Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bản tin hồ tiêu tuần 37/2012: từ 10 đến 14/9/2012
17 | 09 | 2012
Trong tuần qua thị trường đã chứng kiến sự tăng nhẹ trong mức giá tại mọi quốc gia sản xuất.

 

HỒ TIÊU ĐEN: Trong tuần qua thị trường đã chứng kiến sự tăng nhẹ trong mức giá tại mọi quốc gia sản xuất. Nơi tăng mạnh nhất là Sri Lanka với mức tăng hơn 10%; còn ở những nơi khác mức tăng trong khoảng 1-4%. Nguyên nhân của sự tăng giá này bắt nguồn từ lượng cầu nhập khẩu được nâng lên. Ở Lampung (Indonesia), nguồn cung chính ảnh hưởng đến thị trường hồ tiêu thế giới, cũng diễn ra đợt tăng giá trong tuần vừa rồi. Giá tiêu ở Malabar (Ấn độ) vẫn duy trì mức cao nhất, tuy nhiên vì thế lượng giao dịch diễn ra ít hơn so với các nơi khác. Ở Việt Nam, thị trường không hoạt động sôi nổi nhưng giá đã tăng lên do nguồn cung đang ở mức hạn chế. Trong khi đó Brazil đang bước vào vụ thu hoạch. Giá ở Belem đã được thông báo tăng lên 2% đối với giá nội địa và 4% đối với giá xuất khẩu.

HỒ TIÊU TRẮNG: Thị trường hồ tiêu trắng cũng diễn ra sự tăng trưởng mạnh trong mức giá với mức tăng 4% trong giá nội địa. Giá xuất khẩu ở Bangka (Indonesia) và Sarawak (Malaysia) tăng lên 4%. Trong khi giá xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức cũ.

TÌNH HÌNH NHẬP KHẨU HẠT TIÊU CỦA SINGAPORE
Singapore được biết đến như một mắt xích quan trọng trong thương mại hồ tiêu ở Châu Á. Trong suốt năm 2011, Singapore đã nhập khẩu 11.923 tấn hồ tiêu bao gồm 9.786 tấn hồ tiêu nguyên hạt và 2.137 tấn hồ tiêu xay. Mục tiêu nhập khẩu hồ tiêu chủ yếu của quốc gia này là tái xuất. Trong suốt tháng 1-6/2012, tổng lượng nhập khẩu của Singapore vào khoảng 5.447 tấn (4.980 tấn cho hạt tiêu nguyên hạt và 467 tấn hạt tiêu xay) giảm hơn so với lượng nhập khẩu cùng kì năm ngoái ở mức 6.156 tấn. Hồ tiêu nguyên hạt được nhập chủ yếu từ Việt Nam và Indonesia, trong khi hồ tiêu xay được nhập chủ yếu từ Indonesia và Malaysia.

 


Mai Linh: Bộ môn Nghiên cứu Chiến lược Chính sách biên dịch từ nguồn IPC
 



Báo cáo phân tích thị trường