Năm 2012, sản lượng tiêu thu hoạch và xuất khẩu tuy giảm, nhưng nhờ giá bán tăng mạnh nên kim ngạch xuất khẩu tiêu vẫn tăng trưởng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 tháng của năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu gần 99.000 tấn hồ tiêu, giá trị thu về 682 triệu USD, giảm 11,4% về lượng nhưng lại tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 10 tháng đạt 6.382 USD/tấn, tiêu trắng đạt 9.229 USD/tấn, mức tăng tương ứng tiêu đen 1.016 USD/tấn, tiêu trắng 1.427 USD/tấn so cùng kỳ 2011.
Các thị trường nhập khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ chiếm 14,28% thị phần, Đức chiếm 10,67% và Các tiểu vương quốc ả Rập Thống Nhất chiếm 9%. Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) tính toán, tổng nguồn cung hồ tiêu năm 2012 của Việt Nam vào khoảng 115.000 - 120.000 tấn; tiêu thụ trong nước khoảng 5.000 tấn nên lượng xuất khẩu năm 2012 ước đoán 110.000-115.000 tấn.
Tại kỳ họp lần thứ 40 của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) mới đây, các nhà xuất khẩu đã điều chỉnh và thông qua các số liệu về sản lượng, xuất nhập khẩu, tiêu dùng nội địa và tồn kho của ngành hồ tiêu năm 2012 và dự đoán 2013.
Theo đó, khối lượng hồ tiêu xuất khẩu của quốc tế năm 2012 là 205.752 tấn, trong đó Việt Nam xuất khẩu 118.400 tấn, chiếm hơn 50% thị phần và là nước xuất khẩu hạng nhất, với khoảng cách xa so với nước đứng nhì là Ấn Độ.
Hồ tiêu đang là cây trồng mang lại lợi nhuận vàng cho người nông dân bởi giá tiêu thụ trên thị trường luôn đạt mức cao, do đó người dân các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là Gia Lai đã không thương tiếc chặt bỏ các loại cây trồng chủ lực một thời như cà phê, bời lời... để trồng tiêu. Một phần lớn diện tích đất vườn, đất nương rẫy gieo trồng các loại cây ngắn, dài ngày (kể cả diện tích cà phê hết chu kỳ kinh doanh) cũng đã chuyển sang trồng hồ tiêu.
Hiện Tây Nguyên đang chiếm 50% sản lượng tiêu cả nước với 52.000 tấn tiêu thu hoạch/năm. Tuy nhiên, những thành quả này có thể sẽ bị phá hỏng bởi sự phát triển ồ ạt, phá vỡ quy hoạch, khai thác tận thu như hiện nay.
Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, năng suất thu hoạch trên mỗi ha tiêu bằng năng suất của cây cà phê, trong khi giá bán tiêu luôn cao gấp 3-4 lần cà phê nên đã cho lợi nhuận tới 200-250 triệu đồng/ha. Đây chính là nguyên nhân khiến người dân đua nhau phát triển hồ tiêu ồ ạt. Từ đầu mùa mưa năm 2012 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã trồng mới thêm hàng ngàn ha, tập trung nhiều nhất ở Đắk Nông, Gia Lai, Đắk Lắk, đưa tổng diện tích tiêu toàn vùng tăng lên trên 24.883 ha, tăng 3.200 ha so cùng kỳ năm ngoái...
Nông dân đã bất chấp các khuyến cáo của các ngành chức năng, đưa cây tiêu vào trồng ở những vùng đất không thích hợp, nhất là các vùng đất trũng, tiêu nước chậm... Do đua nhau mở rộng diện tích nên hiện nay, giá dây tiêu giống ở Tây Nguyên tăng lên gấp 3 - 4 lần so với năm ngoái. Đáng quan tâm là việc đưa vào trồng các giống tiêu không rõ nguồn gốc nên dễ lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại lớn cho người dân.
Theo khảo sát của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam hiện có khoảng 60.000 ha hồ tiêu với năng suất trung bình là 2,4 tấn/ha. Dù diện tích vượt 10 nghìn ha so với quy hoạch, nhưng sản lượng tiêu lại không tăng, thậm chí năm 2012 còn thấp hơn 2011. Nguyên nhân là năng suất tiêu bình quân giảm mạnh do hàng trăm ha tiêu trồng tự phát đã bị dịch bệnh chết, hoặc không cho thu hoạch, năng suất thấp. Nếu canh tác tốt để khắc phục được các thiệt hại do dịch bệnh thì năng suất tiêu bình quân sẽ đạt 3 tấn/ha.
Mới đây, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam đưa ra mục tiêu sản xuất được 150.000 tấn hồ tiêu vào năm 2020. Tuy nhiên, Hiệp hội hồ tiêu quốc tế lo ngại rằng, tiêu thụ nội địa của Việt Nam rất thấp, chỉ 4.700 tấn/năm (trung bình 52 gr/người), nên gần như toàn bộ sản lượng tiêu của Việt Nam phải xuất khẩu. Nhu cầu thương mại tiêu toàn thế giới chỉ ở mức 200 nghìn tấn/năm, nếu sản lượng tiêu của Việt Nam đạt 150 nghìn tấn, tức là tăng 40-50 nghìn tấn so với hiện nay thì sẽ vô cùng khó khăn trong tiêu thụ, nguy cơ hạt tiêu sẽ rớt giá trong khoảng 3-7 năm tới.
Thực trạng phát triển hồ tiêu một cách ồ ạt, phá vỡ quy hoạch như hiện nay đang rất nguy hiểm cho ngành hồ tiêu Việt Nam. Diện tích tăng nhanh, sản lượng tăng đột biến thì chỉ vài ba năm tới, giá hồ tiêu có thể biến động khó lường. Việc đổ xô trồng tiêu bằng mọi cách sẽ có thêm nhiều nông dân phải trả giá đắt.
Theo các chuyên gia, nông dân trồng tiêu bón ngày càng nhiều phân hóa học sẽ làm giảm chất lượng sản phẩm, khó đáp ứng được yêu cầu của thị trường thế giới về sản phẩm sạch, an toàn. Một khi thị trường thế giới không chấp nhận thì sản phẩm hồ tiêu của Việt Nam phải đối mặt với bi kịch đối với cây trồng này là tất yếu. Do vậy, cây hồ tiêu đang rất cần hướng đến một chiến lược phát triển bền vững.
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)