Từ ngày 14-16/11 Kỳ họp ABAC lần thứ 4 và đối thoại giữa ABAC và lãnh đạo cấp cao APEC (18/11) chính thức diễn ra tại Hà Nội.
ABAC (APEC Business Advisory Coucil) là Hội đồng tư vấn kinh doanh chính thức của các nhà lãnh đạo APEC thành lập tháng 11/1995 theo yêu cầu của khu vực kinh tế tư nhân với mục tiêu tư vấn cho các nhà lãnh đạo về những vấn đề quan trọng hàng đầu liên quan tới hoạt động kinh doanh trong khu vực.
4 ưu tiên trong ABAC
ABAC là một cơ quan thường trực, đại diện cho tiếng nói độc lập của doanh nhân trong khuôn khổ hoạt động của APEC. ABAC là một tổ chức phi chính phủ duy nhất có cơ chế đối thoại đặc biệt trong khuôn khổ APEC về các ưu tiên trong lĩnh vực kinh doanh liên quan đến tài chính, thương mại và đầu tư, công nghệ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMES) cũng như các doanh nghiệp siêu nhỏ (micro enterprises)...
Ngoài ra ABAC có nhiệm vụ theo dõi tiến trình hoạt động của APEC trong việc tự do hoá thương mại và đầu tư thông qua các kế hoạch hoạt động của từng nền kinh tế thành viên. ABAC còn có trách nhiệm đưa ra khuyến nghị cho lãnh đạo các nền kinh tế APEC về hoạt động cho tương lai với mục tiêu cải thiện toàn diện môi trường kinh doanh.
ABAC gồm đại diện của 21 nền kinh tế thành viên. Mỗi nền kinh tế APEC được chỉ định tối đa 3 đại diện, lựa chọn từ các khu vực kinh tế tư nhân trong nước tham gia vào ABAC.
Các thành viên của ABAC do nguyên thủ các nền kinh tế APEC chính thức bổ nhiệm. Thành viên được bổ nhiệm sẽ đại diện cho khu vực kinh tế tư nhân ở mọi cấp độ, bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).
Ngoài ba thành viên chính thức, còn có thành viên dự khuyết. Thành viên dự khuyết cũng do nguyên thủ quốc gia chính thức bổ nhiệm để thay thế thành viên chính thức trong trường hợp thành viên chính thức vắng mặt tại các cuộc họp của ABAC.
Chủ đề của APEC 2006 là “Hướng tới một cộng đồng năng động vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng”. Trên cơ sở chủ đề chính và lĩnh vực ưu tiên của APEC 2006, ABAC Việt Nam đã cùng các thành viên ABAC xác định chủ đề vươn tới một cộng đồng APEC thịnh vượng và hài hoà. Trong đó các hoạt động của ABAC sẽ tập trung ưu tiên vào 4 vấn đề là tiến bước trên lộ trình Busan tiến tới mục tiêu Bogor; cùng xây dựng cộng đồng thịnh vượng, tăng cường hợp tác kinh tế và kỹ thuật; củng cố môi trường kinh doanh thuận lợi, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư; thúc đẩy liên kết, gắn kết cộng đồng APEC.
Những đóng góp trong năm APEC 2006
Trong năm APEC Việt Nam 2006, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam với tư cách Chủ tịch đã tham gia tổ chức và chủ trì 3 kỳ họp ABAC tại Singapore, Canada và Phillipines, tham gia kỳ họp với Hội đồng lãnh đạo Trung tâm quốc gia APEC của Hoa Kỳ, tham gia nhiều hoạt động khác của APEC tại Việt Nam.
Tại các kỳ họp, ABAC luôn kêu gọi chính phủ các nền kinh tế APEC có biện pháp mạnh mẽ hơn để vòng đàm phán Doha kết thúc tốt đẹp. ABAC cho rằng Chính phủ các nền kinh tế APEC nên có những biện pháp nhằm hỗ trợ cho chương trình nghị sự Doha thành công trong mọi lĩnh vực đàm phán: mở cửa thị trường hàng hóa công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, thuận lợi hóa thương mại. Nên có những nỗ lực xóa bỏ sự khác biệt trong kinh doanh hàng hóa nông nghiệp và đầu tư.
ABAC cho rằng quá trình tự do hóa đa phương đã đem lại những lợi ích đáng kể cho khu vực. Tuy nhiên, số lượng ngày càng tăng của các Hiệp định thương mại khu vực và các khu vực mậu dịch tự do đang làm phức tạp hóa hoạt động thương mại và đầu tư trong khu vực.
ABAC ủng hộ việc dự thảo và áp dụng một số khuôn mẫu và chuẩn mực cho các hiệp định thương mại và khu mậu dịch tự do, và đánh giá ảnh hưởng của chính sách “đối xử quốc gia” đối với tiến trình WTO.
ABAC cho rằng môi trường chính sách kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động kinh tế. Các nền kinh tế APEC cần có biện pháp chính sách mạnh mẽ hơn để duy trì sức cạnh tranh của mình.
Trước những khuyến nghị của doanh nghiệp về ưu tiên cải cách chính sách và xây dựng năng lực như hệ thống quy chế nặng nề, hệ thống thuế phức tạp, khó tiếp cận nguồn tài chính và luật lệ lao động cứng nhắc, ABAC kêu gọi các nhà lãnh đạo APEC cần có các hành động mạnh hơn nữa để tăng cường tính minh bạch và cải thiện môi trường kinh doanh.
