Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tạo chuyển biến cơ bản trong tái cơ cấu nông, lâm trường quốc doanh
23 | 12 | 2011
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở khu vực nông thôn và nông, lâm trường quốc doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tiến trình đổi mới, sắp xếp DNNN giai đoạn 2011-2020. Hiện việc tái cơ cấu DNNN đang được tích cực triển khai theo hướng tập trung tiến hành sắp xếp gắn với đổi mới cơ chế quản lý tại các công ty nông, lâm nghiệp (nông, lâm trường).
Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp Trung ương, việc tái cơ cấu DNNN ở khu vực nông thôn và nông, lâm trường quốc doanh phải gắn với giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất.
Do đó, đối với việc sắp xếp các nông, lâm trường quốc doanh cần lưu ý, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện để thực hiện cổ phần hóa các công ty nông, lâm nghiệp trồng trừng sản xuất, cây công nghiệp dài ngày.
Duy trì loại hình doanh nghiệp kinh doanh kết hợp với thực hiện nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh.
Chuyển phương hướng nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh của các công ty nông nghiệp trồng cây hàng năm sang sản xuất giống, dịch vụ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và đại bộ phận đất đai sẽ chuyển sang chính quyền địa phương quản lý.
Duy trì Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được chuyển từ lâm trường quốc doanh quản lý diện tích rừng tự nhiên, đất quy hoạch trồng rừng là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; tiến hành thí điểm chuyển một số Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ở vùng sâu, vùng xa, vùng ít dân cư, biên giới sang cho quân đội để canh giữ, bảo vệ, chăm sóc rừng.
Công ty lâm nghiệp chủ yếu quản lý rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng sản xuất thì chuyển thành đơn vị sự nghiệp có thu theo phương án gắn thu bù chi và thực hiện giao khoán chăm sóc, bảo vệ.
Kiên quyết giải thể hoặc chuyển sang loại hình sở hữu khác theo quy định của Nhà nước đối với các công ty nông nghiệp khoán trắng, công ty nông, lâm nghiệp kinh doanh liên tục thua lỗ, không có phương án khắc phục.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước đối với các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn, kể cả công ty nông, lâm nghiệp là thành viên các Tổng công ty nhà nước. Các Bộ thực hiện quản lý chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật. Các Tổng công ty nhà nước rà soát, bàn giao những công ty nông nghiệp, lâm nghiệp sản xuất nguyên liệu không gắn với chế biến và nhiệm vụ chung của Tổng công ty về cho địa phương và thiết lập quan hệ kinh tế như đối với các thành phần kinh tế khác.
Đối với việc đổi mới cơ chế quản lý các công ty nông, lâm nghiệp, trong năm 2012, hoàn thành việc rà soát đất nông nghiệp, lâm nghiệp của các công ty này trên bản đồ, thực địa và cấp giấy chứng nhận gắn quyền sử dụng đất. Hoàn thành chuyển giao các loại đất cho địa phương quản lý. Kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật. Đối với đất cho liên doanh, liên kết, nếu sử dụng đúng quy hoạch, Nhà nước thu hồi và xem xét cho người đang sử dụng đất thuê lại theo quy định của Luật Đất đai..
Tiến hành rà soát xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nhận khoán theo quy định của Luật đất đai đối với diện tích đất công ty giao khoán đất theo Nghị định số 01/NĐ-CP ngày 4/1/1995 nhưng chỉ thu phí quản lý khấu hao vườn cây đã thu hết hoặc khoán trắng (thực tế là hộ nhận giao khoán tực tổ chức sản xuất). Kiên quyết thu hồi với diện tích đất giao khoán, chuyển nhượng hợp đồng không đúng đối tượng.
Tiếp tục rà soát, điều chỉnh hợp đồng khoán theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ đối với các đơn vị đang thực hiện tốt việc giao khoán đất theo Nghị định số 01/NĐ-CP nói trên. Rà soát lại các hợp đồng đã chuyển nhượng. Nếu vẫn tiếp tục sản xuất nông nghiệp thì công ty ký lại hợp đồng khoán với người nhận chuyển nhượng, nếu không sản xuất – kinh doanh thì phải kiên quyết thu hồi. Đối với diện tích đất chưa khoán phải tổ chức áp dụng các hình thức khoán theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ, người nhận khoán theo đó phải sử dụng đất theo quy hoạch của công ty.
Thí điểm mô hình liên kết sản xuất giữa các công ty nông, lâm nghiệp với đơn vị khác và giữa các công ty nông, lâm nghiệp với người dân.
Cụ thể, trong quý I/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải xây dựng xong phương án tái cơ cấu nông, lâm trường quốc doanh, doanh nghiệp thủy nông, doanh nghiệp liên quan đến phục vụ nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Theo đó, Bộ phải tiến hành tổng kết việc sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết số 28/NQ-TƯ của Bộ Chính trị; tổng kết việc thí điểm cổ phần hóa vườn cây, rừng trồng gắn với cơ sở chế biến để báo cáo Bộ Chính trị; xây dựng Đề án chuyển một số Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ở vùng sâu, vùng xa, vùng ít dân cư, biên giới sang cho quân đội để canh giữ, bảo vệ, chăm sóc rừng.
Trước tháng 4/2012, Bộ Tài Nguyên và Môi trường phải nghiên cứu, đề xuất bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai với các nội dung: việc quản lý sử dụng đất trong nông, lâm trường quốc doanh, nhất là đất đai của hộ nông dân góp giá trị quyền sử dụng đất vào các công ty nông nghiệp cổ phần hóa; đất đai (giao khoán và chưa giao khoán) chưa được xử lý trong các nông, lâm trường quốc doanh đã cổ phẩn hóa; các trường hợp sử dụng đất sai mục đích tại công ty nông, lâm nghiệp…
Với việc triển khai các nội dung trên, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp Trung ương tin tưởng rằng sẽ xử lý dứt điểm sự lỏng lẻo, hiệu quả thấp trong quản lý sử dụng đất tại các lâm trường; giải quyết triệt để tình trạng đất lấn chiếm, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết; khắc phục sự lúng túng trong xác định giá trị vườn cây, quản lý đất sau cổ phần hóa khi thí điểm cổ phần hóa vườn cây, rừng trồng gắn với cơ sở cũng như khắc phục được tình trạng khoán trắng, chuyển nhượng hợp đồng trong lĩnh vực này, thực sự đem lại hiệu quả của nông, lâm trường quốc doanh nói riêng và DNNN nói chung.
Tổng hợp


Báo cáo phân tích thị trường