Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chiến lược ngành gỗ: Rào cản và thị trường tiềm năng
06 | 07 | 2010
Tập trung đối phó với các dự luật mới từ thị trường nhập khẩu truyền thống, doanh nghiệp không nên bỏ qua những thị trường mới, tiềm năng và không kém phần hấp dẫn…

Vượt rào cản

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào thị trường EU, Hoa Kỳ trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến những quy định về xuất xứ và những đòi hỏi phức tạp về thủ tục tuân thủ.

Trong khi EU đã công bố Dự thảo thực thi Lâm luật (FLEGT - Forest Law Enforcement) và luật này sẽ có hiệu lực vào tháng 01/2012 thì Đạo luật Lacey sửa đổi của Hoa Kỳ - một bộ phận của Luật Nông nghiệp, đã được thông qua, có hiệu lực từ năm 2008 và được áp dụng đối với hàng nhập từ Việt Nam từ tháng 6/2010.

Ông Quyền cho biết, tính đến thời điểm này doanh nghiệp gỗ Việt Nam chưa có lô hàng nào gặp khó bởi đạo luật Lacey. Mặc dù vậy, ông Quyền vẫn lưu ý các doanh nghiệp cần gấp rút chuẩn bị mọi thủ tục, giấy tờ để hạn chế rủi ro trong thời gian tới. Hiện các ngành chức năng đã yêu cầu phía Mỹ hỗ trợ và cập nhật thông tin hướng dẫn giúp doanh nghiệp thực thi.

“Điều đáng lo nhất là năng lực của các doanh nghiệp khi chỉ có 190/2.500 doanh nghiệp xuất khẩu gỗ có chứng chỉ CoC (chuỗi hành trình sản phẩm) chế biến gỗ xuất khẩu vào 2 thị trường lớn là Mỹ và Nhật Bản” – ông Quyền nói.

Theo đạo luật Lacey, sản phẩm gỗ nhập khẩu vào Hoa Kỳ phải được kê khai đầy đủ và chi tiết: tên chính xác của thực vật, giá trị nhập khẩu, lượng cây – gỗ có trong sản phẩm, tên của quốc gia nơi cây – gỗ được khai thác.

Tại cuộc tọa đàm về nhập khẩu gỗ vào EU và Hoa Kỳ mới đây, các luật sư cho biết, có hai yếu tố tạo thành một vi phạm Đạo luật Lacey đó là: i) cây – gỗ bị phát hiện có nguồn gốc bất hợp pháp; và ii) buôn bán cây – gỗ bất hợp pháp giữa các bang của Hoa Kỳ hoặc từ nước ngoài vào Hoa Kỳ. Chế tài đối với các hành vi vi phạm là tịch thu hàng hóa, phạt tiền và thậm chí là phạt tù lên tới 5 năm.

Do những quy định khắt khe đó, các luật sư hướng dẫn các nhà sản xuất và xuất khẩu gỗ của Việt Nam cách thức tuân thủ: tìm hiểu đầy đủ các thông tin về tên, loài, chi, nguồn gốc xuất xứ của gỗ (nếu mua lại từ nhà cung cấp); sử dụng hệ thống sổ sách lưu trữ phù hợp với quản lý và giám sát kiểm kê; cung cấp cho nhà nhập khẩu danh sách tất cả các loài/chi và nước xuất xứ của sản phẩm.

Nội dung chính Đạo luật LACEY :

(1) Cấm buôn bán thực vật hoặc sản phẩm từ thực vật – bao gồm cả gỗ và sản phẩm từ gỗ bất hợp pháp xuất xứ từ bất kỳ bang nào của Hoa Kỳ hoặc từ nước ngoài vào Hoa Kỳ.

(2) Đòi hỏi người nhập khẩu phải khai báo xuất xứ gốc và tên loại gỗ có trong sản phẩm.

(3) Thiết lập hình phạt cho sự vi phạm luật này, bao gồm tịch thu hàng hóa, phạt tiền hoặc tống giam, hoặc tịch thu phương tiện, thiết bị vận chuyển trong các trường hợp nghiêm trọng như buôn lậu sản phẩm có nguồn gốc bất hợp pháp hay giả mạo giấy tờ.

Ngoài ra, theo ông Quyền, nhiều quy định của các thị trường nhập khẩu đồ gỗ chính của Việt Nam có hiệu lực trong năm 2010, rào cản kỹ thuật sẽ thắt chặt hơn như việc tăng cường kiểm soát chì trong sơn, formaldehyde trong keo dán gỗ… chắc chắn sẽ buộc doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn cho khâu quản lý chất lượng.