Vấn đề năng lượng đang được ABAC đề nghị các nhà lãnh đạo APEC quan tâm hơn nữa. Hiện vẫn chưa có giải pháp ngắn hạn đối với áp lực trên thị trường năng lượng quốc tế.
ABAC đề nghị APEC và các Bộ trưởng năng lượng cần xây dựng chính sách chiến lược về năng lượng ở cả quy mô khu vực và quy mô quốc gia. ABAC cũng ủng hộ tiêu chuẩn để đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng, tăng cường trao đổi năng lượng qua biên giới, khuyến khích ứng dụng công nghệ đối với các nguồn năng lượng mới.
Với thành viên là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu, ABAC luôn xác định rằng tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng của khu vực được thúc đẩy bởi việc cải tiến công nghệ, và tiếp cận thông tin. Nhằm tạo cơ sở thúc đẩy tiến bộ công nghệ tương lai, ABAC đang tiến hành một dự án nghiên cứu về “Xã hội thông tin” của APEC lấy mốc thời gian năm 2010.
Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam khi Việt Nam đăng cai sự kiện quan trọng này cũng như việc Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch ABAC:
Chủ trương cơ bản của APEC là tạo ra diễn đàn hợp tác để đẩy mạnh tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa thương mại, tạo môi trường thuận lợi trong kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp có thể tiếp cận với các hiệp hội kinh doanh APEC để tìm kiếm các nguồn tài chính và vốn tại các ngân hàng thương mại từ khu vực tư nhân và Nhà nước. Các tổ chức cấp tín dụng xuất khẩu (ECAs) trong APEC đó đóng vai trò tiên phong trong việc đưa ra những sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp thông qua khảo sát nhu cầu trợ cấp xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp APEC.
Doanh nghiệp của các nền kinh tế thành viên APEC cũng được hưởng lợi từ nhiều chương trình hợp tác đào tạo và hỗ trợ nâng cao năng lực về kỹ năng quản trị kinh doanh, đàm phán hợp đồng, nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu... Hàng năm, APEC dành một khoản ngân sách tài trợ cho các dự án hỗ trợ doanh nghiệp trên cơ sở sáng kiến của từng nền kinh tế thành viên.
Vấn đề nữa là chuyển giao công nghệ thông tin, kỹ thuật từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Tham gia vào khối này là khối bao gồm các nước có vốn, có kỹ thuật, có thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp nhận công nghệ và tổ chức sản xuất tại Việt Nam.
Việt Nam hiện thâm hụt thương mại 5 tỉ USD vì chúng ta chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, có hàm lượng GTGT thấp. Muốn phát triển, tránh cạnh tranh Việt Nam cần phải đi vào phát triển ngành công nghệ chế tạo có giá trị gia tăng cao. Đây sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp.
Việc Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch ABAC là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế.
Tham gia ABAC, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội góp tiếng nói chung cùng cộng đồng doanh nghiệp APEC tư vấn cho các nhà lãnh đạo kinh tế APEC quá trình hoạch định chính sách hợp tác kinh tế chung và xây dựng các chương trình, dự án và sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện hoàn thiện và thuận lợi hoá môi trường kinh doanh. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt xu hướng phát triển kinh tế thế giới, chủ động tích cực tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp
Tại Hội nghị lần này, các thành viên ABAC Việt Nam đã kiến nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC cần sớm thống nhất để có thể nhanh chóng hình thành thị trường mậu dịch tự do trong khu vực APEC.
ABAC Việt Nam cũng đã chủ động đề xuất một số dự án và ý tưởng hợp tác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập như: một chính sách phát triển cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các chính sách về vốn; hỗ trợ đào tạo, giảm thiểu thủ tục hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp bằng cách giảm thiểu chi phí đầu vào (điện, viễn thông, vận tải...).
Hiện tại, theo số liệu thống kê của các tổ chức quốc tế, chi phí vận chuyển hàng bằng container từ Việt Nam đi nước ngoài đắt hơn Thái Lan; chi phí quỹ thời gian để xử lý một container khi xuất nhập cảnh ở Việt Nam là 7 ngày, trong khi tại Singapore chỉ mất có 10 phút. Do vậy, Việt Nam đang phấn đấu từ nay đến năm 2010 sẽ giảm 5% chi phí giao dịch cho doanh nghiệp...
Mặt khác, Việt Nam hiện có khoảng 250 ngàn doanh nghiệp và 3 triệu hộ kinh doanh cá thể. Khu vực tư nhân của Việt Nam đóng góp 50% GDP và 70% việc làm của xã hội và lực lượng này đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp tính theo đầu người của Việt Nam hiện vẫn còn rất nhỏ. Nếu như tỷ lệ này trung bình trên thế giới là 20 người dân có một doanh nghiệp (Mỹ, Nhật Bản thì cứ 10 người dân có một doanh nghiệp), thì ở Việt Nam cứ 800 người dân mới có 1 doanh nghiệp. Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2020 có 4 triệu doanh nghiệp.
Với tư cách là Chủ tịch ABAC, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đã tập hợp các ý kiến đóng góp từ giới doanh nghiệp và tập hợp lại thành một bản gồm 74 khuyến nghị để đệ trình lên các nhà lãnh đạo kinh tế APEC nhằm tạo một môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và đầu tư.
Là nước chủ nhà của năm APEC 2006, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang rất háo hức đón chờ các sự kiện trong tuần lễ cấp cao APEC. Nói như ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch ABAC 2006 thì đây là cơ hội “vàng” để các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá về mình cũng như học hỏi kinh nghiệm của các doanh nghiệp đến từ nền kinh tế thành viên.