Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhìn lại 8 năm quan hệ kinh tế Việt Nam-APEC
31 | 07 | 2007
Việt Nam là nước có hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu bình quân đầu người thấp nhất trong các nước và vùng lãnh thổ là thành viên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). So sánh như vậy là để thấy nếu biết tận dụng cơ hội, hạn chế thách thức của năm APEC Việt Nam này, thì Việt Nam sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn.

Sớm nhận biết vị trí địa - kinh tế, địa - chính trị của Diễn đàn APEC, Việt Nam đã nộp đơn gia nhập tháng 6/1996 và được kết nạp năm 1998. Tuy mới có 8 năm, nhưng quan hệ giữa APEC và Việt Nam đã có bước phát triển khá ấn tượng về các lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch.

Đầu tư trực tiếp (FDI) của các thành viên APEC vào Việt Nam tính từ năm 1988 đến hết tháng 9/2006 có 6.527 dự án, với tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung lên đến 49391,5 triệu USD, chiếm 83,1% về tổng số dự án và chiếm 69,2% về tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tương ứng. Trong 14 nước và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam (trên 1 tỷ USD) thì APEC đã có 10 “đại gia”.

Chỉ với 10 nước và vùng lãnh thổ trên, lượng vốn đầu tư đăng ký đạt 47273,3 triệu USD, chiếm 95,7% APEC và chiếm 66,2% tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

APEC cũng là Diễn đàn có lượng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam so với các khu vực khác; trong đó Nhật Bản là nước có số vốn cam kết và giải ngân lớn nhất trong tất cả các nước và các tổ chức trên thế giới. Nguồn vốn này đã góp phần cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội và cân đối ngân sách của Việt Nam.

Xuất khẩu của Việt Nam vào các nước và vùng lãnh thổ thuộc APEC cũng khá lớn và tăng khá qua các năm.

Xuất khẩu của Việt Nam vào đây năm 2005 đã chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu sang tất cả các nước trên thế giới. Trong 7 nước nhập khẩu lớn nhất (trên 1 tỷ USD) của Việt Nam, thì APEC đã có 5 và đây cũng là 5 “đại gia” đứng hàng từ thứ nhất đến thứ năm: Mỹ: 5.930,5 triệu USD; Nhật bản: 4.411,2 triệu USD; Cộng hòa nhân dân Trung Hoa: 2.961 triệu USD; Australia: 2.570,2 triệu USD; Singapore: 1808,5 triệu USD.

Chỉ với 5 nước này đã đạt 17.681 triệu USD, chiếm 76,1% APEC và chiếm 54,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Nhập khẩu của Việt Nam từ APEC cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất so với tổng số: năm 1995 đạt 6,5 tỷ USD, chiếm 79,6%; năm 2000 đạt 13 tỷ USD, chiếm 81,3%; năm 2002 đạt 15,8 tỷ USD, chiếm 80%; năm 2003 đạt 20,1 tỷ USD, chiếm 79,4%; năm 2004 đạt 25,7 tỷ USD chiếm 83,8%; năm 2005 đạt 29,9 tỷ USD, chiếm 80,7%.

Trong các mặt hàng mà Việt Nam nhập từ khu vực này thì hàng thô, sơ chế chiếm khoảng 20,9%, hàng đã qua chế biến chiếm 78,9%, trong đó máy móc, phương tiện vận tải và phụ tùng chiếm 31%. Cả 8/8 “đại gia” mà Việt Nam nhập khẩu trên 1 tỷ USD đều là thành viên APEC.

Cộng hòa nhân dân Trung Hoa: 5.778,9 triệu USD; Singapore: 4.597,6 triệu USD; Đài Loan: 4.329 triệu USD; Nhật Bản 4.093 triệu USD; Hàn Quốc 3.600,5 triệu USD; Thái Lan: 2.393,2 triệu USD; Malaysia: 1.258,6 triệu USD; Hong Kong 1.235,8 triệu USD.

Chỉ với 8 thị trường này đã đạt 27.286,6 triệu USD, chiếm 91,3% APEC và chiếm 73,8% tổng số.

Mới tham gia trong thời gian ngắn, nhưng quan hệ giữa APEC và Việt Nam đã có bước phát triển khá, đạt quy mô tương đối lớn. Năm 2006 được coi là năm APEC của Việt Nam, với nhiều hội nghị quan trọng, sẽ là thời cơ để Việt Nam nâng tầm quan hệ lên mức cao hơn nữa để thực hiện mục tiêu thoát khỏi nước kém phát triển trước năm 2010 và cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ra đời vào tháng 11/1989 với 12 thành viên (Australia, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, ThaiLand, Philippines, Singapore, Brunei, Indonesia, New Zealand, Canada, Mỹ). Đến năm 1991 kết nạp thêm 3 thành viên (Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Hong Kong, Đài Loan). Đến năm 1993 có thêm 2 thành viên (Mexico, Papua New Guinee). Đến năm 1994 có thêm Chile. Đến năm 1998 có thêm 3 thành viên (Việt Nam, Liên bang Nga, Pêru). Đến nay, APEC có 21 nước và vùng lãnh thổ là thành viên.

APEC có diện tích 62.620,1 nghìn km2; dân số năm 2005 đạt 2.647,6 triệu người; mật độ dân số 42,3 người/km2; GDP đạt 23.008 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 8.739 USD; kim ngạch xuất khẩu đạt 4.038,5 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 1.533,9 USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 4.446,4 tỷ USD; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cộng dồn đến hết năm 2004 đạt 3.641,8 tỷ USD; tổng dự trữ quốc tế (không kể vàng) đạt 2.347,3 tỷ USD.



(Theo www.vneconomy.com.vn)
Báo cáo phân tích thị trường