Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Làm gì để hạn chế rủi ro từ khủng hoảng ở Mỹ?
17 | 09 | 2008
Cả thị trường tài chính thế giới rúng động bởi cuộc khủng hoảng tín dụng Mỹ đang lan rộng. Cần phải làm gì để giảm thiểu sự tác động xấu của sự kiện này đến kinh tế Việt Nam? Tiến sĩ Võ Trí Thành - Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) chia sẻ với VietNamNet: "Trước nguy cơ sụt giảm kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô và gìn giữ niềm tin".
>> Toàn cảnh khủng hoàng kinh tế Mỹ 2008

- Kinh tế Mỹ đang đứng trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Ông có thể dự báo tác động trực tiếp của việc kinh tế Mỹ đi xuống đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam?

TS Võ Trí Thành - Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương).

TS Võ Trí Thành: Là một siêu cường kinh tế, đóng góp 1/4 GDP, chiếm 15% tổng kim ngạch nhập khẩu trung bình hằng năm của thế giới, nên tác động của kinh tế Mỹ đến thế giới là rất rõ trên các phương diện thương mại, đầu tư, tài chính... Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm gần 20% tổng kim ngạch XK của Việt Nam).

Đồng thời Mỹ cũng là nhà đầu tư (NĐT) lớn, nếu cộng cả giá trị đầu tư qua các nước thứ 3 thì Mỹ là NĐT số 1 vào Việt Nam trong nhiều năm qua. Vì vậy, sự sụt giảm của kinh tế Mỹ chắc chắn là có tác động trực tiếp và gián tiếp (với những mức độ khác nhau) đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vốn cao và thường mang tính dài hạn nên sẽ không bị ảnh hưởng nhiều lắm, nhưng vốn đầu tư gián tiếp (FII) thì có thể có chịu ảnh hưởng ở mức độ nào đó. Trong bối cảnh suy thoái đang lan rộng ra toàn cầu, các định chế tài chính sẽ phải xem xét lại chiến lược đầu tư và danh mục đầu tư của mình. Điều đó có thể sẽ dẫn đến những điều chỉnh nhất định đến dòng đầu tư vào thị trường vốn (cổ phiếu và trái phiếu) Việt Nam. Lưu ý là các nhà ĐTNN chiếm 40%-50% giá trị giao dịch và khoảng 25%-30% cổ phiếu trên TTCK Việt Nam.

"Đặc biệt, lòng tin của công chúng và NĐT vào sự ổn định của nền kinh tế còn mong manh. Biểu hiện là các đợt “sốt” giá gạo, giá USD, vàng, giá xăng,... gắn với các tin đồn thổi thiếu căn cứ.

Dòng tiền vẫn chạy vòng quanh vào các loại tài sản theo kỳ vọng ngắn hạn với tâm lý giữ giá trị và/hoặc đầu cơ. Hệ thống tài chính, ngân hàng còn nhiều rủi ro, khả năng chống đỡ các “cú sốc” của nhiều ngân hàng thương mại yếu."
Tuy nhiên, cũng không nên quá lo lắng là khủng hoảng tài chính của Mỹ sẽ tác động rất tiêu cực đến các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam. Các nước Đông Á có quan hệ gắn bó với kinh tế Mỹ, nhưng mức độ ảnh hưởng sẽ không sâu như các nước ở châu Âu, tăng trưởng kinh tế có thể giảm nhưng nhiều khả năng các nước Đông Á giữ được mức tăng trưởng dù chậm lại (theo nhiều dự báo là cả trong năm 2008 và 2009) song vẫn cao tương đối so với các khu vực khác. Vấn đề đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam là sự lựa chọn khôn ngoan việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời với việc giảm tổn phí về mặt xã hội.

- Nhiều người nói là kinh tế vĩ mô Việt Nam đã tương đối cải thiện nhưng kinh tế vi mô lại đang bộc lộ các vấn đề khá tiêu cực. Ông bình luận thế nào về vấn đề này?

TS Võ Trí Thành: Đúng là thời gian qua, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam được ít nhiều cải thiện, đó là: tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm, nhập siêu thu hẹp, áp lực lên cán cân thanh toán quốc tế và thị trường ngoại hối giảm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao, tình hình thanh khoản của các NHTM tương đối ổn định…

Tuy nhiên, mức độ bất ổn của kinh tế vĩ mô vẫn đáng lo ngại. Lạm phát tính theo năm còn rất cao, tới 28,3% vào tháng 8/2008 và dự báo vẫn sẽ trong khoảng 26%-29% vào cuối năm 2008 (mức cao nhất trong khu vực). Thâm hụt thương mại vẫn lớn, 8 tháng đầu năm lên tới 16 tỷ USD và dự báo tới trên dưới 20 tỷ USD cho cả năm 2008.

Đặc biệt, lòng tin của công chúng và NĐT vào sự ổn định của nền kinh tế còn mong manh. Biểu hiện là các đợt “sốt” giá gạo, giá USD, vàng, giá xăng,... gắn với các tin đồn thổi thiếu căn cứ.

