Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để APEC vận hành hiệu quả hơn
14 | 06 | 2007
Tháng 11 tới đây, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ được tổ chức tại Hà Nội, với sự tham gia của 21 nguyên thủ quốc gia và nền kinh tế trong khu vực (trong đó có Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Canada, và Mexico).

Theo dự báo, một số vấn đề chính thu hút sự quan tâm của khu vực như tự do hóa thương mại, khủng hoảng an ninh và sức khỏe v.v... sẽ tiếp tục là trọng tâm của chương trình nghị sự theo phương châm để giải quyết phải có sự phối hợp đa phương.

Tuy vậy, có lẽ điều quan trọng mà APEC phải làm là không chỉ ra những tuyên bố chung về các vấn đề có liên quan, mà còn phải tổ chức thực hiện tốt những tuyên bố chung này.

Như đã biết, APEC không có cơ chế bắt buộc thi hành và vì thế không thể buộc các nước thành viên hành động. Do đó, những tuyên bố chung như thế này thường chỉ thu hút được sự quan tâm của giới học giả.

Những tuyên bố chung này còn che mờ một thực tế rằng các nước thành viên có một sự khác biệt lớn đối với một số trong những vấn đề quan tâm của khu vực, đặc biệt tự do hóa thương mại. Điều này làm giảm đi sức nặng của lời kêu gọi của tổ chức này về một sự linh hoạt cần có trong các đàm phán về nông nghiệp.

Vì vậy, có lẽ một trong những việc chính cần phải làm tại APEC- 2006 ở Hà Nội lần này, và trong các lần sau, là khắc phục điểm yếu này, biến APEC thành một tổ chức hiệu quả hơn và hướng vào hành động nhiều hơn, với nhiều kết quả hơn. Để làm được việc này, trước tiên, APEC cần khắc phục được những hạn chế liên quan đến nguyên tắc không bắt buộc, theo thỏa thuận, của tất cả các nghị quyết, sáng kiến chung.

Thực tế là hành động của một thành viên theo một sáng kiến của tổ chức này là dựa trên sự tự nguyện cũng làm giảm rất nhiều tính hiệu quả của APEC.

Một trong những ví dụ điển hình về điểm yếu trong mô hình hoạt động của APEC có thể thấy rõ qua vấn đề giá dầu mỏ tăng cao và tác động tiêu cực lên các nền kinh tế thành viên. APEC đã thống nhất xử lý vấn đề này bằng cách khuyến khích sử dụng và bảo tồn năng lượng một cách hiệu quả, và đa dạng hóa nguồn năng lượng tránh chỉ dựa vào năng lượng hóa thạch. Nhưng APEC lại không đề ra được một chương trình hành động cụ thể nào cho các thành viên để đạt được mục tiêu này.

Một ví dụ khác là APEC cũng đã hứa nghiên cứu “các vấn đề về bất bình đẳng kinh tế và xã hội” và sẽ “tăng cường hợp tác kỹ thuật và kinh tế để đảm bảo phát triển công bằng và thịnh vượng chung trong khu vực” theo sáng kiến của Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun. Nhưng sự quá đa dạng của các nền kinh tế trong khu vực (bao gồm, ví dụ, cả Mỹ và Papua New Guinea), chưa nói đến sự nhạy cảm chính trị của những vấn đề này, những sáng kiến này chắc sẽ không mang lại mấy kết quả.

Ngoài ra, lưu ý rằng mối quan tâm chính của APEC đã và sẽ tiếp tục là tự do hóa thương mại. Tại hội nghị ở Bogor, Indonesia, năm 1994, APEC đã cam kết thiết lập khu vực tự do thương mại vào năm 2010 cho các nước phát triển, và vào năm 2020 cho các nước đang phát triển.

Thế nhưng, tiến độ hướng tới mục tiêu đầy tham vọng này lại rất chậm. Đáng chú ý hơn, xu hướng diễn ra trên thực tế lại là sự nở rộ các thỏa thuận tự do thương mại song phương (FTA) chứ không phải là tự do thương mại đa phương trong khu vực. Một loạt FTA đã được ký kết giữa các nước thành viên gần đây, như giữa Nhật và Chile, Trung Quốc và New Zealand, và Hàn Quốc và Peru v.v...

Nhiều nhà quan sát lo ngại rằng xu thế này sẽ làm cản trở đến các giao dịch thương mại trong khu vực vì quá phức tạp và tốn kém thêm (ví dụ, do bất đồng về quy định xuất xứ), và cuối cùng sẽ làm giảm khả năng thực thi các sáng kiến đa phương và khu vực.

Ngay trong nội bộ APEC cũng có những bất đồng sâu sắc. Có thể thấy điều này qua chuyện bảo hộ nông nghiệp. Nhật và Hàn Quốc là 2 nước bảo hộ quyết liệt ngành nông nghiệp của họ. Một số quốc gia thành viên khác (như Australia và Canada) đã lên tiếng chỉ trích chính sách bảo hộ của 2 nước này và cho rằng đó là nguyên nhân của thất bại ở vòng đàm phán Doha của WTO về nông nghiệp.

Hơn thế nữa, Nhật đã tỏ ý sẽ đứng bên cạnh EU, là khu vực bị chỉ trích nặng nề vì miễn cưỡng cắt giảm mạnh trợ cấp nông nghiệp, trong các đàm phán với WTO về cùng vấn đề, mặc dù họ đã ký vào thỏa thuận chung của APEC kêu gọi các thành viên có “sự linh động cần thiết” để phá vỡ “thế bế tắc trong các đàm phán về nông nghiệp”.

Có thể thấy đây là một minh chứng thêm về “gót chân Asin” trong các tuyên bố chính thức của APEC.

Nếu APEC không có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng các thành viên xem nhẹ những nghị quyết của APEC như vậy thì sẽ khó có thể nói rằng tổ chức này sẽ có thêm uy tín trong tương lai, đặc biệt khi mà mục tiêu cơ bản của APEC - tự do hóa thương mại đa phương - đã không thực hiện được khi vòng đàm phán của cấp bộ trưởng của các thành viên WTO tại Hồng Kông đi vào bế tắc.

Đây cũng chính là một việc lớn khác mà APEC phải giải quyết hữu hiệu để tiếng nói của tổ chức này trở nên có trọng lượng trong các vấn đề chính trị, kinh tế, và xã hội ở phạm vi toàn cầu và trong khu vực.



TS. Phan Minh Ngọc (Đại học Kyushu, Nhật Bản), TBKT
Báo cáo phân tích thị trường