Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vấn đề giảm diện tích lúa ở ĐBSCL: Phải có lộ trình!
13 | 08 | 2009
Có nên đặt ra vấn đề giảm diện tích lúa ở ĐBSCL ngay từ lúc này? Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ, đã có cuộc trao đổi cùng TBKTSG về vấn đề này, dưới góc nhìn của một nhà kinh tế.

TBKTSG: Theo ông, đặt vấn đề giảm diện tích lúa ở vựa lúa lớn nhất nước liệu có gặp phản ứng từ lãnh đạo một số địa phương, nhất là khi an ninh lương thực hiện vẫn được đặt lên hàng đầu?

- TS. Võ Hùng Dũng: Chắc chắn, nếu đưa điều này ra ngay bây giờ thì không những sẽ có phản ứng từ lãnh đạo địa phương, mà kể cả trung ương, bởi đóng góp của nông nghiệp (phần lớn từ cây lúa) rất lớn. Nhưng xưa nay những vấn đề tiên liệu trước, đi trước đều từ những chuyên gia, nhà khoa học là chính, sau đó nhờ thông tin truyền thông, để rồi đi đến các nhà lãnh đạo quyết định thì sẽ có độ trễ từ năm năm, thậm chí có vấn đề đến 10 năm.

Vấn đề giảm diện tích lúa không thể quyết định bây giờ được, bởi nó liên quan không những đến thể chế mà cả thị trường. Nhưng khi vấn đề đã được nhận thức thì sẽ được xử lý, từ đó được đưa vào kịch bản tương lai, chứ tôi không đặt ra vấn đề giảm diện tích lúa ngay từ bây giờ, bởi hàng triệu nông dân sẽ sống ra sao?

Nhưng vẫn cần cảnh báo để chúng ta xây dựng một kịch bản, một lộ trình công nghiệp hóa, đô thị hóa thế nào để giảm bớt lượng lao động trong nông nghiệp, bổ sung cho lĩnh vực khác. Như vậy, diện tích lúa giảm xuống mới tương ứng với lượng lao động được chuyển khỏi ngành nông nghiệp.

Sẽ phải quy hoạch lại những vùng đất sao cho trồng lúa có hiệu quả nhất để có hệ thống thủy lợi tốt nhất, giữ nước và đề phòng ngập mặn, có năng suất cao. Những vùng đất khác quy hoạch để làm công nghiệp, dịch vụ... Nông thôn sẽ thay đổi, số lao động dôi ra sẽ có việc làm. Phải đưa ra lộ trình để thực hiện.

TBKTSG: Giảm diện tích lúa có đồng nghĩa với việc chúng ta lãng phí tài nguyên thiên nhiên?

- Hiện nay, chúng ta lãng phí tài nguyên ở chỗ, cứ nghĩ nước là trời cho, mưa xuống là có nhiều, từ thượng nguồn đổ xuống, đặc biệt lúc mùa nước mênh mông thì cứ thấy dư thừa. Lại cứ nghĩ rằng nguồn nước trời cho kéo dài được mãi! Giai đoạn này không còn kéo dài được nữa.

Các nước thượng nguồn đang đắp đập, làm thủy điện, nhiều nước cũng đang trồng lúa trong mùa khô, chia sẻ một lượng nước lớn. Sông Mêkông sẽ “nhỏ” hơn lúc trước. Thêm vào đó là biến đổi khí hậu, gây ra xâm ngập mặn cao. Tất cả các thứ đó lại không được tuyên truyền, mà cứ nghĩ tài nguyên nước, kể cả tài nguyên đất là vô tận.

Đập thượng nguồn sẽ khiến phù sa cạn kiệt, thậm chí không còn nữa. Nước ngầm cũng đang cạn dần. Từ đó dễ thấy là cây trồng sẽ không đủ lượng nước cung cấp.

Chưa nói đến chuyện phát triển công nghiệp của các nước thượng nguồn, kể cả vùng ĐBSCL cũng đang đổ nước ra sông. Điều này sẽ khiến những đánh giá, suy nghĩ trước đây về tài nguyên vô tận đã lạc hậu. Cho đến nay, những cảnh báo rõ ràng, nhưng chúng ta vẫn còn đi theo “trục” cũ.

TBKTSG: Như vậy, phải tính đến chuyện điều chỉnh cơ cấu kinh tế ở ĐBSCL, bởi các ngành kinh tế chủ chốt vẫn dựa vào nguồn nước là chính, từ sản xuất nông nghiệp đến nuôi trồng thủy sản?

- Chắc chắn phải điều chỉnh. Nhưng điều đó có thể không xảy ra trong năm năm tới, vì chuyển đổi cơ cấu kinh tế phải qua quá trình từ năm, mười năm. Hiện nay kế hoạch năm năm tới vẫn dựa theo những “trục” cũ.

Sự thay đổi về lượng nước có thể chưa gây ra những tác động lớn từ bây giờ nhưng cần phải được cảnh báo. Cụ thể là cần có nhiều công trình nghiên cứu hơn với sự tham gia của các nhà kinh tế, nhà khoa học và phổ biến chúng rộng rãi, từ đó các nhà lãnh đạo địa phương sẽ có những thay đổi.

Nếu không chủ động, chúng ta sẽ tổn thất lớn, còn thay đổi sớm, sẽ thích nghi kịp.

(Theo Hồ Hùng - TBKTSG)



Báo cáo phân tích thị trường