Dòng tiền vẫn chạy vòng quanh vào các loại tài sản theo kỳ vọng ngắn hạn với tâm lý giữ giá trị hoặc đầu cơ. Hệ thống tài chính, ngân hàng còn nhiều rủi ro, khả năng chống đỡ các “cú sốc” của nhiều ngân hàng thương mại yếu. Vấn đề an sinh xã hội như mất việc làm, khó khăn đối với người nghèo, người thu nhập thấp trở nên nặng nề hơn. Nếu không nhận thức đúng vấn đề và có các biện pháp kịp thời để giải quyết các vấn đề vi mô thì chính vi mô sẽ ảnh hưởng làm hạn chế kết quả vĩ mô.

Trước nguy cơ sụt giảm kinh tế toàn cầu, VN cần ổn định kinh tế vĩ mô và gìn giữ niềm tin.


- Khủng hoảng tài chính Mỹ sẽ khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để hạn chế ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đến thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán của mình?

TS Võ Trí Thành: Vào thời điểm trước sự kiện NH Lehman Brothers đệ đơn xin bảo hộ phá sản (15/9), Merrill Lynch tuyên bố chấp thuận bán cho Bank of America với giá 44 tỉ USD, Tập đoàn bảo hiểm AIG phải cầu cứu Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho vay 40 tỉ USD… dự báo kinh tế thế giới và kinh tế Mỹ năm 2008 và 2009 đã bi quan hơn. IMF cho là tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2008 có thể đến 3,7% nhưng Liên hiệp quốc, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra những con số thấp hơn, trong khoảng từ 1,8%-2,8% (thấp hơn so với năm 2007); tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2008 có thể chỉ là 1,2%-1,5%.

TIN LIÊN QUAN
Theo nhiều dự báo, cả kinh tế thế giới và kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng còn chậm hơn trong năm 2009. Nay nhiều định chế tài chính hàng đầu của Mỹ đã, đang và có thể còn lâm vào tình trạng phá sản, sáp nhập, cầu cứu… sẽ tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Mỹ và có thể khiến các con số dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu và kinh tế Mỹ còn thấp hơn. Cựu Chủ tịch Fed A. Greenspan cho rằng khả năng vượt qua cơn bão tài chính hiện nay của Mỹ là dưới 50%.

Với tính chất xuyên quốc gia và có sự liên thông giữa các thị trường, thị trường tài chính toàn cầu, Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng. Điều mà Việt Nam cần làm trước tiên là phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô gắn với xây dựng và củng có niềm tin của công chúng và các NĐT. Niềm tin rất quan trọng. Ví dụ làm sao cho công chúng không chỉ biết CPI giảm khi được thông báo mà họ phải kỳ vọng là CPI sẽ giảm và kinh tế vĩ mô sẽ dần bình ổn.

Đồng thời, Việt Nam cũng phải tính sẵn các kịch bản (tạm thời xấu) để có phản ứng kịp thời nếu tình huống tương tự xảy ra. Bài học về việc chậm phản ứng chính sách trong năm 2007 và 3 tháng đầu năm 2008 dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực đối với việc ổn định kinh tế vĩ mô vẫn còn nguyên giá trị.

Bên cạnh đó phải có phương án xử lý các vấn đề an sinh xã hội, khó khăn của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (có tiềm năng), nợ xấu hệ thống ngân hàng…Các định chế tài chính, đặc biệt là các NHTM cổ phần nhỏ phải quan tâm đặc biệt đến quản trị rủi ro. Bộ Tài chính, NHNN, UBCK Nhà nước tiếp tục phải giám sát rất chặt chẽ hệ thống tài chính và thị trường tài chính.

- Dự báo của ông về diễn biến TTCK Việt Nam từ nay đến cuối năm 2008?

TS Võ Trí Thành: Dao động của TTCK Việt Nam là không tránh khỏi, mà dao động của TTCK Việt Nam thường rất lớn vì thị trường còn thiếu những nền tảng cơ bản, dễ rủi ro. Sẽ có thể có những diễn biến phức tạp mà các NĐT nên tính tới. Để thị trường phát triển bền vững và không bị dao động mạnh dù trong hoàn cảnh khó khăn, Việt Nam phải tiếp tục coi trọng nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời bắt tay mạnh mẽ vào việc xây dựng những nền tảng cơ bản (fundamentals) cho phát triển bền vững thị trường (như phát triển hệ thống pháp lý; chuẩn hóa hệ thống công bố thông tin, kế toán; tổ chức lại các sở, trung tâm giao dịch chứng khoán; phát triển hệ thống định mức tín nhiệm, các định chế đầu tư dài hạn,...).

Một bài học đối với các NĐT là đừng để tinh thần quá hứng khởi hoặc quá bi quan lấn át, NĐT không chỉ cần biết cắt lỗ (cut loss) mà cần học cả cách cắt lợi nhuận (cut profit) khi cần thay đổi chiến lược và danh mục đầu tư. Kinh tế thế giới, khu vực và Việt Nam đều được dự báo sẽ tốt lên (cả về tốc độ tăng trưởng và ổn định vĩ mô) vào năm 2010. Nếu như vậy và công cuộc cổ phần hóa DNNN được đẩy mạnh cùng sự cải thiện các nền tảng thị trường, thị trường chứng khoán khó có lý do gì không ấm lên.

- Xin cảm ơn ông.


Xem tin gốc tại đây:
http://vietnamnet.vn/kinhte/2008/09/804135/



Báo cáo phân tích thị trường