Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vài nét về "vua tàu" thành Nam
15 | 10 | 2008
Phải mấy lần “hẹn hò” qua điện thoại, tôi mới gặp được anh tại huyện Xuân Trường (Nam Định). Đã hình dung về anh qua những gì đọc được trên báo chí, nhưng trực tiếp nhìn anh đóng tàu, tôi càng nhận thấy tâm thế của doanh nhân thành đạt, giàu ý chí và tinh thần vượt khó. Anh là “vua tàu” Nguyễn Đức Phùng, Giám đốc Công ty TNHH Đóng mới và Sửa chữa tàu thuyền Việt Tiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Vận tải biển An Lộc.
Từ “cậu chủ con" thành... ông chủ lớn

Nguyễn Đức Phùng sinh năm 1975, là con thứ 5 trong gia đình có 6 anh em. Ngay từ khi còn nhỏ, Phùng đã say mê nghề cơ khí. Khi còn là học sinh PTTH, Phùng đã xin bố mẹ vài chiếc máy, thuê công nhân thành lập tổ sản xuất. Lợi thế của Phùng là gần đó có làng nghề cơ khí truyền thống Xuân Tiến – chuyên sửa chữa, sản xuất các loại máy móc phục vụ nông nghiệp và xây dựng.

Hồi ấy, mỗi buổi sáng trước khi đi học, Phùng trao đổi công việc với thợ, trưa về kiểm tra, chiều tham gia sản xuất hoặc đi ký kết hợp đồng... Ngoài sửa chữa các loại máy, Phùng còn sản xuất máy cày bừa, đùn gạch, tuốt lúa... Ngay trong lúc sửa chữa, sản xuất, Phùng đã quan sát và suy nghĩ làm thế nào để phục hồi, chế tạo sản phẩm cơ khí độc đáo. Những bài học về địa lý Việt Nam trên lớp đã giúp chàng trai trẻ rút ra nhận định: Một đất nước trên bến dưới thuyền nhất định phải phát triển dịch vụ vận tải đường thuỷ và nghề đóng tàu. Năm 1994, Phùng quyết định chuyển xưởng cơ khí ra khu vực cầu Lạc Quần, ven sông Ninh Cơ. Số công nhân của tổ lên tới 50 người. Phùng mạnh dạn đóng những con tàu nhỏ, trọng tải 30 - 40 tấn để bán hoặc làm theo đơn đặt hàng.

Năm 1997, Phùng xây dựng xưởng cơ khí tàu thuyền thứ hai ở dốc Xuân Bảng. Nhưng cơ sở mới đi vào hoạt động chưa đầy 2 năm thì Phùng buộc phải dời sang nơi khác bởi mảnh đất xí nghiệp đứng chân thuộc diện quy hoạch của thị trấn Xuân Trường.

Năm 1999, Phùng là người đầu tiên đề xuất việc xây dựng nhà máy đóng tàu và sửa chữa tàu thuyền tại khu bãi Dâu, bên sông Ninh Cơ. Tại cơ sở mới, anh đầu tư trên 50 tỷ đồng cho việc xây dựng một nhà máy đóng tàu hiện đại với các hạng mục như: máy hàn, cẩu, máy cắt dập... Năm 2002, anh quyết định thành lập Công ty TNHH Việt Tiến với chức năng đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, kinh doanh sắt thép phục vụ ngành cơ khí. Lúc này, số lao động toàn Công ty đã lên tới hơn 300 người. Từ chỗ đóng tàu nhỏ, Việt Tiến đã đóng được các tàu có trọng tải vài ba ngàn tấn.

Nhận thấy tiềm năng của ngành đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, năm 2005, Phùng tiếp tục thành lập Công ty cổ phần Vận tải An Lộc.

Những dự định của "vua tàu"

Được biết năm 2002, Nguyễn Đức Phùng là doanh nhân trẻ nhất được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Công nghiệp (cũ) tặng Bằng khen. Năm 2005, anh vinh dự là một trong 10 thanh niên nông thôn đoạt giải “Giải thưởng việc làm cho thanh niên” do Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trao tặng. Cũng trong năm này, doanh nghiệp Việt Tiến và An Lộc của anh giành lá cờ đầu của ngành công nghiệp Nam Định. Năm 2006, Công ty Việt Tiến được Bộ Khoa học - Công nghệ tặng “Giải thưởng chất lượng Việt Nam”. Phùng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh.

Nói về dự định trong tương lai, Phùng tỏ ra là doanh nhân có tầm nhìn xa. Anh cho rằng, con người là yếu tố quan trọng quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Chính vì thế, tất cả công nhân anh nhận về đều là thợ lành nghề bậc nhất. Anh cho rằng, gần 500 con người trong Công ty là “vốn liếng” quan trọng nhất cho sự phát triển mới, toàn diện hơn.

Xuất thân là thợ cơ khí của một tổ sản xuất nhỏ, hôm nay thành ông chủ lớn, Phùng nguyện tiếp tục cuộc hành trình đầy giông bão trên thương trường dù biết rằng, con đường anh đang đi còn nhiều gian khó như con thuyền trước biển khơi.



Nguồn: www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường