Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Chiến lược Quốc gia sau thu hoạch
26 | 08 | 2007
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Quyết định 20/2007/QĐ-BNN phê duyệt Chiến lược quốc gia sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, phấn đấu giảm lượng tổn thất lúa xuống còn 5-6%; tăng tỷ lệ thu hồi gạo thành phẩm lên 69%.

Mục tiêu chung của Chiến lược nhằm tăng hiệu quả sản xuất và kinh doanh các ngành hàng lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc thông qua giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn; giải quyết việc làm, tăng thu nhập của nông dân và những người tham gia hoạt động trong lĩnh vực sau thu hoạch; góp phần đảm bảo an ninh lương thực hộ gia đình, cải thiện tình hình dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đến năm 2010, phấn đấu giảm lượng tổn thất lúa xuống còn 9-10%; tăng tỷ lệ thu hồi gạo thành phẩm lên 65-66%; tăng tỷ trọng xuất khẩu gạo 5-10% tấm lên trên 50% tổng khối lượng gạo xuất khẩu; giảm lượng tổn thất ngô xuống còn 12-13%, đậu tương 5,5%, lạc 4,5-5%; tạo việc làm cho khoảng 240-250 nghìn lao động/năm; góp phần cải thiện tình hình an ninh lương thực hộ gia đình, giảm tỷ lệ hộ nghèo lương thực, thực phẩm khu vực nông thôn xuống dưới 4% vào năm 2010.

Theo Chiến lược, đến năm 2020, đẩy mạnh nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy móc thiết bị và dây chuyền công nghệ sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc với chất lượng và hiệu suất hoạt động cao, giá thành hạ. Xúc tiến chương trình chế tạo máy gặt đập liên hợp phục vụ thu hoạch lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long và các vùng sản xuất tập trung. Nghiên cứu cải tiến, nâng cao hiệu suất các thiết bị sấy theo hướng đa năng, có thể kết hợp sấy lúa, ngô, đậu tương và lạc, phù hợp với quy mô sản xuất nông hộ. Thực hiện cơ giới hóa, từng bước tự động hóa lĩnh vực sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc.

Sửa đổi, bổ sung và ban hành tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc phù hợp với quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn hóa Thực phẩm Thế giới và điều kiện tại Việt Nam. Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào quá trình bảo quản, chế biến lúa, gạo, ngô, đậu tương và lạc (dựa theo HACCP, ISO, GMP) nhằm bảo đảm chất lượng và nâng cao sức cạnh tranh của các loại sản phẩm. Tổ chức các hội nghề nghiệp theo nhóm sản phẩm từ người sản xuất nguyên liệu đến người chế biến và người tiêu thụ, tạo sự liên kết giữa nông dân, các cơ sở chế biến, kinh doanh và người tiêu thụ; đồng thời xây dựng chợ trung tâm bán buôn hàng nông sản tại các tỉnh trọng điểm sản xuất hàng hóa lương thực (7 chợ vùng đồng bằng sông Cửu Long và 2 chợ vùng đồng bằng sông Hồng) với mục tiêu tiêu thụ hết lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc hàng hóa cho nông dân.

Chiến lược đưa ra một số giải pháp cụ thể trong đó có đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; quy hoạch tuyển chọn và gửi các cán bộ khoa học, cán bộ quản lý đi đào tạo ở các nước phát triển để nâng cao năng lực nghiên cứu, quản lý lĩnh vực sau thu hoạch, nhất là đối với đội ngũ cán bộ có trình độ sau đại học. Thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến công huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân, nhân viên kỹ thuật và nông dân, những người tham gia các hoạt động thuộc lĩnh vực sau thu hoạch. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để mọi thành phần kinh tế được vay vốn phát triển ngành cơ khí phục vụ quá trình thực hiện cơ giới hóa, từng bước tự động hóa lĩnh vực sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc; cho vay không lãi đối với các dự án sản xuất thử nghiệm (máy gặt đập liên hợp, thiết bị tách màu...).



Wếbit: Chính phủ
Báo cáo phân tích thị trường