Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Những Hiệp định doanh nghiệp cần biết (kỳ 1)
09 | 11 | 2007
Việc VN gia nhập WTO về cơ bản đồng nghĩa với việc các DN VN bước vào một sân chơi rất rộng với vô số luật lệ vừa đa dạng vừa phức tạp. Cái khó không những ở chỗ phần lớn các DN VN chưa nắm và hiểu hết những luật lệ này là gì, ở những lĩnh vực nào mà còn ở chỗ dù VN đã cố gắng đến mức tối đa trong việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thương mại để có thể gia nhập WTO, nhưng cũng phải thừa nhận rằng pháp luật của chúng ta còn thiếu nhiều định chế và một số định chế chưa tương thích với pháp luật quốc tế.


Có lẽ các DN VN đang quan tâm nhiều tới việc sau khi gia nhập WTO thì họ phải tuân thủ những quy định nào của tổ chức thương mại quốc tế lớn nhất hành tinh này, mà cụ thể là những hiệp định nào đã được các nước thành viên WTO ký kết.

Hiệp định chung về thuế quan và thương mại

Hiệp định chung về thuế quan và thương mại 1994 với mục đích bãi bỏ hàng rào phi thuế quan đối với thương mại hàng hóa nhằm hạn chế số lượng như giấy phép, hạn ngạch, đặc biệt đối với hàng nông sản.

Những quy định trong hiệp định này là có lợi cho các DN XK hàng nông sản của VN, nhưng đồng thời nó cũng là điều mà các nhà sản xuất hàng nông sản của VN phải lưu ý khi đương đầu với hàng nông sản nước ngoài (nhất là các nước thành viên WTO có tiềm năng về hàng nông sản) xuất sang VN.

Hiệp định về hàng dệt và may mặc

Về hàng dệt và may mặc, trong WTO đã có Hiệp định về hàng dệt và may mặc. Hạn ngạch NK đã được xóa bỏ hoàn toàn sau khi hiệp định này hết hiệu lực vào ngày 31/12/2004. Đây là một thuận lợi lớn cho các DN dệt may VN khi xuất sang các nước thành viên WTO, đặc biệt là Mỹ và EU. Tuy nhiên, sau khi đã trở thành thành viên của WTO, chúng ta không được phép quên rằng chính VN cũng sẽ là nước NK loại hàng này từ các nước thành viên WTO khác mà họ có tiềm năng không kém hoặc hơn ta trong lĩnh vực này.

Hiệp định chống bán phá giá

Hiệp định về chống bán phá giá (thực thi Hiệp định chung về thuế quan và thương mại 1994). Đây là một hiệp định mà trong giai đoạn hiện nay các DN XK và DN sản xuất, các Hiệp hội ngành hàng của VN cần đặc biệt lưu tâm. Hiệp định đề ra các quy định cơ bản về phá giá, xác định quyền của các nước thành viên được đánh thuế chống bán phá giá đối với hàng NK phá giá.

DN XK VN đã có không ít bài học cay đắng trong các vụ kiện chống bán phá giá của nước ngoài đối với không ít mặt hàng XK của ta như cá tra, cá ba sa, giày dép, hàng may mặc, thậm chí cả với bút bi XK. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng do giá nguyên liệu đầu vào thấp, tiền công rẻ, giá thành hạ nên để chiếm lĩnh được thị trường muốn bán giá thấp bao nhiêu cũng được. Các chế định trong hiệp định này và trong các đạo luật về chống bán phá giá không cho phép các DN XK nước ngoài "gây thiệt hại" hoặc "có nguy cơ gây thiệt hại" cho ngành sản xuất trong nước. Nếu rơi vào trường hợp phải chịu thuế chống bán phá giá, DN VN có thể phải hứng chịu hậu quả là không XK được và sản xuất có thể bị đình trệ.

Ngược lại, các Hiệp hội ngành hàng và các DN sản xuất của VN cùng phải luôn có tư thế ứng phó khi hàng hóa của nước ngoài bán phá giá vào VN. Bởi vậy, các DN VN muốn tự bảo vệ mình thì phải biết thế nào là bán giá giá, cách hành xử khi có trường hợp hàng nước ngoài được bán phá giá vào nước ta. Câu chuyện này cũng không hề đơn giản một chút nào!

