móc thiết bị và vốn lưu động. Trong khi đó tài sản lớn nhất của các NLTQD là vườn cây lâu năm, rừng trồng, v.v. vì chưa xác định được giá trị, nên chưa được tính vào vốn, không được tính vào giá trị doanh nghiệp. Vì vậy số vốn bình quân hiện nay mới chỉ có 5-7 tỷ đồng/đơn vị trong khi theo quy định của pháp luật, một doanh nghiệp mới thành lập phải có vốn điều lệ đủ 30 tỷ đồng. Do đó các doanh nghiệp chuyển đổi từ các NLTQD rất khó khăn trong việc đăng ký hoạt động kinh doanh với các cơ quan có thẩm quyền.
Mặt khác cũng vì chưa xác định được giá trị vườn cây lâu năm, giá trị rừng trồng nên các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc giao khoán giá trị vườn cây, rừng trồng theo quy định mới, cũng chính vì thế, nhiều đơn vị chưa thực hiện được việc cổ phần hóa cơ sở chế biến gắn với vườn cây, rừng trồng; các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc vay vốn khi có yêu cầu thế chấp tài sản.
Thực hiện SX, ÐM, PT NLTQD, các doanh nghiệp tiến hành bàn giao các công trình công cộng về địa phương quản lý nhưng gặp một số khó khăn. Một số nơi không nhận bàn giao, vì nhiều công trình không có đầy đủ hồ sơ chứng từ, có một số công trình hình thành từ nguồn vốn vay hoặc vốn tự có của doanh nghiệp, một số là tài sản tính vào giá trị doanh nghiệp, nhưng khi bàn giao lại không được địa phương thanh toán, làm cho vốn của doanh nghiệp đã ít ỏi, lại tiếp tục bị thâm hụt thêm.
Hầu hết các Cty LN đều vay vốn tín dụng đầu tư vào trồng rừng. Chu kỳ sản xuất rừng trồng với thời gian dài khoảng từ tám đến hơn 10 năm tùy loại rừng. Thế nhưng hiện nay, ngân hàng áp dụng thu tiền lãi vay vốn theo năm là không phù hợp với chu kỳ sản xuất cây lâm nghiệp. Ðiều này tồn tại quá lâu nhưng vẫn chưa được khắc phục. Một số đơn vị NLTQD do công tác quản lý hồ sơ của người lao động thiếu chặt chẽ, bị thất thoát, khi chuyển đổi nên lúng túng trong việc giải quyết chế độ chính sách cho số lao động dôi dư.
Ngoài những khó khăn tồn tại nêu trên, việc SX, ÐM, PT NLTQD chậm còn do thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo của các bộ, ngành, địa phương, các tổng công ty nhà nước. Một số văn bản hướng dẫn ban hành không theo kịp thời hạn quy định. Việc xây dựng, thẩm định, trình duyệt phương án SX, ÐM, PT NLTQD ở nhiều địa phương còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Nhiều đơn vị chưa triển khai được các nội dung và giải pháp SX, ÐM, PT NLTQD, v.v.
Kiến nghị các giải pháp
Ðể tháo gỡ những vướng mắc nêu trên và đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc SX, ÐM, PT NLTQD, chúng tôi kiến nghị các bộ, ngành hữu quan, các tổng công ty nhà nước và các địa phương có NLTQD thực hiện một số giải pháp sau:
- Tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị và các Nghị định của Chính phủ về SX, ÐM, PT NLTQD cũng như các văn bản thể chế hóa nội dung nghị quyết và các nghị định vừa nêu đến các cấp, các ngành, các đơn vị, nhất là đối với cán bộ, công nhân viên NLT để tạo sự thống nhất trong nhận thức và trong hành động. Mỗi cấp, mỗi ngành và địa phương rà soát, bổ sung chương trình hành động của cấp mình, đơn vị mình, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Ðề án SX, ÐM, PT NLTQD theo đúng lộ trình đã định.
