Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kiến nghị về chính sách thương mại của các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam
22 | 08 | 2011
Phòng thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa chính thức công bố cuốn sách “Kiến nghị về chính sách thương mại của các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam”. Cuốn sách bao quát các vấn đề mà các doanh nghiệp hội viên của các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam quan tâm nhất như: Thuế, xuất nhập khẩu, quyền sở hữu trí tuệ, môi trường, cơ sở hạ tầng và ban hành văn bản pháp luật….
Cuốn sách được hình thành trên cơ sở các kiến nghị, đề xuất của 9 hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam: Hiệp hội Dệt may, hiệp hội Da giày, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản, Phòng thương mại và công nghiệp Tp HCM, Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM, Hội Doanh nhân trẻ TP HCM, Câu lạc bộ các nhà xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai, Hiệp hội doanh nghiệp TP Cần Thơ.
Kiến nghị quan trọng đầu tiên là về việc nâng cao chất lượng các văn bản pháp luật của Việt Nam. Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cần xác định rõ thời hạn các cơ quan liên quan phải ban hành văn bản hướng dẫn thi hành. Thực tế, việc nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành khá phổ biến, đặc biệt là việc nợ nghị định hướng dẫn thi hành các luật. Điều này vô tình làm giảm thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng thực hiện quy định mới.
Do đó, các văn bản luật cần phải chi tiết và cụ thể hơn nữa, giảm tình trạng thường xuyên phải “chờ đợi” văn bản hướng dẫn. Cùng với đó, là về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật cũng cần phải được thông tin chính xác. Thực tế, hiện nay vẫn còn có tình trạng các doanh nghiệp không nắm được một số văn bản luật hay nghị định đã hết hiệu lực hay chưa. Điều này gây nhiều rủi ro cho cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước có liên quan trong việc áp dụng hoặc tuân thủ quy định pháp luật.
Bên cạnh kiến nghị về chất lượng và hiệu lực các văn bản pháp luật, các hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho về thực hiện nghĩa vụ thuế. Ông Phan Đức Hiếu cho biết, hiệp hội doanh nghiệp đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp tự thiết kế thêm các mẫu chứng từ thay thế hóa đơn phục vụ cho hoạt động doanh nghiệp. Hiện Bộ Tài chính đã có Thông tư cho phép sử dụng hóa đơn điện tử. Các hiệp hội doanh nghiệp đề nghị mở rộng đối tượng được phép sử dụng loại hình hóa đơn này.
Với các thủ tục xuất nhập khẩu, hải quan, đại diện Hiệp hội Da giầy Việt Nam đề nghị cần nghiên cứu tiếp tục hài hòa mã số hàng hóa (mã HS) với thông lệ quốc tế, giảm sự khác biệt trong áp dụng mã số hàng hóa khi làm thủ tục xuất nhập khẩu…
Vấn đề về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng được các hiệp hội quan tâm, theo kiến nghị, việc thực hiện đánh giá tác động môi trường đã được thực hiện từ lâu nhưng thực tế lại nảy sinh nhiều bất cập như thủ tục rườm rà, tốn kém…. Hiện nay, báo cáo đánh giá tác động môi trường vẫn bị xem như một thủ tục mang nặng tính hình thức nhằm hợp lý hóa quá trình thẩm định và phê duyệt các dự án. Thực tế, báo cáo đánh giá tác động môi trường không ít nơi đã dùng thủ thuật bằng cách sử dụng những tài liệu sẵn có, từ những báo cáo trước đó, chỉnh sửa rồi nộp…. Vì thế, các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị, chỉ những dự án có quy mô lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến môi trường và tài nguyên (dự án quy hoạch, dự án phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy thủy điện, điện hạt nhân…) mới phải thực hiện đánh giá tác động môi trường. Còn với các dự án cụ thể khác, nên áp dụng phương pháp ký quỹ cam kết xử lý ô nhiễm môi trường...
Với những kiến nghị trên đây của các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ tạo ra được một kênh đối thoại với Chính phủ. Để từ đó, Chính phủ có những chính sách, cơ chế phù hợp góp phần giảm bớt những khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Theo cpv.org


Báo cáo phân tích thị trường