Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hiệp định Nông nghiệp của WTO (AoA)
14 | 08 | 2009
Hiệp định về Nông nghiệp (Agreement on Agriculture, viết tắt là AoA) là một trong các hiệp định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Hiệp định được ký kết tại Vòng đàm phán Uruguay và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1995, cũng là ngày mà WTO chính thức đi vào hoạt động.

Sản phẩm nông sản được xác định trong Hiệp định Nông nghệp bao gồm các loại hàng hóa có nguồn gốc từ hoạt động nông nghiệp như: (1) Các sản phẩm nông nghiệp cơ bản như lúa gạo, bột mỳ, sữa, động vật sống, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, chè, rau quả tươi,vv… (2) Các sản phẩm phái sinh như bánh mỳ, bơ, dầu ăn, thịt,… (3) Các sản phẩm được chế biến từ sản phẩm nông nghiệp như bánh kẹo, sản phẩm từ sữa, xúc xích, rượu, thuốc lá, bông xơ, da động vật thô,…

Mục tiêu của Hiệp định về Nông nghiệp là tiến hành cải cách trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng các chính sách nông nghiệp có định hướng thị trường sâu rộng. Hiệp định cũng nhằm nâng cao khả năng dự đoán trước các thay đổi và đảm bảo an ninh lương thực cho các nước xuất khẩu cũng như nhập khẩu. Mục tiêu trên xuất phát từ việc Nông sản là mặt hàng “nhạy cảm” trong thương mại do thương mại Nông sản đụng chạm đến lợi ích của một bộ phận đông đảo dân cư vốn có thu nhập thấp ở các nước phát triển và các nước đang phát triển. Mỗi nước đều có nhu cầu đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định trong hoàn cảnh thế giới thường xuyên có biến động về thu hoạch và các nguy cơ nạn đói rình rập.

Để đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu trên, Hiệp định có đề cập đến 2 công cụ chủ yếu nhằm cho phép các quốc gia hạn chế thỏa thuận mở cửa thị trường và cắt giảm các hình thức trợ cấp cho hàng Nông sản mà các nước là thành viên WTO đã ký kết, bao gồm: (1) Các biện pháp tại cửa khẩu để kiểm soát nhập khẩu nông sản; (2) Trợ cấp nông nghiệp (trợ cấp xuất khẩu và các loại trợ cấp trong nước đối với nông nghiệp nhằm ổn định thu nhập và đời sống của người làm nông nghiệp). Ngoài ra, khi nhắc đến mở cửa thị trường nông sản tức là việc giảm bớt các “rào cản” về vật chất và thủ tục để hàng hóa nước ngoài có thể tiếp cận thị trường nước nhập khẩu một cách thuận lợi. Theo Hiệp định Nông nghiệp, việc mở cửa thị trường nông sản đồng nghĩa với việc: Giảm thuế nhập khẩu (và không được tăng trở lại), giảm và loại bỏ các rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu (như hạn ngạch, quy định giá nhập khẩu tối thiểu, các loại thuế-phí liên quan đến việc nhập khẩu, giấy phép nhập khẩu, các biện pháp mang tính hạn chế khác,…)

Các quy định và cam kết trong Hiệp định Nông nghiệp được xây dựng xoay quanh ba nhóm vấn đề chính được gọi là ba trụ cột (pillars). Đó là: (1) Tiếp cận thị trường: giảm bớt các rào cản thương mại đối với hàng nông sản nhập khẩu. (2) Trợ cấp nội địa: đưa ra các quy định và cam kết quản lý trợ cấp cho sản xuất trong nước cũng như các chương trình tương tự khác, bao gồm cả các chương trình kích thích tăng giá nông sản do các trang trại bán ra hoặc các chương trình đảm bảo thu nhập cho người nông dân. (3) Trợ cấp xuất khẩu: đưa ra các quy định và cam kết quản lý trợ cấp đối với hàng nông sản xuất khẩu hay những biện pháp tương tự khác khiến cho hàng nông sản xuất khẩu có tính cạnh tranh giả tạo trên thị trường quốc tế.

Hiệp định cho phép các chính phủ khuyến khích khu vực kinh tế nông thôn, nhưng nên thông qua các chính sách ít làm biến dạng thương mại. Hiệp định còn cho phép có sự linh động trong việc thực thi các cam kết của Hiệp định. Các nước đang phát triển không cần phải giảm bớt trợ cấp hay cắt giảm thuế quan nhiều như các nước phát triển. Họ cũng có thời gian chuyển tiếp dài hơn để thực hiện các cam kết của mình. Các nước kém phát triển hoàn toàn không phải thực hiện những cam kết giống như của các nước phát triển và đang phát triển. Hiệp định cũng có những điều khoản đặc biệt giải quyết mối quan tâm của các nước phải nhập khẩu lương thực và các nước kém phát triển.



Theo CBPG
Báo cáo phân tích thị trường