Ông Sùng Minh Sính, Bí thư Huyện ủy huyện Mèo Vạc nhấn mạnh: “Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế huyện vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá. Huyện xác định trồng cỏ nuôi bò là hướng đi chính trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Tổng đàn gia súc của huyện đạt gần 82.000 con, thu nhập từ chăn nuôi chiếm khoảng 56% tổng thu nhập. 10/18 xã, thị trấn đã có chợ. Tất cả các xã, thị trấn đã có điện thoại. Huyện có 14 điểm bưu điện văn hóa xã. 100% số xã trong huyện đã có điện lưới quốc gia, số hộ được sử dụng điện đạt gần 44%”.
|
Trẻ em miền núi |
Là huyện biên giới có 3 xã giáp biên với gần 42km đường biên giới nhưng công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đường biên, mốc giới được giữ vững. Huyện đã ký kết hữu nghị với huyện Nà Pô (Quảng Tây - Trung Quốc) và đang xúc tiến chuẩn bị ký kết huyện hữu nghị với Phù Ninh (Vân Nam - Trung Quốc). Hiện, chợ biên giới xã Xín Cái và chợ cửa khẩu Săm Pun (xã Thượng Phùng) đang xây dựng, nâng cấp thành cửa khẩu quốc gia. Thời gian qua, huyện đã thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ các cơ quan, ban, ngành, các xã, thị trấn. Thông qua đó, kinh nghiệm, năng lực lãnh đạo, lề lối tác phong, hiệu quả công việc của cấp xã được nâng lên rõ rệt. Lãnh đạo thường xuyên xuống cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.
Tuy nhiên, Mèo Vạc vẫn là một huyện nghèo và khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang. Hàng năm, Trung ương và tỉnh vẫn trợ cấp trên 90% ngân sách; cơ sở hạ tầng chưa phát triển, đường giao thông đến xóm bản còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 44,21%, số nhà tạm còn lớn (750 hộ). Ngoài ra, mặt bằng dân trí thấp, sự nghiệp giáo dục đào tạo còn nhiều khó khăn, số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia thấp; thiếu cán bộ giỏi ở các lĩnh vực quan trọng... Vì vậy, Mèo Vạc rất cần sự tiếp sức của Nhà nước và các ngành chức năng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.