Mở thị trường tiềm năng

Ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết, qua khảo sát thị trường, Hiệp hội gỗ nhận định có 3 thị trường mới là Nga, Ấn Độ và Trung Á đang hứa hẹn sức tiêu thụ tốt đối với các sản phẩm đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ của Việt Nam.

Theo ông Quyền, thị trường Ấn Độ và các nước khu vực Trung Á như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan nhu cầu về các sản phẩm đồ gỗ rất lớn. Tuy nhiên ngành công nghiệp chế biến gỗ tại các nước này không đủ lớn để đáp ứng nhu cầu người dân trong nước.

Bên cạnh đó, đây là những thị trường không quá khắt khe về mẫu mã, chuẩn mực hàng hóa cũng không ở mức cao như những thị trường khó tính khác nên rất thuận lợi cho các DN xuất khẩu.

Do tốc độ đô thị hoá cao, hàng năm Nga phải nhập tới trên 40% tổng nhu cầu đồ gỗ nội thất, thủ công mỹ nghệ. Vì vậy, theo ông Quyền, đây chính là một thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ của ViệtNam.

Tại Nga “chúng tôi đang tập trung nghiên cứu 3 thị trường là Moscow, Leningrat và khu vực giáp giới với vùng trung Á.… Nhu cầu của 3 thị trường này rất lớn nhưng lại rất khác nhau. Chúng tôi đang nghiên cứu văn hoá, sở thích của từng vùng để có những sản phẩm phù hợp với không gian và phong cách của họ”- ông Quyền nói.

Ông Quyền cho biết thêm, người Nga nói chung rất thích các mặt hàng làm từ gỗ ván nhân tạo, mẫu mã và màu sắc cũng đơn giản hơn các nước khác.

Tuy nhiên bài toán đặt ra đối với các doanh nghiệp gỗ Việt Nam là rút kinh nghiệm từ các nước khác để cố gắng không qua trung gian mà bán trực tiếp vào thị trường Nga.

Muốn làm được như vậy, cần kế hoạch mở nhà máy liên doanh sản xuất, lắp ghép gỗ ván nhân tạo, mua gỗ, sản xuất và bán hàng tại Nga.

“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ 3 vấn đề: Thứ nhất, xây dựng một hiệp định giữa Nga và Việt Nam để hai bên đối tác hỗ trợ nhau; thứ hai là phải có nghị định giữa Việt Nam và Nga về vấn đề hải quan và cuối cùng là nên có một nghị định liên Chính phủ về đồng tiền chuyển đổi. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn được thanh toán bằng đồng USD nhưng nhà nhập khẩu Nga chỉ có thể thanh toán bằng đồng rúp. Hiện có một ngân hàng Liên doanh Việt – Nga nhưng vì khối lượng ngoại tệ quá ít nên không thể đáp ứng” – ông Quyền cho biết.

Khai thác thị trường nội địa

Theo nghiên cứu của ông Nguyễn Tôn Quyền tại TP HCM Nội và Hải Phòng, thấy rằng nhu cầu gỗ trong nước là rất lớn từ 800 triệu - 1 tỷ USD/năm.

“Ở Sài Gòn, một gia đình trung lưu tiêu từ 6 - 7 triệu đồng tiền gỗ/năm, thành phố Hà Nội 3 triệu đồng, nông thôn 1 triệu đồng. Chưa kể nhu cầu sử dụng đồ gỗ tại các khách sạn từ 2- 5 là rất lớn”- ông Quyền nói.

Hiện thị trường gỗ nội địa được chia làm hai nhóm chính. Gỗ được doanh nghiệp thiết kế với kiểu dáng mẫu mã có thương hiệu, tập trung tiêu thụ ở các thành phố và đô thị lớn. Phân khúc này đang được các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, đồ gỗ nhập khẩu nắm giữ. Còn lại là đồ gỗ tiêu thụ ở các vùng sâu, vùng xa do các cơ sở nhỏ sản xuất.

Lâu nay các doanh nghiệp ngành gỗ chỉ tập trung chủ yếu vào hàng xuất khẩu và rất ít để ý đến thị trường trong nước. Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua đã buộc doanh nghiệp phải nghĩ lại.

Nhiều doanh nghiệp lớn đã bắt đầu đi bằng 2 chân, vừa đảm bảo hàng cung cấp thị trường nội địa, đồng thời đảm bảo hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên ông Quyền cũng cho rằng, để phát triển thị trường nội địa, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cũng cần tổ chức nghiên cứu nhu cầu thị trường để khuyến cáo doanh nghiệp sản xuất….

Ông Quyền cho biết, sắp tới Hiệp hội sẽ kiến nghị lên Bộ Công thương một số vấn đề liên quan đến việc phát triển thị trường nội địa cho đồ gỗ.

Theo Trí Nhân
VOV



Báo cáo phân tích thị trường