Cách đây 10 năm, được sở hữu chiếc xe máy đã là mơ ước của nhiều nông dân Hải Dương nhưng nay đã có gần 40% số hộ nông dân sắm được xe máy; và những người có xe hơi cũng không ít.
Anh Nguyễn Văn Dũng, nông dân xã Bạch Đằng (huyện Kinh Môn), chủ sở hữu chiếc ô tô Lanos tâm sự: “Tôi mua chiếc xe này của một người họ hàng ở Hà Nội, giá hơn 200 triệu đồng. Đưa xe về nhà rồi, mà tôi vẫn ngỡ như đang mơ, bởi với nông dân chúng tôi, “cưỡi” xe hơi quả là điều xa xỉ”. Năm 1993, anh Dũng cưới vợ, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ chỉ trông vào hơn 1 sào ruộng khoán. Bạch Đằng là xã miền núi, đồng ruộng không được màu mỡ, vì thế dù vất vả làm ăn nhưng cuộc sống của vợ chồng anh Dũng rất khó khăn. Trong cái khó ấy, anh Dũng bàn với vợ sắm đồ nghề cho chị ở nhà vừa làm ruộng, vừa tranh thủ rửa xe máy thuê, còn anh đi học nghề sửa chữa xe máy. Học được nghề, anh về quê cùng vợ mở cửa hàng sửa chữa xe máy. Bằng nỗ lực và sự chắt chiu, vợ chồng anh tích luỹ được số vốn kha khá. Được một người bạn khuyến khích, anh Dũng quyết định sắm xe hơi, vừa có phương tiện chủ động đi lại, vừa làm dịch vụ cho khách, mang lại thu nhập khá.
ở huyện Kinh Môn còn có anh Hoàng Quang Tuấn ở xã Phúc Thành, nhờ vốn tích luỹ từ làm ruộng, sửa xe máy đã sắm được xe hơi Mazda 323 đã qua sử dụng, trị giá hơn 200 triệu đồng và chiếc xe 15 chỗ làm dịch vụ chuyên chở khách, giúp anh có thu nhập cao, trở thành “đại gia” trong xã; hay anh Nguyễn Văn Thương, nông dân xã Thăng Long sắm xe Matiz 4 chỗ làm phương tiện giao dịch, tìm đầu mối gom hàng vật liệu xây dựng.
Anh Trần Văn Tín, nông dân xã Nam Tân (huyện Nam Sách) sắm xe hơi xuất phát từ nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Anh cho biết: “Tôi đang sử dụng 8ha mặt nước làm kinh tế trang trại. Sản phẩm từ trang trại của tôi được tiêu thụ khắp trong và ngoài tỉnh, thậm chí còn xuất sang thị trường Trung Quốc, doanh thu mỗi năm 10 tỷ đồng. Muốn giao dịch với khách xa, xe máy không đáp ứng được nhu cầu công việc. Vì vậy, tôi quyết định mua xe hơi. Từ ngày có xe, việc làm ăn thuận lợi hơn hẳn.
Cũng xuất phát từ nhu cầu công việc, anh Trần Văn Nhạ ở xã Đoàn Tùng (huyện Thanh Miện), chủ trang trại tổng hợp rộng gần 4ha, đã mạnh dạn mua ô tô. Anh cho biết: “Trước đây, mỗi lần đi giao dịch với bạn hàng, tôi phải thuê xe ngoài, tốn tiền mà nhiều khi không chủ động. Do vậy, tôi dành gần 400 triệu đồng, mua chiếc xe 7 chỗ”.
ông Nguyễn Đức Vụ ở xã Hưng Đạo (huyện Tứ Kỳ) sắm xe đi khắp trong Nam ngoài Bắc nhập giống cá mới về ương, rồi cung ứng cho người nuôi thuỷ sản có nhu cầu trong và ngoài tỉnh; giao dịch chở hàng thuê cho khách có nhu cầu.
Làm chủ một trang trại cá giống rộng hơn 12ha, anh Nguyễn Đức Trí ở xã Hưng Đạo, do mối quan hệ khá rộng với các trung tâm giống thuỷ sản nước ngọt ở khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, thường xuyên đi nhận và giao hàng nên đã dành vốn hơn 1 tỷ đồng, sắm chiếc Camry 2.4 làm phương tiện giao dịch.
Anh Nguyễn Văn Sơn ở xã ứng Hoè (huyện Ninh Giang), chủ trang trại nuôi gia súc, gia cầm rộng 5ha được tôn vinh là một trong những “đại gia” nông dân đáng nể. Vì chỉ trong thời gian ngắn, vừa dùng vốn tái đầu tư sản xuất, anh vừa sắm được xe Camry 2.4, trở thành nông dân đầu tiên ở tỉnh Hải Dương được “cưỡi” xe hơi. Anh cho biết: “Nhờ có xe, tôi chủ động được kế hoạch duy trì và phát triển trang trại. Ngay giai đoạn này, giá lợn, gia cầm giảm mạnh, trong khi giá thức ăn chăn nuôi đứng ở mức cao, nếu không cân đối tốt, có thể bị lỗ hàng trăm triệu đồng. Nhưng nhờ tính toán hợp lý, hơn 50.000 con gà đẻ trứng vẫn giúp tôi lấy nguồn lãi để duy trì chăn nuôi lợn. Tôi đang có ý định mua thêm 2 xe tải chuyên dụng, đem sản phẩm làm ra bán trực tiếp cho những đầu mối tiêu thụ nội địa và cơ sở xuất khẩu uy tín, nhằm tăng doanh thu và lợi nhuận, hạn chế ép giá do phải bán qua trung gian”.
Những nông dân nêu trên đều là điển hình của phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”. Tin rằng với cơ chế, chính sách hợp lý về đất đai, đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ, cộng với ý chí làm giàu, sự năng động trong phát huy năng lực cá nhân, sẽ có thêm nhiều nông dân trở thành những ông chủ sở hữu xe hơi sang trọng. Đó cũng là con đường đưa nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, bám đuổi dần mức sống của nông dân trong khu vực và trên thế giới.