Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
APEC 2006: Sẽ đậm dấu ấn Việt Nam
19 | 06 | 2007
“Chúng ta làm hết sức và mong muốn sau khi tham dự APEC 2006, các thành viên APEC sẽ nhớ về Việt Nam, muốn quay lại Việt Nam để du lịch, để đầu tư và hợp tác. Tôi nghĩ rằng dấu ấn này sẽ hỗ trợ chúng ta rất nhiều trong tiến trình hội nhập khu vực và toàn cầu.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng đã cho biết như vậy.

Thưa Thứ trưởng, tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 được tổ chức tại Việt Nam, những nội dung chính nào sẽ được các nhà lãnh đạo APEC đặt lên bàn nghị sự để thảo luận?

Theo thông lệ của các hội nghị cấp cao trước đây, các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC sẽ thảo luận hai nội dung chính là kinh tế - thương mại và vấn đề phi kinh tế - thương mại tại hai phiên họp kín.

Tại hội nghị cấp cao lần này trong phiên họp diễn ra từ ngày 18-19/11, các Nhà lãnh đạo APEC sẽ tập trung vào hai chủ đề.

Một là, “Đẩy mạnh thương mại, đầu tư trong một thế giới đang thay đổi”, trọng tâm là các vấn đề WTO và vòng đàm phán Doha, các thoả thuận mậu dịch tự do khu vực và song phương (RTAs/FTAs); Kế hoạch Hành động Hà Nội thực hiện lộ trình Bussan và các biện pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện mục tiêu Bogor. Đây là những nội dung rất quan trọng nhằm tiếp tục triển khai Lộ trình Busan được thông qua năm ngoái tại Hàn Quốc, cũng như các mục tiêu APEC đã thông qua trước đây.

Hai là, “những nhân tố cơ bản đảm bảo tính năng động, tăng trưởng và phát triển bền vững trong APEC”, tập trung vào các vấn đề an ninh con người, hợp tác kinh tế kỹ thuật (Ecotech), và một số vấn đề khác, trong đó có cải cách APEC.

Các nội dung trên không chỉ phục vụ cho chủ đề năm APEC 2006 là “Hướng tới một cộng đồng năng động vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng” mà còn đảm bảo tính liên tục trong sự phát triển của tiến trình APEC những năm qua và trong thời gian tới.

Công tác chuẩn bị cho những nội dung nêu trên tại Tuần lễ Hội nghị cấp cao của Việt Nam đã sẵn sàng, thưa Thứ trưởng?

Sau 11 tháng tổ chức một chuỗi những hoạt động của APEC với một loạt các sự kiện lớn, Việt Nam đã điều hành, chủ trì tốt về mặt nội dung trong khuôn khổ APEC 2006, đặc biệt tại các hội nghị bộ trưởng, hội nghị SOM.

Kết quả thành công của các Hội nghị trên sẽ tạo cơ sở thuận lợi để chuẩn bị cho hội nghị quan trọng tại tuần lễ cấp cao này. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng một số nội dung và đưa ra một số sáng kiến quan trọng để các thành viên trao đổi thảo luận để đệ trình lên các nhà lãnh đạo cấp cao xem xét và thông qua.

Ở bất kỳ một hội nghị APEC nào nước chủ nhà cũng muốn tạo dựng hình ảnh của mình, vậy hình ảnh của Việt Nam tại hội nghị APEC 14 này là gì?

Với tư cách là nước chủ nhà, chúng ta phải tuân theo những thông lệ và truyền thống của APEC. Nhưng bất kỳ nền kinh tế thành viên nào cũng đều muốn ghi dấu ấn của mình. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân chúng ta đều có ý nguyện làm sao sau năm 2006 tiến trình hợp tác APEC sẽ mang theo mình dấu ấn của Việt Nam.

Cụ thể, trong suốt năm 2006 đã có rất nhiều nét của Việt Nam được thể hiện trong tiến trình APEC, trong đó có 3 dấu ấn theo tôi sẽ làm cho tên Việt Nam, hình ảnh Việt Nam được các nền kinh tế APEC tôn vinh.