- Củng cố và kiện toàn Ban chỉ đạo SX, ÐM, PT NLTQD từ trung ương đến địa phương. Mỗi thành viên của Ban chỉ đạo phải thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được phân công. Ban chỉ đạo phối hợp các ngành liên quan tập trung nghiên cứu đề xuất hoặc bổ sung cơ chế, chính sách, hình thành bộ khung pháp lý đồng bộ tương đối hoàn chỉnh để thực hiện SX, ÐM, PT NLTQD; đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền những biện pháp xử lý dứt điểm các vướng mắc, tồn tại trong khi thực hiện.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban chỉ đạo SX, ÐM, PT NLTQD và các địa phương làm rõ nội dung việc củng cố, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh đối với các NLT sau khi sắp xếp được tiếp tục giữ lại.
- Ban chỉ đạo SX, ÐM, PT NLTQD các cấp tham mưu giúp Chính phủ, UBND các tỉnh chỉ đạo các NLT, các Cty NN, Cty LN triển khai thí điểm cổ phần hóa vườn cây lâu năm, rừng sản xuất gắn với cơ sở chế biến, từ đó rút kinh nghiệm bổ sung cơ chế chính sách để tiếp tục mở rộng diện thí điểm cổ phần hóa.
- Các ngành, các địa phương sớm xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các Cty NN, Cty LN chuyển đổi sang mô hình Cty TNHH nhà nước một thành viên, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Trong khi chưa xác định được giá trị vườn cây, giá trị rừng trồng để giao vốn cho doanh nghiệp, các Cty TNHH nhà nước một thành viên được đăng ký kinh doanh theo mức vốn điều lệ bằng mức vốn tại thời điểm báo cáo tài chính gần nhất của doanh nghiệp, không nên đặt yêu cầu số vốn điều lệ phải có đủ từ 30 tỷ đồng trở lên.
- Ðề nghị Nhà nước có cơ chế phù hợp để các Cty NN, Cty LN, BQLR giảm bớt khó khăn về tài chính khi bàn giao các công trình công cộng về địa phương quản lý.
Khi chuyển đổi, các Cty NN, Cty LN hoặc Cty TNHH nhà nước một thành viên đã xác định được vốn điều lệ của mình, nhưng chưa được giải quyết. Do vậy, Nhà nước xem xét giải quyết nhu cầu vốn của các doanh nghiệp vì đây là việc cấp thiết để mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Kiến nghị với ngân hàng nên có cơ chế thu nợ lãi vay và vốn vay đối với các Cty LN làm nhiệm vụ trồng rừng. Không nên thu lãi vốn vay hằng tháng, nên thu vốn và lãi tiền vay phù hợp với chu kỳ sản xuất của cây rừng.
Các Cty LN được giao quản lý rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong giai đoạn thực hiện nhiệm vụ khoanh nuôi, bảo vệ, được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư như đối với rừng phòng hộ.
Khi được khai thác, nên cho Cty LN thực hiện phương án điều chế rừng do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ðơn vị được sử dụng kết quả tự khai thác, chế biến lâm sản để tái đầu tư phát triển rừng. Nhà nước không nên giao chỉ tiêu kế hoạch khai thác đối với rừng sản xuất.
Các địa phương không nên duy trì các BQLR phòng hộ có diện tích dưới 5.000 ha, trừ trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Và, các BQLR phòng hộ không quản lý rừng sản xuất, trừ trường hợp rừng sản xuất nằm đan xen với rừng phòng hộ, khó tách bạch và khó quản lý nếu chuyển giao cho địa phương hoặc cho Cty LN. Ngược lại các Cty LN có rừng phòng hộ tập trung, có thể tách bạch riêng thì chuyển giao rừng phòng hộ cho địa phương hoặc BQLR phòng hộ quản lý...
Ðể đánh giá toàn diện việc SX, ÐM, PT NLTQD các tổng công ty nhà nước, các địa phương có NLTQD sớm sơ kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và các Nghị định của Chính phủ về SX, ÐM, PT NLTQD; rút kinh nghiệm để có biện pháp kịp thời nhằm đẩy nhanh tiến độ và thực hiện có hiệu quả việc SX, ÐM, PT NLTQD theo đúng nội dung và kế hoạch đề ra.