Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xử lý phân bón giả: Phạt tiền lên đến 500 triệu đồng?
31 | 08 | 2009
Theo báo cáo mới đây của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra 270 sản phẩm phân bón tại 9 tỉnh ĐBSCL đã phát hiện 110 sản phẩm không đạt chất lượng (tỉ lệ 40,7%).

Các địa phương có tỉ lệ phân bón giả cao là An Giang 63,6%, Long An 55,5%, Tiền Giang 48%, Vĩnh Long 37%...

* Mức phạt gấp 4-5 lần giá trị lô hàng

Trước tình trạng trên, để có một chế tài đủ mạnh, góp phần đưa thị trường phân bón đi vào hoạt động ổn định, ngày 28/8 Cục Hóa chất phối hợp với Hiệp hội phân bón Việt Nam và Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón. Rất nhiều bộ, ngành và các doanh nghiệp kinh doanh phân bón đã tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định lần thứ ba.

Dự thảo Nghị định gồm 4 chương và 34 điều, quy định về những nội dung xử phạt, đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón. Theo dự thảo, sẽ phạt tiền 50-100 triệu đồng đối với việc sản xuất phân bón giả có giá trị lô hàng 20 triệu đồng; Phạt tiền 4-5 lần giá trị lô hàng đối với doanh nghiệp, cá nhân sản xuất phân bón giả có giá trị lô hàng trên 20 triệu đồng và mức phạt cao nhất có thể lên đến 500 triệu đồng.

* Còn nhiều băn khoăn

Ông Phan Duy Đức- Giám đốc Công ty TNHH Hiếu Giang- Hội viên Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết: Tình hình phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang ngày càng bức xúc, không chỉ người nông dân mà các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng thiệt hại rất lớn.

Ông Đức lấy ví dụ, sản phẩm phân bón lá có giá thành trung bình khoảng 20.000- 22.000đ/kg, trong khi trên thị trường có đơn vị sản xuất chỉ bán với giá 10.000đ/kg, làm gì có chuyện đạt chất lượng đối với loại phân bón ấy? Trong khi người nông dân cứ thấy giá thành rẻ và quảng cáo nhiều là họ tin dùng.

“Quan điểm của các doanh nghiệp sản xuất phân bón là phải phạt thật nặng với các đối tượng làm phân bón giả, phân bón kém chất lượng, để các cơ sở này không thể tham gia vào sản xuất, kinh doanh phân bón giả nữa”- ông Đức nhấn mạnh- “Việc đưa ra Nghị định xử phạt này là hoàn toàn kịp thời để giải quyết tình trạng bát nháo trên thị trường phân bón hiện nay”.

Tuy nhiên, ông Đức cũng có ý kiến: trong điều 26 của Dự thảo Nghị định quy định về thẩm quyền xử phạt, có quá nhiều đơn vị tham gia, từ Chủ tịch UBND cấp xã, phường, đến thanh tra chuyên ngành, quản lý thị trường, quân đội… cũng được tham gia vào lĩnh vực xử phạt. Điều này gây nên sự bất hợp lý và khó khăn cho các doanh nghiệp.

Đồng tình với ý kiến này, ông Phan Đình Đức- Tổng giám đốc Tổng công ty phân bón và Hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ)- cho biết: người xử phạt phải là người có đủ thẩm quyền và am hiều về chuyên môn, để xem xét và đánh giá về phân bón. Nếu người xử phạt không có hiểu biết về chuyên môn, vô hình chung sẽ gây ách tắc cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Các đại biểu cũng đồng tình với ý kiến, nên đưa thêm vào Nghị định một quy định về việc nếu xử phạt không đúng thì cơ quan xử phạt phải có người đứng ra chịu trách nhiệm.

Ông Phan Đình Đức cho biết thêm, để quản lý chặt chẽ vấn đề này, không chỉ ở khâu xử phạt mà phải xiết chặt ngay từ khâu quản lý, cấp phép các cơ sở kinh doanh. Hiện nay, khâu cấp phép cho các cơ sở sản xuất phân bón còn quá lỏng lẻo, dẫn đến sản xuất tràn lan khó kiểm soát. Đáng chú ý, tại điều 14 quy định về xử phạt người sử dụng phân bón giả, kém chất lượng, hầu hết ý kiến của các đại biểu đưa ra là không nên xử phạt người nông dân, vì bản thân họ cũng là nạn nhân của tình trạng phân bón giả, nên tuyên truyền và hướng dẫn rộng rãi hơn cho bà con nông dân hiểu được và sử dụng phân bón có hiệu quả.

Ông Nguyễn Gia Tường- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hóa chất Việt Nam- có ý kiến: Trong Nghị định, cần bổ sung một số chi tiết về chi phí để xử phạt, tiêu hủy sản phẩm phân bón giả, kém chất lượng. Bên cạnh đó, cần có quy định rõ hơn về việc ai sẽ là người được quyền tiêu hủy các mặt hàng này, tránh sự chồng chéo giữa các cơ quan thực thi. Bên cạnh đó, nên điều chỉnh khung hình phạt tại điều 24 quy định về xử phạt các quy định về ghi nhãn phân bón, theo đó, hình thức phạt tiền từ 4 đến 20%, 30%, 40%... giá trị mặt hàng phân bón vi phạm quy định về nhãn mác. Khung hình phạt này được cho là quá rộng, dễ dẫn đến tiêu cực trong quá trình thực thi.



Theo Báo Công Thương Điện Tử
Báo cáo phân tích thị trường