Hiệp định về hàng rào kỹ thuật

Hiệp định về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại cho phép các nước thành viên có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khoẻ, môi sinh, môi trường. Dù hiệp định đã đưa ra những nguyên tắc và tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm tránh lạm dụng những biện pháp này để tạo ra những rào cản thương mại (phi thuế) bất hợp lý, nhưng trên thực tế không ít nước đã đặt ra những rào cản kỹ thuật chưa thực sự công bằng và minh bạch nhằm hạn chế NK đối với một số hàng hóa nhất định trong bối cảnh mà họ cho là cần thiết.

Các nhà sản xuất và XK hàng nông sản, hải sản, thực phẩm của VN cần hết sức lưu ý về những biện pháp loại này khi XK hàng hóa của mình sang một thị trường cụ thể nào đó. Nếu không, dễ rơi vào tình trạng "tiền mất, tật mang".

Hiệp định về các biện pháp tự vệ

Hiệp định này thiết lập các quy tắc áp dụng biện pháp tự vệ trong trường hợp cần thiết với mục đích ngăn ngừa thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành sản xuất này. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới việc áp dụng các biện pháp tự vệ là việc nhập khẩu quá mức một mặt hàng nào đó, gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến ngành sản xuất nội địa đối với sản phảm tương tự hoặc sản phẩm cạnh tranh trực tiếp.

Bởi vậy, khi là nhà xuất khẩu, các DN VN cần lưu ý các biện pháp tự vệ của nước nhập khẩu như tạm thời tăng thuế nhập khẩu hoặc hạn chế định lượng nhập khẩu (biện pháp phổ biến và quan trọng). Có như vậy DN XK VN mới không bị động và tránh được những thiệt hại không đáng có.

Hiệp định về chống trợ cấp

Hiệp định này đề ra các biện pháp bảo hộ hợp pháp đối với hàng hóa sản xuất trong nước khi có sự cạnh tranh không lành mạnh (unfair compition) của hàng hóa nhập khẩu mà những hàng hóa này được sản xuất có sự trợ cấp của chính phủ xuất khẩu.

Xin được lưu ý các DN là ngoài các quy định về chống trợ cấp trong hiệp định này, các nước có đạo luật riêng về chống trợ cấp nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, như VN có Pháp lệnh chống trợ cấp. Những dấu hiệu để xác định trợ cấp là: có sự đóng góp về tài chính của chính phủ hoặc của một tổ chức công; hỗ trợ thu nhập hoặc trợ giá; quy định khối lượng trợ cấp dưới bất kỳ điều kiện nào. Điều đó cũng có nghĩa là các nước thành viên WTO không được cấp hoặc duy trì những khoản trợ cấp mà gây tác động xấu đến quyền lợi của các nước thành viên khác.

Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại

Về cơ bản, đây là một Hiệp định quy định về những biện pháp thương mại bị cấm tuy rằng không định ra các tiêu chí cụ thể đối với một biện pháp bị cấm. Dù vậy, trong hiệp định có đưa ra một danh mục mang tính tham khảo (đúng hơn là ví dụ) những biện pháp bị cấm với một số hướng dẫn chung như tỷ lệ nội địa hóa, tác động tới tiêu dùng trong nước, tới cán cân thương mại...

Hiệp định về nông nghiệp

Hiệp định này nhằm tạo ra điều kiện ngày càng thuận lợi đối với việc mua bán hàng hóa nông sản để ổn định và đảm bảo sự an toàn của nền nông nghiệp của các nước xuất siêu cũng như các nước nhập siêu hàng nông sản.

Theo Hiệp định, để mở cửa thị trường hàng nông sản thì phải dần loại bỏ các hình thức hạn chế nhập khẩu, nghĩa là ban đầu các hình thức hạn chế định lượng nhập khẩu phải được chuyển sang hình thức thuế quan, sau đó thuế quan phải được cắt giảm. Và cuối cùng là các hàng rào thương mại phi thuế quan (hạn chế khối lượng nhập khẩu, các loại phí áp đặt đối với nông sản nhập khẩu...) phải bị loại bỏ.

Ngoài ra, hiệp định cần quy định rằng trợ cấp xuất khẩu phải được cắt giảm kể cả về mặt giá trị và quy mô.

Như vậy, sau khi gia nhập WTO, các DN xuất khẩu hàng nông sản VN có cơ hội để mở rộng thị trường và tăng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, phải tránh việc dựa vào nhà nước để hưởng trợ cấp xuất khẩu, mà hậu quả khó lường trước được.

(TS Nguyễn Minh Chí - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - theo DDDN)


Báo cáo phân tích thị trường