Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vai trò và xu hướng phát triển của hiệp hội doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập
02 | 08 | 2007
Một trong các cam kết quan trọng khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là Nhà nước sẽ không can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp càng được nâng cao. Điều này đã được thể hiện qua việc đa số các trường hợp tranh chấp, dàn xếp trong thương mại quốc tế là do các hiệp hội đứng ra thực hiện cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, ví dụ như vụ kiện bán phá giá philê cá tra, cá basa, sản phẩm giày mũ da,…

“Việc Việt Nam trở thành thành viên của WTO đã làm thay đổi vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp. Các hiệp hội sẽ nhận được nhiều đề nghị từ các thành viên là làm thế nào để tận dụng được cơ hội từ WTO bởi vì các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam không đủ năng lực theo dõi, thực hiện tất cả các cam kết WTO”, ông Hans Farnhammer[1] cho biết.

Sứ mạng mới của Hiệp hội

Theo ông Lương Văn Tự, Thứ trưởng Bộ Thương mại cho biết, trong quá trình hội nhập, cộng đồng doanh nghiệp vừa là đối tượng hưởng lợi từ khung pháp lý đang trở nên minh bạch hơn, môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, từ những cam kết cắt giảm thuế, được quyền tiếp cận thị trường của các thành viên WTO nhưng một thách thức lớn mà các doanh nghiệp phải đối mặt là các doanh nghiệp sẽ không được hưởng sự bảo hộ của Nhà nước.

Giáo sư Claudio Dordi, chuyên gia EU dự án Mutrap cũnng chỉ ra rằng gia nhập WTO, các doanh nghiệp Việt Nam không còn được hưởng hàng loạt bảo hộ từ phía Nhà nước như Chính phủ hay các cơ quan địa phương không được trợ cấp xuất khẩu hay nội địa hoá, ngoại trừ từ nay cho tới 1/2012 Chính phủ tiếp tục trợ cấp xuất khẩu dưới dạng ưu đãi đầu tư. Tiếp đó là trợ cấp trong nước phải được cấp trên cơ sở không phân biệt đối xử giữa trong nước và nước ngoài, giữa các doanh nghiệp có cùng nhu cầu và cùng tính chất hoạt động.

Ông cũng nhìn nhận xuất khẩu là một trong các khía cạnh quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam. Song xuất khẩu hàng hoá vào các thị trường trên thế giới hiện nay, các nước đều khống chế về mặt thị phần. Lợi ích của ngành hàng, của các doanh nghiệp sẽ ra sao trong quá trình hội nhập khi vấp phải các rảo cản thương mại (chống trợ cấp,chống bán phá giá…), Hiệp hội phải là người đứng lên đấu tranh.

Ông Hoàng Quang Phòng, Giám đốc Văn phòng Hiệp hội thuộc VCCI, cho rằng khi không còn khái niệm “cơ quan chủ quản” nữa thì nhu cầu cần có đại diện để hỗ trợ, tập hợp tiếng nói của của doanh nghiệp ngày càng trở nên cần thiết hơn. Với nhu cầu đó, hiệp hội phải tập hợp, liên kết doanh nghiệp, doanh nhân lại với nhau để cùng kinh doanh theo kiểu “buôn có bạn, bán có phường”. Hiệp hội phải liên kết sức mạnh của các doanh nghiệp và phải tăng tốc. Để làm được điều này, theo giáo sư Michel Kostecki, chuyên gia tư vấn EU, hiệp hội phải bắt tay hành động, đưa ra sáng kiến hay, tạo những “kịch bản hoàn hảo” nhất, phù hợp với bối cảnh WTO để đưa ra hành động và đồng thời làm cho hội viên thấy rằng họ đầu tư vào việc phát triển hiệp hội là có lợi.

Giáo sư Michel Kostecki, Chuyên gia tư vấn EU:

Hiệp hội quốc tế mạnh vì độc lập về tài chính

Ở một số nước Châu Âu, hiệp hội doanh nghiệp làm ăn rất hiệu quả tạo được lònh tin của hội viên, vì thế ngân sách của hiệp hội được đóng góp chủ yếu từ sự tự giác của các hội viên. Cho dù Chính phủ có gợi ý nhưng hiệp hội vẫn không nhận sự trợ cấp tài chính của Chính phủ, vì họ không muốn bị chi phối mà muốn hoàn toàn độc lập. Chính vì thế mà hiệp hội các nước này vô cùng mạnh về tài chính. Khi tài chính ổn định thì càng thu hút hội viên đóng góp.

Nguồn: Người Lao động

Có thể khẳng định, việc làm rõ chức năng và vai trò của hiệp hội có thể hỗ trợ doanh nghiệp tích cực hơn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài, củng cố và mở rộng thị trường nội địa, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin thị trường và khách hàng trong các doanh nghiệp hội viên; xác định được phương hướng liên kết, liên doanh và hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở tự nguyện của các hội viên; bảo vệ quyền lợi của các hội viên trong các vụ kiện bán phá giá hoặc chống bán phá giá; phản ánh trung thực ý kiến của các hội viên về quy hoạch và các chính sách phát triển sản xuất kinh doanh lên các cơ quan liên quan; hợp tác giữa các hiệp hội ngành hàng Việt Nam với các tổ chức hiệp hội ngành hàng quốc tế nhằm nâng cao vị thế và uy tín của các ngành hàng trong cộng đồng quốc tế; tăng cường hơn sự phối hợp giữa các bộ, ngành và các hiệp hội trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam đối với WTO.


[1] Ông Hans Farhanmmer, Bí thư thứ nhất của EC tại Việt Nam đã rút ra kết luận như vậy tại hội thảo “Các cam kết WTO và vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp” do VCCI và dự án Mutrap phối hợp tổ chức ngày 23/4 tại Hà Nội.



Trang Nhung (www.agro.gov.vn)
Báo cáo phân tích thị trường