Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khắc phục tổn thất sau thu hoạch: Kỳ vọng từ dự án 40.000 tỷ đồng
16 | 04 | 2009
Đầu tháng 4 này, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ đề án về cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch đến năm 2020, số tiền đầu tư ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng. Với giải pháp chiến lược này, mỗi năm nước ta sẽ giảm tổn thất sau thu hoạch nông sản khoảng 50.000 tỷ đồng.

Tổn thất 14%

Tổ chức Hợp phần xử lý sau thu hoạch (thuộc dự án chương trình hỗ trợ ngành nông nghiệp) cho biết, tổn thất sau thu hoạch lúa tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 13,7% tổng sản lượng; khu vực đồng bằng sông Hồng và các khu vực khác là 11,6%. Đối với ngô, mức tổn thất là 18 - 19%... Không chỉ tổn thất về sản lượng, những cây lương thực chủ lực còn tổn thất về chất lượng do bị nấm mốc, mối mọt. Hiện tượng biến chất protein làm thay đổi màu sắc, mùi vị, giảm giá trị dinh dưỡng, rất nhiều thủy sản đánh bắt bị giảm phẩm cấp.  

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng nhận định: "Quy mô đồng ruộng nước ta nhỏ, phân tán, manh mún. Bình quân mỗi hộ nông dân chỉ có 0,7ha đất canh tác với 7-8 thửa. Hệ thống kênh mương chỉ phát huy được 60-70% công suất thiết kế... Cơ giới hóa nông nghiệp chỉ tập trung chủ yếu ở khâu làm đất, tuốt đập, xay xát lúa gạo; các khâu khác như gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch vẫn theo phương thức thủ công...

Hệ thống kho dự trữ lương thực, kho lạnh để bảo quản thủy sản, rau quả ở nước ta còn rất thiếu, công nghệ lạc hậu, không bảo đảm điều kiện kỹ thuật. Thu nhập của nông dân giảm từ 15-30% do sản phẩm không được sơ chế, bảo quản, tiêu thụ kịp thời, bởi phụ thuộc vào thị trường, thời tiết, dẫn đến rau, quả đa tổn thương cơ học và độ thối rữa cao.

Người dân phần lớn tự thu hoạch, bảo quản bằng một số chế phẩm hóa học nên chất lượng, mẫu mã giảm. Đơn cử như công nghệ sấy thóc gạo của ta chưa phát triển, thóc thường phơi trên các sân bê tông hay trên đường rải nhựa nên độ rạn, gãy cao (30%); tỷ lệ sạn, cát vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Vì thế giá gạo của ta thường thấp hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan 20 - 30 USD/tấn... Theo thống kê của Viện Kinh tế nông nghiệp, hầu hết công nghệ của các doanh nghiệp (DN) chuyên chế biến nông - lâm sản đã qua 3 - 4 thế hệ; 73% số nhà xưởng tạm bợ, chắp vá; chỉ 1- 5% sản phẩm làm ra đạt chất lượng quốc tế; 8 - 15% số DN đăng ký chất lượng sản phẩm; 40% DN không có trình độ chuyên môn, tay nghề...

Gần 40.000 tỷ đồng giảm tổn thất

Nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, trong hai năm 2009-2010, đề án tập trung xây dựng, cải tạo hệ thống kho chứa thóc gạo với tổng tích lượng 4 triệu tấn... Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với lúa gạo còn 5 - 6%, rau quả còn 10 - 12%, giảm mức độ tổn thất về chất lượng thủy sản dưới 10%... Dự tính sẽ phải đầu tư gần 40.000 tỷ đồng để xây dựng các công trình, trang bị máy móc hiện đại, hướng tới mục tiêu cơ giới hóa làm đất đạt 80%, gieo sạ hoặc cấy bằng máy ở các vùng sản xuất lúa hàng hóa đạt trên 50%, khoảng 50% lúa được thu hoạch bằng máy; tỷ lệ cơ giới hóa trong chăn nuôi đạt 50%...

Để thực hiện những mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT cho rằng, ngoài việc cần phải sửa đổi Luật Đất đai theo hướng giao đất cho hộ gia đình sử dụng lâu dài, thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai, Nhà nước cần ban hành một loạt chính sách khác; rà soát để giảm thuế nhập khẩu từ 5 - 0% đối với một số máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhà nước hỗ trợ các tổ chức sử dụng máy móc nông nghiệp bằng cách cho các nhóm hộ, tổ hợp tác... vay tín dụng mua máy móc, thiết bị với mức vay vốn đến 70% giá máy, vay không lãi trong vòng 2 năm; hỗ trợ trực tiếp 30% giá thành cho nông dân đầu tư các loại máy sấy, kho chứa tại gia đình. Áp dụng kỹ thuật bảo quản lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc bằng các phương pháp sinh học và vật lý; chuyển giao các mẫu hình kho bảo quản hộ gia đình theo hướng tiện ích, an toàn; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển với quy mô 10 triệu tấn/năm từ năm 2010 trở đi… được xem là biện pháp tối ưu. Trong hai năm 2009-2010, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống kho chứa gạo công nghệ tiên tiến với sức chứa 4 triệu tấn, trong đó xây dựng mới kho chứa 2,8 triệu tấn.



Nguồn: www.hanoimoi.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường