Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giảm tổn thất nông sản sau thu hoạch: Chặng đường gian nan
24 | 08 | 2009
Trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, tổn thất sau thu hoạch (TTSTH) được các nhà khoa học, nhà quản lý cũng như doanh nghiệp đánh giá là điểm yếu khó khắc phục. Dù đã nắm rõ nguyên nhân dẫn đến thực trạng này như: chất lượng sản phẩm kém, trang thiết bị bảo quản vừa thiếu, vừa không đồng bộ, nhận thức của nông dân còn hạn chế nhưng để khắc phục, không chỉ cần thời gian mà còn cần hệ thống giải pháp đồng bộ.

Thiệt hại đủ đường

 Mặc dù nhiều địa phương đã thực hiện dồn điền đổi thửa nhưng trên thực tế, quy mô đồng ruộng nước ta vẫn nhỏ, phân tán, manh mún. Bình quân mỗi hộ chỉ có 0, 7ha đất canh tác với 7-8 thửa. Hệ thống kênh mương chỉ phát huy 60-70% công suất thiết kế... Cơ giới hóa nông nghiệp tập trung chủ yếu ở khâu làm đất; khâu chế biến, bảo quản, hệ thống kho dự trữ lương thực còn thiếu. Vì thế, thu nhập của nông dân giảm 15-30% do sản phẩm không được sơ chế, bảo quản, tiêu thụ kịp thời.

Để xây dựng thương hiệu cho nông sản, còn rất nhiều việc phải làm 

 Theo Cục Chế biến, thương mại nông - lâm - thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tổn thất sau thu hoạch đối với lúa gạo của Việt Nam thuộc hàng cao nhất khu vực châu á, dao động trong khoảng 9-17%, thậm chí 20-30%, tuỳ từng khu vực và mùa vụ. Với tỷ lệ tổn thất này, chúng ta mất khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm. Còn với rau quả, tổn thất khoảng 25% đối với các loại quả và hơn 30% đối với rau. Trong khi đó, tỷ lệ TTSTH ở các nước châu á như ấn Độồ chỉ là 3-3,5%, Bangladesh 7%, Pakistan 2-10%, Indonesia 6-17%, Nepan 4-22%...

Hiện, nông dân nước ta phần lớn tự thu hoạch, bảo quản bằng một số chế phẩm hóa học nên chất lượng, mẫu mã giảm. Đơn cử như công nghệ sấy thóc gạo của ta chưa phát triển, thóc thường phơi trên các sân bê -tông hay đường nhựa nên độ rạn, gãy cao (30%); tỷ lệ sạn, cát vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Theo thống kê của Viện Kinh tế nông nghiệp, hầu hết công nghệ của các doanh nghiệp (DN) chế biến nông - lâm sản đã qua 3 - 4 thế hệ; 73% số nhà xưởng tạm bợ, chắp vá; chỉ 1- 5% sản phẩm làm ra đạt chất lượng quốc tế.

Lý giải cho điều này, TS. Hoàng Lệ Hằng, Phó trưởng bộ môn bảo quản chế biến (Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương) cho biết: “Khâu bảo quản sau thu hoạch theo đúng quy trình tuỳ thuộc rất lớn vào nguyên liệu đầu vào. Nếu hoa quả không tươi thì dù công nghệ bảo quản có tốt đến đâu cũng khó mà thuyết phục được đối tác”.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, sản lượng lúa của Việt Nam đạt khoảng 35, 87 triệu tấn/năm. Tại ĐBSCL, ngoài phần cân đối tiêu dùng nội địa, mỗi năm tạo ra hơn 10 triệu tấn lúa hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Con số này có thể sẽ cao hơn nếu TTSTH được khắc phục. Bởi chỉ cần giảm 1% tổn thất trên sản lượng 20 triệu tấn lúa trong vùng thì nông dân không phải mất hàng trăm tỷ đồng.

 
Tổn thất nhiều, chất lượng chưa cao 

Sản xuất nông nghiệp phát triển, nhưng các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản lại chưa được quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ nên chưa đáp ứng được yêu cầu bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chủ động hướng dẫn, chuyển giao một số công nghệ mới cho các cơ sở chế biến nhưng hầu hết cơ sở vật chất phục vụ sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm thiết bị và công nghệ còn lạc hậu, nên giá thành sản xuất cao, chất lượng không bảo đảm. Đơn cử như tại các vùng trồng xoài lớn ở ĐBSCL (Tiền Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ...), hầu hết các địa phương chưa chú trọng việc hình thành vùng chuyên canh. Mạnh nhà nào nhà ấy trồng, nên mặc dù ĐBSCL có tới 41.000ha xoài, chiếm 50% diện tích xoài của cả nước nhưng vẫn rất manh mún. Chính vì vậy, khi đối tác cần mua với số lượng lớn, mỗi gia đình không thể tự đáp ứng mà phải gom hàng ở nhiều nơi. Đây chính là nguyên nhân khiến chất lượng sản phẩm không đồng đều, kéo theo sự tụt giá của cả lô hàng, không chỉ gây bất lợi cho doanh nghiệp mà còn khiến người trồng mất đi cơ hội liên kết làm ăn lớn.

Hình thức rất quan trọng trong lựa chọn sản phẩm của khách hàng

Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa trình Chính phủ Đề án cơ giới hóa và giảm TTSTH đến năm 2020 với tổng kinh phí gần 40.000 tỷ đồng. Cùng với Quyết định 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua sắm máy móc, việc cơ giới hóa sản xuất sẽ được đẩy mạnh, từ đó giảm TTSTH, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân.

Trong khi chờ đợi Nhà nước có những hỗ trợ thích hợp trong việc giảm TTSTH, nhiều địa phương đã tự “cứu mình” bằng nhiều cách khác nhau.

 Cách làm  của Hà Giang

“Được mùa ngoài đồng, mất mùa trong nhà”, đó là hiện trạng của nền nông nghiệp nước ta. Sản phẩm ngô, lúa bị ẩm mốc, sâu mọt phá hoại đã trở thành nỗi lo của nông dân, đặc biệt đối với vùng cao, miền núi như Hà Giang, nơi mưa nhiều, độ ẩm cao, phương tiện bảo quản sản phẩm không đảm bảo.

Để giải quyết khó khăn này và giải tỏa nỗi lo cho nông dân, từ tháng 11/2003, Chương trình sau thu hoạch miền Bắc đã được Hà Giang thử nghiệm tại 20 xã ở 4 huyện vùng cao Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Bắc Quang, nơi trọng điểm ngô, lúa của tỉnh. Chương trình đã tập huấn cho gần 6.000 cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã, hộ nông dân về các giải pháp kỹ thuật bảo quản giảm tổn thất sản phẩm trong nhà. Với việc xây dựng 100 mô hình trình diễn, đưa vào sử dụng gần 500 xilô bảo quản ngô, 20 máy sấy SH1 -200, 25 máy sấy SV -500, 1 máy sấy tĩnh vỉ ngang công suất 400 tấn /mẻ..., Chương trình đã góp phần giảm TTSTH từ 15-25% xuống còn 5-7%.

Ngoài lợi ích về kinh tế, Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của người dân, mở ra hướng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở khu vực miền núi.

Cách làm của An Giang

Chi cục Phát triển Nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang) cho biết, tính từ đầu năm đến nay, nông dân trong tỉnh đã đầu tư mua 138 máy gặt lúa các loại, nâng tổng số máy gặt toàn tỉnh lên 1.190 máy. Trong số này, có 731 máy gặt đập liên hợp (GĐLH) và 459 máy gặt xếp dãy (GXD). Nếu làm một phép so sánh thì An Giang là tỉnh dẫn đầu khu vực ĐBSCL về tốc độ đầu tư máy mới. Cụ thể, với loại máy GĐLH, An Giang chiếm 31,5% trên tổng số máy toàn vùng (731/2.324); với máy GXD, chiếm tỉ lệ 16,1% (459/2.846).

Với số máy như hiện nay, diện tích ứng dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch vụ đông xuân ở An Giang là 58.480ha, chiếm 31,77% diện tích xuống giống. ước tính, nếu chi phí giảm bình quân 500.000 đồng /ha, nông dân tiết kiệm được khoảng 30 tỷ đồng /vụ để tái đầu tư sản xuất. Qua đó có thể thấy An Giang sẽ sớm đạt mục tiêu 50% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy trong một vài năm tới.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào tổng thể chung, việc đầu tư cho cơ giới hóa khâu thu hoạch ở An Giang vẫn còn thấp. Bởi khi đầu tư các loại máy sấy, máy gặt, nông dân cũng phải cân nhắc và tính đến khả năng thu hồi vốn. Mặt khác, giao thông nội đồng hiện vẫn là vấn đề gây nhiều cản trở, khiến cho nông dân không thể tiếp cận máy móc và bắt buộc phải áp dụng phương pháp thu hoạch thủ công.

Vì thế, trong vài năm trở lại đây, Châu Phú (An Giang) đã đi đầu trong việc khôi phục hệ thống “đường cộ”, những lối đi công cộng xuyên đồng mà người dân vẫn dùng để vận chuyển máy móc, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất và những sản phẩm thu hoạch.

Ngoài khắc phục hệ thống giao thông, An Giang còn hướng dẫn bà con sấy lúa trong mùa mưa bão. Trung tâm Khuyến nông An Giang, Công ty cổ phần Cơ khí An Giang đã hỗ trợ nông dân lắp máy sấy chạy lũ, máy sấy tĩnh, máy sấy vỉ ngang loại 4 - 8 tấn /mẻ; rồi máy sấy xoay chiều (không cần cào đảo). Các trạm khuyến nông cũng đưa ra khuyến cáo sử dụng và tổ chức trình diễn để trao đổi kinh nghiệm. Nông dân có người còn mê làm máy sấy lúa, mở ra dịch vụ quy mô lớn như khu vực thị trấn Phú Mỹ (huyện Phú Tân).
 



Theo KTNT
Báo cáo phân tích thị trường