Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đưa quan hệ Việt - Nhật lên tầm cao mới
18 | 07 | 2007
"Việt Nam - Nhật Bản hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như vậy với báo chí tháp tùng trước khi rời Osaka lên đường về nước ngày 22-10, kết thúc thành công tốt đẹp chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 18-10-2006.

Xin Thủ tướng đánh giá những kết quả quan trọng đạt được trong chuyến thăm Nhật Bản của đoàn đại biểu cấp cao VN?

- Chuyến thăm Nhật Bản lần này đã thành công tốt đẹp. Hai bên đạt được sự nhận thức chung rất quan trọng, đó là đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác vốn đã tốt đẹp giữa hai nước lên một tầm cao mới. Đó là hướng tới xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với nhau để sự hợp tác và phát triển thịnh vượng của hai dân tộc và của hai nước, vì hòa bình và phát triển của khu vực và trên thế giới. Theo đó, hai bên nhất trí rất cao là bắt tay ngay vào việc đàm phán chính thức Hiệp định Đối tác kinh tế Việt-Nhật (JVEPA) và tổ chức vòng đàm phán đầu tiên ngay từ tháng 1-2007, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Sáng kiến chung Việt-Nhật giai đoạn 2 về cải thiện môi trường đầu tư nhằm thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư của các doanh nghiệp của Nhật Bản vào VN. Hai bên cùng thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nước, phấn đấu đưa trao đổi thương mại từ 8,5 tỉ USD năm 2005 lên trên 15 tỉ USD vào năm 2015; thúc đẩy mạnh mẽ du lịch và các chương trình khác.

Đặc biệt, Nhật Bản đã cam kết duy trì và tăng cường viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho VN để tập trung xây dựng các cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế VN, trong đó tập trung vào 3 dự án lớn là tuyến đường cao tốc Bắc-Nam, tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam và cơ sở hạ tầng cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản vào đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghệ cao tại khu công nghiệp này.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng rất mong muốn và đã nhất trí với VN tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác với chúng ta trên các lĩnh vực khác như khoa học, giáo dục-đào tạo, trao đổi tu nghiệp sinh để đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Hai bên nhất trí trao đổi và hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Nhật Bản khẳng định tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ VN hội nhập kinh tế thế giới, tích cực hợp tác để VN tổ chức thành công Hội nghị APEC 14; VN tái khẳng định ủng hộ Nhật Bản trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Nhật Bản ủng hộ VN trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khóa 2008-2009.

Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng đã có nhiều cuộc tiếp xúc với chính giới, với lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Nhật Bản... Qua những cuộc gặp này, Thủ tướng cảm nhận thế nào về quan hệ và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước?

- Ngoài các thỏa thuận mà tôi đã đề cập ở trên, hai bên cũng đã đạt được thỏa thuận rất quan trọng là xây dựng diễn đàn hợp tác văn hóa giữa hai nước nhằm tạo nên một nền tảng tinh thần ngày càng vững chắc cho sự hợp tác và phát triển mối quan hệ hữu nghị VN-Nhật Bản. VN và Nhật Bản cũng đã đạt được thỏa thuận trên các lĩnh vực khác trên tinh thần hợp tác hữu nghị, hợp tác cùng có lợi vì sự phồn vinh chung của cả hai nước, hai dân tộc.

Thủ tướng đã tiếp xúc, gặp gỡ rất nhiều các doanh nghiệp và dự hội thảo xúc tiến đầu tư Nhật-Việt ở Tokyo và Osaka, xin Thủ tướng đánh giá sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với VN?

- Trong chuyến thăm này, tôi đã tiếp xúc với lãnh đạo của nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu cùng đông đảo các doanh nghiệp của Nhật Bản, nhìn chung phía Nhật Bản đánh giá rất cao thành tựu trên các mặt mà chúng ta đạt được trong 20 năm đổi mới và những năm gần đây và vui mừng thấy rằng kết quả hợp tác giữa hai nước đã ngày càng phát triển tốt. Tuy nhiên, hai bên cho rằng sự hợp tác hiện nay giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai bên nên phía Nhật Bản tỏ ý mong muốn thúc đẩy hợp tác trên tất cả các mặt với chúng ta hơn nữa trong tương lai, nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, hợp tác về kinh tế.

- Thưa Thủ tướng, việc đàm phán với Nhật Bản đầu năm 2007 về đối tác kinh tế toàn diện có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam?

- Kết quả đàm phán sẽ dẫn đến việc thành lập khu vực mậu dịch tự do Việt-Nhật, tạo thuận lợi cho việc khai thác tiềm năng, hỗ trợ, bổ sung cho nhau nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Ta cũng có nhiều điều kiện hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới, nhất là khi VN vào WTO cuối năm nay. Tuy nhiên, ta cần vươn lên nâng cao sức cạnh tranh, nhất là đối với những mặt hàng truyền thống và có ưu thế.

- Trong các cuộc gặp và tiếp xúc với các nhà lãnh đạo cũng như phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng đã khẳng định VN sử dụng hiệu quả ODA của Nhật Bản. Xin Thủ tướng cho biết phía Nhật Bản thể hiện thái độ như thế nào? Và chính sách ODA của Nhật Bản dành cho VN trong thời gian tới có gì thay đổi?

- Trong chuyến thăm Nhật Bản lần này, tôi đã khẳng định rằng VN là nước được coi là sử dụng có hiệu quả nhất nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA. Chính phủ đặc biệt coi trọng việc chống thất thoát, chống tham nhũng trong quá trình sử dụng những khoản viện trợ quý báu của bạn bè, trong đó có ODA của Nhật Bản; nguồn vốn tài trợ của Nhật Bản đã đặt vào bàn tay đáng tin cậy. Sự khẳng định đó đã được Quốc hội, chính giới và doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao và hài lòng, đồng thời bày tỏ sẽ tiếp tục duy trì và tăng cường ODA cho VN trong các năm tới.



Theo NLĐ
Báo cáo phân tích thị trường