Chúng ta đã đưa ra chủ đề của năm APEC 2006 cho hôm nay và cho tương lai của APEC và được các nền kinh tế APEC đánh giá rất cao. Đồng thời, về mặt nội dung chúng ta đã đưa ra được nhiều sáng kiến và nhiều nội dung thiết thực quan trọng.

Đến bây giờ tôi có thể thông báo những nội dung, sáng kiến Việt Nam đưa ra đều đạt được kết quả. Nổi lên là kế hoạch hành động Hà Nội. Từ nay đến năm 2020 khi APEC đạt được mục tiêu Bogor thì kế hoạch hành động Hà Nội là định hướng cụ thể để triển khai mục tiêu đó. Cũng trong thời gian đó, các nền kinh tế sẽ luôn nhắc đến Việt Nam nhắc đến Kế hoạch hành động Hà Nội trong mỗi kỳ họp.

Một điểm nữa cũng ghi dấu ấn Việt Nam đó là tiến trình cải cách APEC. Lâu nay yêu cầu cải cách trong APEC vẫn chưa được triển khai và chỉ đến năm 2006, Việt Nam chúng ta mới đưa ra chủ hướng cải cách APEC sao cho có hiệu quả hơn, năng động hơn, cải cách để nâng liên kết trong APEC và ngoài APEC lên.

Chỉ mới gần một năm thôi, nhưng những bàn thảo và nhất trí để tiến tới cải cách APEC đã đạt được kết quả đáng mừng. Hầu hết các nền kinh tế đều cho rằng năm APEC Việt Nam 2006 là năm cải cách APEC.

Dấu ấn thứ ba nữa cũng rất tốt đẹp, đó chính là tình cảm, lòng mến khách, tính nhân văn của người Việt Nam thông qua cách đón tiếp, tổ chức hội nghị kể cả về nội dung và hình thức.

Chúng ta đã làm hết sức và mong muốn sau khi tham dự hội nghị APEC 2006, các thành viên APEC sẽ nhớ về Việt Nam, muốn quay lại Việt Nam để du lịch, để đầu tư và hợp tác. Tôi nghĩ rằng dấu ấn này sẽ hỗ trợ chúng ta rất nhiều trong tiến trình hội nhập khu vực và toàn cầu.

Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao APEC 2006, một loạt các hoạt động song phương cũng sẽ diễn ra giữa các nền kinh tế thành viên, trong đó có chuyến thăm của Tổng thống Mỹ George W.Bush với hi vọng ông sẽ đến Việt Nam cùng với Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR). Tuy nhiên, với kết quả bầu cử của Mỹ những ngày qua cho thấy khả năng Tổng thống Mỹ sang dự APEC Việt Nam 2006 mà không có PNTR. Phản ứng của Việt Nam ra sao nếu như Mỹ không kịp làm việc này, thưa Thứ trưởng?

Phản ứng của Việt Nam trong việc này cũng là phản ứng bình thường như các quốc gia khác nếu trong hoàn cảnh tương tự như Việt Nam.

Trước hết cả phía Việt Nam và Mỹ đều muốn giải quyết những vấn đề còn tồn tại như vấn đề PNTR và Chính phủ hai bên đã phấn đấu để khi Tổng thống George W.Bush sang Việt Nam vấn đề này đã được giải quyết.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định lại việc Quốc hội Mỹ thông qua PNTR với Việt Nam không phải chỉ Việt Nam có lợi mà sẽ có lợi cho cả Việt Nam và Mỹ, cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Nếu thông qua được PNTR là Việt Nam và Mỹ đã hoàn thiện được quá trình bình thường hoá trong quan hệ hai nước. Chúng tôi tin tưởng phía Mỹ sẽ cố gắng hoàn tất thủ tục về mặt pháp lý để sớm thông qua được PNTR.

Còn nếu không thông qua được là điều đáng tiếc cho cả Việt Nam và Mỹ. Điều đó có nghĩa là Việt Nam và Mỹ phải phấn đấu tiếp. Quốc hội Mỹ thông qua PNTR sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Mỹ, nhà đầu tư của Mỹ có cơ sở vững chắc khi tham gia kinh doanh ở Việt Nam. Nhưng cũng phải khẳng định rằng dù có hay không có PNTR thì phía Việt Nam vẫn sẽ làm hết sức mình để cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ thành công.



Hà Linh ghi
Báo cáo phân tích thị trường